.

Cảnh giác với nạn lừa đảo trực tuyến gia tăng

Cập nhật: 09:14, 13/04/2024 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, tình trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều chiêu trò tinh vi. Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, hướng dẫn cách nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến, nhưng không ít người dân vẫn bị mắc lừa.

Một nạn nhân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tiền đến trình báo tại cơ quan Công an.
Một nạn nhân bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tiền đến trình báo tại cơ quan Công an.

Bà Nguyễn Thị Duyên ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận được cuộc gọi của người tự xưng là công an quận, đề nghị bà làm theo hướng dẫn để cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Đây là thời gian cơ quan công an đang tổ chức nâng cấp định danh điện tử căn cước công dân nên bà cũng chú ý lắng nghe và làm theo. Đúng lúc đó, con trai bà Duyên về nhà, khuyên mẹ ngừng lại. Sau khi gọi điện đến cơ quan công an, họ mới biết suýt nữa thì trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo.

Với chiêu trò này, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền của nạn nhân khi nghe theo hướng dẫn cách cài đặt ứng dụng chứa mã độc thu thập thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu cấp quyền truy cập và từ đó kẻ xấu điều khiển từ xa, kiểm soát được tài khoản ngân hàng và tin nhắn chứa mã OTP xác nhận để thực hiện lệnh chuyển tiền đến tài khoản khác nhằm chiếm đoạt.

Chị Đinh Thị Hương ở chung cư Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký cho con dự một cuộc thi ảnh trên Facebook, rồi gửi lời mời cho bạn bè like và share theo đường link của cuộc thi đó, những tưởng tăng được điểm thi cho con, nhưng lại gây họa cho hàng chục người bạn khi tài khoản đó đã bị nhiễm mã độc, và bị hacker chiếm đoạt lấy được thông tin của chị Hương, từ đó, tội phạm gửi tin nhắn vay tiền đến nhiều người.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, trên không gian mạng Việt Nam có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với nhiều hình thức, nhắm vào các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng. Tội phạm lừa đảo thường tạo ra kịch bản và bối cảnh lừa đảo khá hoàn hảo, rất hấp dẫn.

Cục An toàn thông tin cảnh báo các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến gồm: Tấn công tài khoản của người nổi tiếng, chiếm quyền điều khiển để livestream nội dung quảng cáo tiền mã hóa; lừa đảo đăng ký học kỳ công an, quân đội, hàng không miễn phí cho trẻ; chiếm đoạt mã giảm giá trong mua bán online, gây thiệt hại cho sàn thương mại điện tử; lừa đảo quảng cáo việc nhẹ lương cao... Tội phạm lừa đảo qua điện thoại chiếm 80,2%, qua tin nhắn 57,5%, qua mạng xã hội 45,8%... Trên các nền tảng kỹ thuật số, tần suất lừa đảo nhiều nhất là Facebook 75%, sau đó đến Gmail là 29,5%, Telegram là 28%...

Từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, số vụ lừa đảo qua mạng do tội phạm thực hiện có chiều hướng tăng, với hơn 3.800 trường hợp. Riêng trong một tuần, từ ngày 25 đến 31/3, có gần 300 trường hợp lừa đảo được người dùng internet Việt Nam phản ánh tới Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC (Cục An toàn thông tin). Tính đến tháng 3/2024, hệ thống của Cục An toàn thông tin đã chặn hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến.

Theo ông Trần Đăng Khoa, tội phạm lừa đảo trên môi trường không gian mạng gây tổn thất to lớn, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội. Nhiều người cao tuổi, người về hưu dành dụm được một khoản tiền dưỡng già cũng mất trắng. Nhiều người lao động, công nhân nghèo lâm vào cảnh khốn khổ vì trót nghe lời quảng cáo, dụ dỗ ngon ngọt trên mạng, đem toàn bộ tiền tiết kiệm và vay mượn thêm để đầu tư vào một dự án nhà ở không có thật của kẻ lừa đảo.

Sở dĩ tội phạm có thể lừa đảo được là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin, bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ của tội phạm. Một lý do quan trọng nữa là khả năng, trình độ chống tin tặc của các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ thông tin ở nước ta còn hạn chế, thiếu sự liên kết chặt chẽ để hỗ trợ nhau, góp sức cùng cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên lãnh thổ.

Để ngăn chặn, giảm thiệt hại do nạn lừa đảo trực tuyến gây ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, biết cách tự trang bị kiến thức bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm lừa đảo, biết nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn của kẻ xấu, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Người dân tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân trên mạng; không tự biến mình thành nô lệ của công nghệ, phụ thuộc vào công nghệ. Khi thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần báo ngay cho công an nơi cư trú hoặc cơ quan chức năng như Cục An toàn thông tin, phản ánh qua hệ thống canhbao.khonggianmang.vn.

(Theo nhandan.vn)


 

 

 

.
.
.