.

Tiền Giang: Triển khai công tác tư pháp năm 2025

Cập nhật: 17:36, 14/01/2025 (GMT+7)
(ABO) Ngày 14-1, Sở Tư pháp Tiền Giang triển khai công tác năm 2025. Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. 
 
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng và đảm bảo tiến độ. Sở Tư pháp đã thẩm định kịp thời 81 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: Xây dựng, tài nguyên môi trường, giáo dục, nông nghiệp, xây dựng... Đồng thời, thực hiện góp ý kịp thời 168 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương.
 
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu phát biểu tại hội nghị.
Trong năm 2024, các cơ quan, đơn vị đã tích cực triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật của ngành, địa phương và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Toàn tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp hơn 5.450 cuộc cho hơn 211.780 lượt người tham dự; tổ chức 17 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với hơn 16.600 lượt tham dự; biên soạn và phát hành 1.041.300 bản tài liệu tuyên truyền pháp luật; qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
Công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Tư pháp chú trọng triển khai thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 1.030 tổ hòa giải, với 6.691 hòa giải viên được bố trí đều khắp các địa bàn ấp, khu phố, cụm dân cư trong tỉnh. Trong năm 2024, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 799 vụ việc, trong đó hòa giải thành 758 vụ việc, đạt 94,86%.
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Diệu biểu dương nỗ lực của ngành Tư pháp trong năm 2024. Đồng thời, đề nghị ngành tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025. Thời gian tới, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
 
Đồng thời, nâng cao chất lượng văn bản trong lãnh đạo, điều hành; nắm được nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để thực hiện tốt công tác tham mưu; phải có đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng có nhận thức và thực hiện đầy đủ về pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; những nghị quyết, những chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh phải được đánh giá, tổng hợp từ nhiều nguồn, từ tình hình thực tế để đánh giá sự tác động của văn bản này khi được cấp có thẩm quyền ban hành thì tính khả thi phải cao nhất, hiệu quả cao nhất, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
Đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đồng chí Nguyễn Thành Diệu yêu cầu phải đổi mới hình thức tuyên truyền. Ngành Tư pháp quan tâm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; cần phải rõ về nội dung, rõ về thực tế và rõ về đối tượng chịu tác động; nội dung tuyên truyền cần phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện và ai cũng có thể thực hiện được; nâng cao công tác tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
 
Các cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” của Bộ Tư pháp.
Các cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” của Bộ Tư pháp.
Dịp này, Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp” cho 7 cá nhân có nhiều công lao, đóng góp xây dựng ngành Tư pháp Việt Nam; Sở Tư pháp khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp của tỉnh năm 2024.
 
HÀ NAM
 
.
.
.