Thứ Tư, 08/03/2023, 11:10 (GMT+7)
.

Các chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 7-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu tham dự là các chuyên gia đã có nhiều đóng góp tâm huyết đối với dự thảo luật này, bao gồm các thành viên Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh… Các đại biểu đã có 8 ý kiến đóng góp xoay quanh các vấn đề bố cục, kỹ thuật cũng như làm rõ hơn các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thế Khải, ở Chương II, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai (từ Điều 13 đến Điều 26), tiêu đề như trên chưa thật đúng. Vì trong Mục 3 của chương này quy định về quyền và nghĩa vụ công dân đối với đất đai, không có điều, khoản nào quy định trách nhiệm của công dân, mà chỉ có nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nên điều chỉnh tiêu đề như sau: “Quyền và trách nhiệm của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai”.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thế Khải có các  đóng góp về quy định  cho thuê đất, thu hồi đất.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thế Khải có các đóng góp về quy định cho thuê đất, thu hồi đất.

Ông Nguyễn Thế Khải cũng đóng góp ý kiến ở khoản 3, Điều 49 dự thảo luật về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất quy định: “Việc thực hiện quyền của người nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ được Nhà nước bảo hộ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, quy định như vậy thì chỉ có người nhận chuyển quyền sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới được Nhà nước bảo hộ, còn những người khác vì bất cứ lý do gì mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ không được bảo hộ? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh nội dung này cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã có các ý kiến đóng góp về quy định định giá đất đai. Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Dương, Điều 154 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình Hội đồng Thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng Thẩm định bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành” là bước tiến mới vì cập nhật hơn, nhưng có lẽ vẫn chưa phải là một giải pháp đột phá theo đúng nghĩa vì bản thân phương pháp định giá này “đứng một mình” chưa giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là giao “Chính phủ quy định chi tiết”. Trong luật nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục cụ thể hóa các phương pháp định giá đất một cách linh hoạt và chính xác.

“Để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới bảo đảm được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, bảo đảm giá đất phù hợp với thị trường và hạn chế việc chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích... Dự thảo luật cũng chưa định nghĩa rõ thế nào là “giá thị trường”, trong khi rõ ràng là thị trường đất ở nước ta còn chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Luật cần phải làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường” bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất”, luật sư Nguyễn Minh Dương góp ý.

Các đại biểu cũng có một số ý kiến bổ sung vào nội dung quy định trong dự thảo luật. Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Nguyễn Ngọc Minh đề nghị bổ sung thêm nội dung “di tích lịch sử” điểm a, mục 1, Điều 8 và điểm d, mục 2, Điều 10 để bảo vệ đất thuộc “di tích lịch sử”. Ở mục 10, Điều 21, dự thảo luật cần bổ sung thêm nội dung “thông tin” để thông tin cho người bị thu hồi đất.

Phát biểu kết thúc hội nghị, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Phạm Văn Chính cho biết các đại biểu đã tham gia đóng góp tổng cộng 8 ý kiến tâm huyết và có chất lượng cao, đóng góp một cách toàn diện có trọng tâm đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp vào các quy định về quy hoạch, chất lượng quy hoạch, sử dụng đất. Các đại biểu còn đóng góp ý kiến để hoàn thiện các cơ chế cho thuê đất, giao đất; xác định giá đất; tài chính đất đai; quản lý đất nông nghiệp. Các ý kiến đóng góp được Thư ký hội nghị ghi nhận, tổng hợp gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang.

CAO THẮNG

.
.
.