Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo thẩm quyền khẩn trương đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả cho giai đoạn qua, hướng tới thực hiện tốt trong giai đoạn 2023 - 2030. Chỉ đạo của Thủ tướng rất rõ ràng, cụ thể với mục tiêu khẩn trương sắp xếp trụ sở công dôi dư tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, việc triển khai có đạt kết quả thiết thực hay không, các cơ quan hữu quan cần nhìn nhận thấu đáo thực trạng, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp sát thực tiễn.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, hiện nay, diện tích đất dôi dư chưa xử lý được của cả nước là gần 1,39 triệu m2, diện tích nhà là gần 375 nghìn m2, chưa kể việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030 còn phát sinh nhiều diện tích nhà, đất dôi dư cần tiếp tục xử lý.
Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư gặp khó do có vị trí nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn kém phát triển, giá trị giảm do không còn nằm ở khu vực trung tâm, không thuận lợi để kinh doanh du lịch, thương mại, dịch vụ...
Hơn nữa, chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng các trụ sở theo quy định pháp luật lại không phù hợp nhu cầu của tổ chức và cá nhân. Các địa phương điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cho nên gặp trở ngại trong đấu giá, chuyển đổi công năng.
Về vấn đề này, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ tư, nhiệm kỳ khóa XV, bàn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), có đại biểu đề nghị bổ sung quy định “một khu đất được quy hoạch sử dụng cho nhiều mục đích”.
Vì thế, nhà đầu tư thường không mặn mà tham gia đấu giá nhà đất công dôi dư, bởi giá khởi điểm thường cao, trong khi tài sản trên đất cơ bản phải phá bỏ sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá nhưng họ vẫn phải trả tiền cho tài sản không sử dụng được.
Tại nhiều địa phương, việc xử lý tài sản (nhà văn hóa, trạm y tế…) nằm trong diện tích đất đã giao cho các nhà đầu tư trúng đấu giá đất thì không có hình thức thanh lý tài sản trên đất, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án.
Đây là những vướng mắc mà Bộ Tài chính phải khẩn trương hướng dẫn tháo gỡ, nhất là nghiên cứu, đề xuất xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ để tạo thuận lợi xử lý tài sản, trụ sở dôi dư, bởi trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá theo các nghị định này yêu cầu phải qua nhiều bước, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị cho nên thời gian thực hiện thường kéo dài, gây tốn kém chi phí bảo quản tài sản.