Dân Úc cả nể anh “Hai lúa”
Sáng thứ ba dậy sớm, tôi đọc một bài báo mới nói về xoài Darwin đã soán ngôi vương của xoài Queensland, năm 2011 đứng đầu về sản lượng xoài ở Úc.
Người Việt lại chiếm 40% tổng sản lượng xoài trồng ở Darwin và 22% tổng lượng xoài ở bang NT. Người Việt đã làm giàu trong 15 năm (từ giữa thập niên 1990 đến nay), nhờ lao động cần cù, sáng tạo, rất được ca tụng ở Darwin như là những người nắm được kỹ thuật cho xoài trổ sớm cả tháng so với xoài KP của người Úc.
Để xoài ra hoa sớm trên đất Úc
Họ kể cho tôi, bắt đầu làm xoài sớm từ năm 1996. Năm đó vợ chồng anh Phúc mời thầy Trần Văn Hòa - Trường Đại học Cần Thơ sang đây để hướng dẫn cho họ. Sau đó, họ bắt đầu mua “xoài lá” của mấy farm xoài của người Úc để xịt thuốc ra hoa sớm. Có tiền, họ mua farm thứ nhất, rồi farm thứ hai, có người nay đã có 4 farm như anh Hài. Họ đóng thuế cho Úc cũng khá, vì cứ mỗi thùng xoài 7kg bán được, họ phải đóng thuế 70 cent.
Ăn sáng ở nhà Ian xong, theo chương trình, ông Ian đưa tôi đi thăm các farm của người Úc. Thăm farm đầu tiên hôm đó là farm trồng chôm chôm của ông Jim Driscoll người Úc, có bà vợ người Thái. Vườn chôm chôm này rất tốt, trông rất xum xuê và vừa thu hoạch xong. Hàng năm, ông Jim chỉ bón vôi (Gypsum) và phân hữu cơ, ông không bón NPK. Ngoài chôm chôm, ông còn trồng vài cây măng cụt, vài cây mít. Farm của ông này chừng vài ba ha, nhỏ hơn các farm của người Việt mà tôi đã đến rất nhiều.
Vườn xoài nhà anh Phúc. |
Sau đó, Ian đưa tôi đi thăm farm xoài của Công ty Jabiru, hiện do ông Ross phụ trách kỹ thuật (trước đây ông Ian từng làm vai trò này ở Công ty Jabiru gần chục năm trời). Ông Ian chỉ cho tôi rất nhiều vết khắc (girling) trên xoài KP đã được ông thực hiện trước đây, nhưng có năm có kết quả tốt, có năm không có kết quả tốt.
Theo ông, kết quả của khắc gốc cộng với tưới Cultar vào gốc và các biện pháp khác kèm theo trước và sau khi tưới Cultar luôn luôn không chắc chắn sẽ làm ra hoa sớm (not consistent), vì theo ông trổ hoa sớm tuỳ thuộc rất nhiều thông số khác như: tuổi cây (cây già thì “đã chai” với thuốc Cultar nên khó ra hoa hơn cây non, đây có thể là nguyên nhân không chắc chắn ra hoa ở vườn này vì cây ở đây rất già).
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như tuổi lá, nhiệt độ khi gần trổ bông có thấp không. Trên đường đi, Ian nói với tôi, theo ông thì đất nghèo (nhiều đá, nhiều sỏi), cây xoài không tốt lắm thì lại dễ ra hoa sớm hơn cây xoài được trồng trên đất tốt. Ngoài ra, đất thấp bị ngập nước thì xoài luôn luôn trổ sớm hơn xoài trồng ở trên đất không bị ngập nước.
Quá trưa thì chúng tôi vào đến khu vực farm xoài mang thương hiệu TOUS. Ian chỉ cho tôi miếng đất trũng trong vườn xoài của farm TOUS, ông nói năm nào ông cũng thấy miếng đất trũng này trổ sớm hơn các hàng xoài ở cao hơn chung quanh. Ông cho biết ở Taiwan hay cho ngập nước để làm ra hoa sớm trên xoài. Từ đó, ông cho rằng ở ĐBSCL làm xoài sớm rất thuận lợi vì đất thấp.
Vào đến văn phòng farm TOUS, chúng tôi gặp ông chủ nhà người Úc có bà vợ người Thái. Bà vợ Thái hỏi tôi cách làm cho xoài ra hoa sớm, tôi trả lời bà hỏi ông Ian vì ông rất rành việc này, chứ không phải chỉ có nhà vườn Việt Nam biết.
Tuy nhiên, ông Ian cho biết kết quả của việc xử lý ra hoa luôn luôn không chắc chắn sẽ có kết quả, thí dụ điển hình là ngay cả anh Bé dù là một người rất kinh nghiệm làm việc này, nhưng năm 2010 cũng bị thất bại và anh Cường là người mua “xoài lá” đầu tiên ở đây trong những năm cuối của thập niên 1990 cũng có năm bị thất bại và hiện nay anh Cường đã chuyển sang trồng vú sữa.
Ngưỡng mộ... năng suất thanh long Việt
Do tôi ở chung nhà và đi chung xe với ông Chủ tịch Hội Người trồng xoài bang NT hàng ngày, nên tôi được nghe nhiều việc ở đây. Ian nói, người Việt Nam chịu khó, họ đã vươn lên từ những người nghèo lúc mới sang đây, đến nay hầu hết là đã giàu có, con cái họ học hành thành công rất nhiều.
Sau đó, ông đưa tôi về văn phòng Hội Người trồng xoài bang NT, đây là một tổ chức không thuộc chính phủ, có tôn chỉ hoạt động rất hay là làm cầu nối giữa nhà vườn với chính phủ. Họ thay mặt nhà vườn nói lên nguyện vọng với chính phủ. Hội có nhiệm vụ tổ chức họp sau mỗi vụ xoài để rút kinh nghiệm, thảo luận những việc cần làm trong năm tới. Trong cuộc họp này, Hội cũng mời các nhà khoa học đến báo cáo những tiến bộ kỹ thuật mới. Ngoài ra, Hội cũng in ấn tài liệu phát không cho nông dân.
Điểm đến thăm sau cùng của ngày hôm đó, Ian đưa tôi đến thăm gia đình một nông dân Úc trồng thanh long trắng là Fred Karlson. Ông Fred đã đến VN hai lần, ông cũng là người đầu tiên trồng thanh long ở Darwin năm 1997. Tôi có ghé thăm nhà ông Fred lần đầu vào cuối năm 1998. Fred đã mất vài năm rồi.
Vườn thanh long hiện nay do Marcus là con trai của Fred chăm sóc giúp mẹ. Ở đây, tôi cũng gặp ông bạn cũ của tôi là Peter Jonker, ông này làm đại lý thu mua trái cây ở Perth. Peter vừa lên Darwin để dự Hội thảo xoài.
Ra thăm vườn thanh long, tôi thấy thanh long họ trồng cũng tạm được, nhưng số cành/trụ (pole) không nhiều như ở Việt Nam. Theo Marcus năng suất chỉ khoảng 12 kg/trụ, trong lúc ở Việt Nam năng suất đến 25-30 kg/trụ. Cây thanh long ở đây bị bệnh rám cành, thân cành bị bệnh trắng từ gốc lên ngọn, có thể do hậu quả của kiến trắng ở dưới gốc cắn thân cây, quan sát tôi thấy có những lỗ rất to, do bị kiến cắn xuất hiện trên thân chính ở tận ngọn.
Tối hôm đó, bà Jenny, mẹ của Marcus, mời chúng tôi đi ăn cơm tối ở một nhà hàng gần phi trường, bà chọn món thịt bò Beeftek cho tất cả mọi người, ai cũng khen rất ngon, mỗi đĩa đến 35 đôla. Ăn xong, bà Jenny còn tặng cho tôi một gói quà, bà nói tôi phải mở ra để bà giải thích đó là một con ếch bằng đá xanh rất đẹp và một tấm tranh thêu, tất cả đều được làm ở Italy. Bà nói sẽ sang Việt Nam vào tháng 5 tới đây cùng với ông Peter Jonker và con trai là Marcus để tham quan thanh long Việt Nam mà tôi nói cho trái đến 30 kg/trụ.
Sáng sớm thứ tư trời mưa nhiều vì bị ảnh hưởng bão ở gần Darwin, học sinh được nghỉ học. Dù trời mưa, Ian vẫn đưa tôi đến văn phòng Đài Phát thanh Quốc gia ABC ở Darwin để trả lời phỏng vấn mấy câu đơn giản như: Cảm tưởng về cây xoài ở đây hiện nay ra sao so với lần tôi đến đây vào năm 1998? Thấy xoài như thế nào so với xoài ở Việt Nam? Người Việt Nam ở đây tìm thông tin kỹ thuật từ đâu?
Tôi nói: Lần trước sang đây, tôi thấy cây xoài rất cao, bây giờ đã được cắt xuống thấp, diện tích xoài cũng đã phát triển lên nhiều và đặc biệt là người Việt ở đây hiện nay rất giàu có, không còn thấy họ ở trong thùng container bằng sắt ở bên cạnh rẫy nữa. Nhiều người Việt đã có nhà rất to, rất đẹp, con cái học hành đàng hoàng. Còn thông tin kỹ thuật trồng xoài, tôi nói ở đây người nào có trang bị đĩa enten đều có thể bắt đài VTV từ Việt Nam để nghe tin tức, nghe các chương trình khuyến nông...
Sau khi trả lời phỏng vấn, Ian đưa tôi đến gặp Chris Wicks là bạn cũ của tôi hồi cùng làm dự án ACIAR về IPM cho sầu riêng (1998-2002). Uống café với Chris xong, Ian đưa tôi đến chỗ làm của Daren, là người bán vật tư nông nghiệp ở đây.
Do công việc của mình, Daren rất rành các farm của người Việt ở Darwin. Mặc dù thời tiết hôm đó không tốt, Daren vẫn đưa tôi đi thăm các điểm. Tuy nhiên, trên đường đi đến các farm thì gặp mưa rất lớn, nhiều chỗ cầu đã bị ngập không thể qua được nên Daren phải quay xe lại và đưa tôi đi ăn trưa ở gần văn phòng Hội Người trồng xoài bang NT, rồi đưa tôi về nhà Ian nghỉ sớm.
Chiều hôm đó, Ian đưa tôi qua Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Darwin gặp ông Warren, là MC cho buổi Hội thảo chiều ngày mai. Ông còn lo luôn việc in ấn tài liệu hội thảo, lên chương trình cuộc họp. Ông cho biết ngày mai sẽ có Bob Wiliam là director của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp bang NT họp. Ông Warren cho biết năm rồi chỉ có hai nhà vườn Việt Nam dự cuộc họp này, nên họ rất mong năm nay số người dự sẽ đông hơn, do vậy Ian mới mời tôi qua.
PGS-TS NGUYỄN MINH CHÂU
Kỳ sau: “Hai lúa” đồng bằng xây nhà triệu đô.