Anh hùng giữa đời thường
Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm và con trai út Nguyễn Sĩ Đông. |
Tuổi thanh xuân, các cô, các chị đi qua một thời gian lao mà anh dũng. Tên tuổi các cô, các chị mãi lưu danh với bao chiến công như những bông hoa tươi thắm dệt nên rừng hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Chiến tranh đã đi qua, những lúc trái gió trở trời, vết thương bom đạn có làm cho các cô, các chị giật mình, đau nhói… song những phẩm chất làm nên danh hiệu Anh hùng ở các cô, các chị vẫn tỏa ngát hương giữa đời thường.
Gặp nữ anh hùng 67 tuổi
Tôi bước vào ngôi nhà số 11, đường 30-4, TP. Mỹ Tho, thấy cô Mười Tâm (Thượng tá, Anh hùng LLVT Lê Thị Hiếu Tâm) đang ngồi đọc báo bên chiếc bàn cạnh cửa ra vào.
Nghe tiếng tôi, cô đứng lên thật nhanh. Mái tóc bạc cắt ngắn, bộ đồ màu vỏ đậu như rộng thêm bởi cái dáng gầy gò cố hữu của cô, nhưng giọng nói, tiếng cười vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, hoạt bát của thuở nào.
Nhà vắng, chồng cô - dượng Mười (bác sĩ Nguyễn Sĩ Bền, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh) qua Trung tâm Văn hóa tỉnh chơi với mấy ông bạn già. Trước đây, Sĩ Bình (con trai lớn của cô) cùng vợ và con trai sống chung với cô - dượng. Năm 2006, Bình mất vì tai nạn giao thông. Ít lâu sau, vợ Bình về bên mẹ ruột (ở Gò Cát) cất nhà ở riêng, rồi xin rước bàn thờ chồng về đó luôn.
Bây giờ, mỗi sáng vợ Bình đưa con đi học, trưa đưa cháu về nhà cô ăn cơm. Chiều cô đưa cháu đến trường, rồi đưa đi học thêm… Có khi hơn 9 giờ tối, vợ Bình mới ra trực, rước con về nhà. Vợ chồng Sĩ Minh, con trai thứ hai của cô đều công tác ở Cái Bè. Con trai út (Sĩ Đông) là trung úy quân đội, công tác ở Phòng Hậu cần - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đáng lý vợ chồng Đông sống với cô nhưng vì bận buôn bán nên vợ Đông ở tạm nhà chị ruột bên phường 10.
Cô nói, với đất nước, với chồng con…, cô không còn gì băn khoăn cả. Năm 1994, dượng Mười bị ung thư đại tràng, phải mổ, vô hóa chất… Có nhiều khoản ngoài chế độ chi trả của bảo hiểm nên gia đình phải “xuất quỹ”.
Năm 1998, cô nghỉ hưu, lương hưu của cô và dượng cộng lại mỗi tháng chỉ khoảng 1,3 triệu đồng. Cô phải vay mượn, nợ của bà con hàng trăm giạ lúa. Nợ cũ chưa dứt lại thêm nợ mới. Nhà xuống cấp, phải sửa, cô lại nợ họ hàng thêm 30 triệu đồng. Tất cả đều được quy ra lúa.
Lúc đó, còn 2 đứa con đang đi học, cô vừa làm vợ, làm mẹ, vừa làm bác sĩ riêng của chồng. Ngoài Tây y, ai chỉ thứ gì trị bệnh cho chồng, cô cũng gắng tìm cho bằng được. Tất tả ngược xuôi, trong ngoài gì cũng mình cô lo. Vậy mà hàng tuần cô còn chạy xe lên tận huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An (quê dượng Mười) để làm 2 mẫu ruộng.
Cô làm quần quật, cả thời gian ăn, ngủ cũng bị cắt xén. Gian nan không sao kể xiết từ lúc cắt lúa, cho đến lúc đem được lúa về nhà cô phải ngủ ở ngoài đồng. Đem lúa về phơi khô, quạt sạch, trừ vốn liếng, còn bao nhiêu trả nợ hết. Mùa thất thì trả được khoảng 100 giạ, mùa trúng trả trên 150 giạ; ròng rã 3 năm trời cô mới trả hết nợ.
Bây giờ bệnh của dượng Mười đã ổn và các con đều học xong đại học, có việc làm ổn định…, cô còn mong gì hơn! Nhưng lòng cô vẫn còn đau đáu mỗi khi nhớ đến đứa con trai đã ra đi. Có lẽ vì vậy mà cô có thói quen đi… du lịch “cấp tốc”.
Một ngày của cô bắt đầu từ 4 giờ sáng. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho chồng xong là cô xách xe đi. Nếu không có nhiều thời gian thì cô đạp xe vô Đạo Thạnh, Mỹ Phong hoặc lên Vĩnh Kim xem chợ trái cây; vào Đăng Hưng Phước để xem sự thay đổi của vùng căn cứ… Hôm nào có thời gian thì cô đi xa.
Có lần cô chạy xe gắn máy lên Tam Bình, rồi qua Ngũ Hiệp, Tân Phong (Cai Lậy), Chợ Lách (Bến Tre) mới vòng về cầu Rạch Miễu. Lần khác, cô chạy xe lên cầu Mỹ Thuận, tới Vĩnh Long, qua phà Cổ Chiên, đi Chợ Lách rồi xuống Thạnh Phú xem cầu Hàm Luông. Cô nói, đường sá bây giờ ngon lắm và xã hội phát triển nhanh quá, cô cứ mãi mê nhìn ngắm, mấy lần suýt đụng người ta. Tiếc là dượng Mười không ngồi xe nổi...
Tôi phục cô sát đất! Cô đã 67 tuổi rồi mà ý chí, nghị lực cứ như tuổi thanh xuân. Có ai biết trong cái dáng gầy gò ấy là một sức sống phi thường!
Đừng vì mấy đồng tiền mà làm mất nhân cách
Anh hùng LLVT Dương Thị Lệ. |
Không ngao du đây đó như cô Mười, chị Lệ (Anh hùng LLVT Dương Thị Lệ) hiện vui với luống rau, giàn mướp. Khi tôi đến nhà chị ở ấp Bình Tạo (Trung An, TP. Mỹ Tho), thấy chị đang ở ngoài đám rẫy “mini” của mình.
Cuộc đời của chị cũng lắm thăng trầm, những khó khăn, trắc trở mà có lẽ chỉ có chị chứ ít ai vượt qua nổi.
Con đông (4 đứa), ruộng ít, chị làm đủ thứ nghề: nuôi vịt thả đồng, thuê đất trồng huệ, rồi sắm xe hàng đi buôn... Đang làm ăn ngon lành thì xe gây tai nạn, chị bồi thường gần hết vốn. Đã vậy, năm 2000 chị còn mắc bệnh ung thư vú.
Sau mấy năm khốn đốn vào ra các bệnh viện, sức khỏe chị ổn định thì tiền bạc cũng không còn, các con lại không có việc làm. Để tìm lối ra, chị dồn hết vốn liếng bắt hơn 70 con heo giống về nuôi. Thấy đàn heo phát triển tốt, chị quyết định xây nhà.
Ai ngờ dịch lở mồm long móng ập đến, heo rớt giá. Chị mua heo giống 900.000 đồng/con, nuôi 3 tháng bán ra 900.000 đồng/tạ. Lỗ nặng, tiền xây nhà không trả được, chị đánh liều thuê mặt bằng mở nhà hàng. Sau một năm kinh doanh lỗ thêm 60 triệu đồng, cuối năm 2007 chị nợ gần 300 triệu đồng.
Làm ăn lớn không được, chị về quê (Tam Hiệp, Châu Thành) mở quán bán hủ tiếu vẫn không khá. Năm 2009, chị một mình lên Trảng Bàng (Tây Ninh) nuôi vịt thả đồng. Chị xin chính quyền sở tại cho che bạt ở ngoài đồng, hợp đồng với đại lý mua chịu thức ăn, rồi bắt về 3.000 vịt con.
Một mình chị trong cái lều bạt, thiếu thốn đủ thứ, ngày thì chịu cái nóng như thiêu đốt, tối lạnh buốt vì sương gió. Nằm trong bóng tối nghe dàn hợp xướng của ếch nhái, ểnh ương khiến nỗi buồn thấm vào từng thớ thịt.
Ương vịt con được 40 ngày thì cho lên đồng, lúc này chị mới mướn thêm 3 người phụ giúp. Sau 3 tháng chị bán được 280 triệu đồng, trừ vốn còn lời được 35 triệu đồng. Chị cuốn gói về sông Vàm Cỏ (Long An) ương tiếp 3.000 con vịt khác. Lần này chị lời được 120 triệu đồng, trả nợ 80 triệu đồng và hốt bầy vịt khác về nuôi lời 75 triệu đồng, trả nợ 50 triệu đồng.
Đầu năm 2011, chị về đồng nhà. Lần này gặp lúc thịt gia cầm “lên ngôi”, chị nuôi có 1.500 con mà lời được 200 triệu đồng. Trả dứt nợ, chị giũ gói, xuống tóc để tạ ơn trời phật!
Bây giờ chị sống nhờ lương, mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Bạn bè rủ làm ăn, chị từ chối hết. 58 tuổi đời với biết bao thăng trầm, chị không muốn bon chen nữa. Chị tâm niệm, có nghèo, ăn muối quẹt cũng vui, miễn đừng nợ nần, đừng vì mấy đồng tiền mà làm mất nhân cách.
Nói vậy, chứ chị đâu có chịu nghỉ ngơi. Bên kia con kinh có mấy lô đất người ta chưa cất nhà, cây cỏ lên mịt trời, chị xin khai hoang để trồng rau, đậu, bầu bí. Trồng rồi đem cho, chứ không bán. Sau nhà, chị xây hồ nuôi thêm mấy chục con vịt.
Hiện nay, chồng chị (anh Nguyễn Văn Non) ở quê, bán cà phê bên lộ Kinh Năng. Chị ở ngoài Trung An với vợ chồng người con gái thứ tư và 2 đứa cháu ngoại. Người con trai thứ 3 ở “nhà thờ”. Còn cô gái út lấy chồng về Long Định. Cuộc sống các con tạm ổn định, nhưng chị luôn canh cánh một nỗi niềm: Vì lo bươn chải làm ăn mà các con chị đều phải nghỉ học giữa chừng. Tôi đồng cảm với chị và vô cùng khâm phục nghị lực vượt khó của chị. Ngay trong đời thường phẩm chất anh hùng ở chị Lệ vẫn tỏa hương!
Cuộc đời giản dị của nữ thẩm phán
Chị em phụ nữ Quân sự tỉnh Tiền Giang thăm Anh hùng LLVT Phạm Thị Nhung. |
Nói về các nữ Anh hùng LLVT của tỉnh Tiền Giang, còn một người nữa, đó là cô Tư Nhung - Phạm Thị Nhung.
Tuổi thanh xuân, cô Tư khiến bao chàng trai đắm đuối với vóc dáng mảnh mai, da trắng, khuôn mặt trái xoan. Không phải bây giờ (khi đã trở thành cụ bà 80) mà xưa nay cô Tư luôn dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn.
Hồi cô còn trẻ có nhiều chàng trai thương thầm nhớ trộm, nhưng không hiểu sao cô cứ ở vậy một mình. Sự ân cần, tính thật thà, đôn hậu của cô làm tôi thấy ấm áp như đang trò chuyện cùng người thân của mình.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, chứng thoái hóa cột sống và đau thần kinh tọa làm cho dáng cô còng xuống, vậy mà cô vẫn ra vườn cắt rau, bọc mận, hái trái cây… Chỉ có 2 công vườn mà cô trồng đủ thứ: mít, bưởi, mận, dừa, sữa…, mỗi loại một ít. So với chị Lệ và cô Mười thì cuộc sống của cô Tư ít thăng trầm hơn, trừ chuyện bị bắt, ở tù gần 4 năm trời hồi đầu năm 1960.
Tham gia cách mạng, cô làm đủ thứ việc, từ công tác đoàn thể, qua LLVT (huyện, tỉnh, quân khu), rồi trở về lãnh đạo cơ sở, sau đó lên tỉnh làm Thẩm phán tòa án. Đến năm 1985 cô nghỉ hưu, về xã nhà (An Hữu, Cái Bè) làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Bốn năm sau, do bị bệnh, cô mới thôi công tác.
Ngôi nhà cô đang ở tại ấp 5 (An Hữu) là nhà tình nghĩa cất từ năm 1989. Cô sống với vợ chồng người cháu trai kêu bằng cô ruột (anh Phạm Ái Việt). Cô khoe: “Tụi nó rất có hiếu với cô, 5 - 6 năm liền vợ chồng nó được tỉnh công nhận là Người con hiếu thảo. Vợ thằng Việt còn được lên “đài” nữa đó! Con tụi nó gọi cô bằng bà nội”.
Cuộc sống của cô Tư thật là giản dị, đầm ấm bên vợ chồng, con cái đứa cháu mà cô coi như con. Cô nói, 2 công vườn mỗi năm chỉ thu vài triệu đồng, cô sống chủ yếu nhờ lương. Lương hưu, lương thương binh, lương Anh hùng… cộng lại mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, đủ cho cô trang trải và nuôi 2 đứa cháu ăn học.
Chia tay 3 người nữ Anh hùng, lòng tôi trào dâng sự cảm phục, biết ơn! Biết ơn vì các cô, các chị đã giữ nguyên trong tôi hình ảnh đẹp đẽ của ngày nào, sự tự hào của ngày nào. Trong chiến đấu giải phóng dân tộc, các cô, các chị là những người dũng cảm, mưu trí; nay giữa đời thường tuy mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện, sự thử thách khác nhau, mắc bệnh tật hay nghèo khó, bình yên hay bôn ba chìm nổi, các cô, các chị cũng đã dũng cảm vượt qua để giữ vững phẩm chất của người Anh hùng.
Bút ký của NGỌC THỦY