Về Cần Lộc nhớ Vịnh Đôi Ma
Kỳ 1: Dấu tích xưa & chuyện hôm nay
Có lẽ nhờ con rạch Cần Lộc mà Vàm Láng - chỗ con rạch Cần Lộc ăn thông ra biển, mới trở thành cảng cá sầm uất. Không chỉ có vậy, rạch Cần Lộc còn mang trên mình sự tích về câu chuyện tình ly kỳ mà ngày nay được đặt địa danh là vịnh Đôi Ma.
VỊNH ĐÔI MA
Rạch Cần Lộc ngày trước chạy dài đến xã Kiểng Phước, xuyên qua cái vịnh nước chảy rất xiết. Nơi khúc quanh của đoạn rạch Cần Lộc ngày nay gọi tên là vịnh Đôi Ma. Hiện tại, vịnh chỉ là một khúc rạch uốn cong, lục bình đã mọc kín cả bề mặt, hai bên con rạch vẫn còn ít người sinh sống. Ngay vịnh hiện còn miếu thờ, hàng năm người dân xung quanh đều tổ chức lễ cúng.
Ông Trần Văn Giáp (ấp Đôi Ma, xã Kiểng Phước) năm nay đã 93 tuổi, người đã sống gần trọn đời ở gần vịnh Đôi Ma cho biết, vịnh Đôi Ma ngày xưa ghe tàu chạy vô kéo dài đến xã Kiểng Phước. Ngày trước con rạch này nước mặn nhưng nay bị ngăn lại để trữ ngọt phục vụ sản xuất lúa.
“Ba đời nhà tui đều có giữ trâu ở khúc rạch này. Tới mùa cày, trâu được đẩy vào vịnh. Ngày trước, khu vực xung quanh vịnh chủ yếu là lá dừa nước, hoang vắng do rất ít người ở. Ngay vịnh nước chảy rất xiết, một mình không dám lội qua do nước xoáy. Muốn lội qua phải có từ 2-3 người. Còn tên vịnh Đôi Ma là do những điển tích về đôi tình nhân mà người xưa truyền lại” - ông Trần Văn Giáp nhớ lại
Cống ngăn mặn của rạch Cần Lộc. |
Ngày nay, hai từ Đôi Ma lại rất thân thuộc với người dân miệt biển, nhất là 2 xã Kiểng Phước và Vàm Láng, bằng chứng là mỗi xã đều có ấp mang tên Đôi Ma.
Những vị cao niên ở đây kể lại rằng, tục truyền thuở xưa, có hai nhà họ Nguyễn và họ Phạm ở hai bên mé rạch. Họ Nguyễn chết để lại một vợ góa và một con trai đặt tên là Nguyễn Nghị. Bà góa phụ này thủ tiết, mua bán tảo tần nuôi con ăn học. Nguyễn Nghị có tiếng là một nho sinh ưu tú ở vùng này.
Nhà họ Phạm có cô con gái tên Phạm Thị Nữ thấy Nguyễn Nghị học giỏi nên yêu tài, hứa gả Thị Nữ cho, còn chu cấp cho Nguyễn Nghị ăn học. Chẳng may, mẹ Nguyễn Nghị chết, mọi việc chôn cất nhà họ Phạm lo.
Lúc này Nguyễn Nghị phần vì mất mẹ, phần vì ráng sức việc sách đèn nên bị bệnh nan y. Nhà gái hết sức chạy chữa nhưng không thấy thuyên giảm. Thị Nữ xin phép cha mẹ qua nuôi dưỡng nhưng không được chấp thuận, vì theo lễ giáo khi chưa cưới hỏi chỉ đi thăm viếng mà thôi.
Một thời gian, Nguyễn Nghị chết, bên họ Phạm chôn cất ở nền nhà vì không còn ai hết. Bấy giờ Thị Nữ tang chế theo lệ thường, rồi từ đấy sinh ra bệnh thất tình, cha mẹ biết nhưng khuyên giải không được. Trước khi chết, Thị Nữ trối được chôn bên cạnh mộ Nguyễn Nghị, cha mẹ cũng y lời, cho chôn đôi trẻ gần nhau. Lâu ngày đôi uyên ương ấy thường hiển hiện, thơ thẩn bên bờ rạch. Nhiều người trông thấy, xa gần vang tiếng đồn.
Còn theo bản dịch “Nam Kỳ lục tỉnh dư địa chí” của Duy Minh Nhị, sự tích về vịnh Đôi Ma được ghi lại: Một đôi trai gái yêu thương nhau. Chàng là học trò khó, nàng là trang “lá ngọc cành vàng”. Cha mẹ nàng không ưng thuận cuộc lương duyên ấy, mặc dù nhà chàng đã nhiều lần cậy người đến cầu xin.
Rất tiếc cha mẹ nàng khư khư từ chối. Nhưng nàng đã quá yêu chàng; đáp lại, chàng cũng nguyện cùng sống chết với người tình. Ban đêm cả hai dắt nhau lội qua rạch, toan tìm đường trốn để lập tổ uyên ương. Chẳng may cả hai đều chết đuối. Khi xác nổi lên, đôi trai gái hãy còn nắm tay nhau. Cha mẹ đôi bên động lòng, cho chôn chung một chỗ.
Ít lâu sau, đôi lứa thường hiện lên. Nơi vịnh này, người ta thường thấy có bóng uyên ương kề cập nhau lúc trời trưa đứng bóng hoặc lúc trời chạng vạng tối có đôi đom đóm lập lòe trên cành cây, mé rạch. Vì thế đặt tên là vịnh Đôi Ma hay Song Ma và có cả miếu thờ…
THỊ TRẤN SẦM UẤT
Vàm Láng hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh, dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác hải sản của các ngư dân nơi đây là gần 500 tàu được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hơn 20.000 tấn hải sản các loại.
Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy - hải sản ở Vàm Láng là điều kiện để hoạt động các dịch vụ nghề cá (sửa chữa tàu, ghe, cung cấp dầu, nước đá) cũng như hoạt động thương mại - dịch vụ ở đây phát triển, góp phần giải quyết hàng ngàn lao động tại chỗ và ở nơi khác đến.
Chính vì vậy, từ một làng biển truyền thống với cư dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, lượm lặt cá, Vàm Láng ngày càng phát triển với vóc dáng một đô thị vùng biển qua những dãy phố san sát, những cơ sở kinh doanh ngư cụ, sơ chế hải sản...
Với địa thế thuận lợi về kinh tế biển cũng như dịch vụ từ biển đã mang lại cho Vàm Láng những tiền đề quan trọng để tiến lên. Song song đó, nơi cuối cùng của rạch Cần Lộc, gần tiếp giáp với biển còn là nơi thuận tiện để neo đậu tàu cá, nhất là vào những mùa mưa bão.
Vì lẽ đó, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết, từ năm 2010, Trung ương đã đầu tư ở Vàm Láng khu neo đậu cho tàu, thuyền trú bão với kinh phí 120 tỷ đồng. Qua thời gian triển khai, công trình đã hoàn thành phần lớn công việc với kinh phí đầu tư đã lên đến 91 tỷ đồng.
Hiện nay, các hạng mục như: phao tiêu báo hiệu, trục neo đầu tàu, đường nội bộ với kinh phí gần 30 tỷ đồng đang phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Dự án hoàn thành sẽ giúp ích rất nhiều cho ngư dân Vàm Láng trong việc trú, tránh bão.
Hơn thế nữa, ngày 30-9-2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết 37/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập thị trấn Vàm Láng (Gò Công Đông) với 600 ha tự nhiên và 13.921 nhân khẩu. Nghị quyết này như thổi một luồng gió mới đến với người dân Vàm Láng, nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một vùng đất miệt biển còn nhiều tiềm năng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; củng cố sức mạnh phòng thủ ven biển.
Lãnh đạo UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, thị trấn Vàm Láng dự kiến hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị, nâng cấp mở rộng các hẻm thuộc khu phố Chợ và khu phố Lăng; xây dựng mới các tuyến trục phía bắc tỉnh lộ 871 hướng về phía biển để tạo môi trường và phát triển du lịch sinh thái; hoàn chỉnh vỉa hè, chiếu sáng và trồng cây xanh các trục đường phố đô thị; đồng thời cải tạo bến xe Vàm Láng, các bến đò phục vụ cho giao thông và nâng cấp cảng cá Vàm Láng đạt công suất thiết kế 330 CV.
Ngoài ra, thị trấn còn lập dự án triển khai các khu nhà ở chính, khu nhà biệt thự phía bắc đường tỉnh 871 hướng về phía biển…
THẾ ANH - NGÔ VĂN
Bám biển (Kỳ 3)