Thứ Hai, 06/08/2012, 15:10 (GMT+7)
.
Ký sự miền biển: Nơi đầu sóng ngọn gió (Kỳ 1)

Dấu tích xưa & chuyện hôm nay

Kỳ 2: Về Cần Lộc nhớ Vịnh Đôi Ma

Đèn Đỏ, Tân Thành, Rạch Bùn, Vàm Láng… là những địa danh lâu đời, nơi đây đã hình thành nên những khu thị tứ, thị trấn sầm uất ở khu vực ven biển của huyện Gò Công Đông. Người dân ở đây đã bám biển, giữ làng, đối mặt nơi đầu sóng ngọn gió, với quyết chí vươn lên mạnh mẽ.

Về biển Tân Thành, men theo đê biển về bên tay phải, mất độ 5-10 phút đi xe máy là đến khu dân cư đông đúc với phảng phất mùi đặc trưng của miệt biển, đó là Đèn Đỏ. Đến đây, chúng ta không chỉ biết về quá trình hình thành, phát triển của một khu dân cư nhỏ bé ven sông cửa Tiểu, với nhiều tiềm năng mà còn biết sự ra đời của lịch sử địa danh gắn liền với Đèn Đỏ được xây dựng thời Pháp thuộc.

ĐÈN ĐỎ

Sông cửa Tiểu là một phần hạ lưu của sông Tiền với chiều dài 45 km, bắt đầu từ cù lao Tấu chạy qua các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và một mặt tiếp giáp huyện Tân Phú Đông, chảy dài ra biển. Có lẽ vì địa thế quan trọng và để hướng dẫn tàu thuyền lưu thông khi ra vào biển, nơi cuối nguồn của sông cửa Tiểu, người Pháp đã cho xây dựng các tháp đèn hướng dẫn.

Khu neo đậu tàu thuyền.
Khu neo đậu tàu thuyền.

Các vị cao niên ở đây cho biết, Đèn Đỏ được xây dựng vào đời Pháp thuộc trên một khu đất ven sông cửa Tiểu. Ông Phạm Văn Giái, sinh năm 1922, một trong những người sống lâu năm nhất tại ấp Đèn Đỏ cho biết, sông cửa Tiểu ngày trước có thể lội qua được, nhưng do ảnh hưởng của dòng chảy, tàu thuyền nên ngày càng lở dần làm cho mặt sông rộng thêm.

Sông ngày càng lở rộng ra làm sụp cả trụ chân Đèn Đỏ, làm mất đi dấu tích một thời. Ngày trước, trụ đèn rất lớn, có người trực để thắp đèn hàng đêm. “Nếu tính kỹ, chân Đèn Đỏ cũng cách bờ sông hiện nay khoảng 500 m, nằm lọt thỏm giữa sông cửa Tiểu. Có lẽ từ di tích về Tháp Đèn Đỏ người dân mới đặt tên địa bàn là ấp Đèn Đỏ” - ông Giái nhớ lại.

Đèn Đỏ giờ đây là một ấp của xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Nhiều người kể lại rằng, thời Pháp thuộc, khi đó dân cư thưa thớt, rừng lấn chiếm đến tận bên trong chân đê biển bây giờ. Cách trụ Đèn Đỏ vài km về phía Đông, ngay tại cửa sông, Pháp cũng xây một Đèn Trắng. Trụ đèn này nhằm hướng dẫn tàu thuyền vào cửa sông.

Trụ đèn nằm trơ trọi ngoài vùng tiếp giáp với biển, cách xa với bờ biển Tân Thành khoảng 3 km. Trụ Đèn Trắng rất lớn, được xây rất kiên cố, có cả 1 tiểu đội lính luôn trúc trực trên trụ đèn. Theo thời gian, sóng biển bào mòn nhưng trụ Đèn Trắng vẫn còn đứng đó, dù hoang phế từ rất lâu. Trước đây, tại Đèn Trắng đã xảy ra câu chuyện có thật. Một người đi biển bị chìm ghe đã nhờ trụ Đèn Trắng mà trú được qua đêm, đến sáng hôm sau mới có người đi qua cứu.

TRỖI DẬY

Bà con vùng ven sông cửa Tiểu này cũng không nhớ rõ địa danh Đèn Đỏ được đặt từ bao giờ, nhưng hàng chục năm trước nơi đây đã hội tụ nhiều người đến sinh sống.

Theo các vị cao niên, ngày trước dân cư tập trung ở khu vực Đèn Đỏ khá đông, có cả khu phố người Hoa. Một bên con kinh nối với sông cửa Tiểu, cắt ngang đê biển ngày nay là người Hoa ở, một bên là người Việt. Con kinh được nối bằng cây cầu quay, có thể quay xuôi lại cho ghe và thuyền buồm qua lại, ai qua tự quay cầu.

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, lực lượng cách mạng về đóng căn cứ ở khu vực này. Do bị Mỹ Ngụy càn quét nên người Hoa di cư sang sống ở nơi khác hay về các đô thị lớn, chỉ còn lại một ít người bám trụ, khoảng vài chục hộ dân.

Lúc này, một số bà con trực tiếp tham gia cách mạng, một số làm nhiệm vụ đưa rước bộ đội qua sông cửa Tiểu. Lúc đó căn cứ cách mạng nằm ở Cồn Gầm (còn gọi là Cồn Chim thuộc xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông ngày nay), nằm đối diện với Đèn Đỏ, cách sông cửa Tiểu.

Dãy nhà mới xây của người dân ấp Đèn Đỏ.
Dãy nhà mới xây của người dân ấp Đèn Đỏ.

Sở dĩ gọi là cồn Gầm do thời đó mỗi khi trời chuyển mưa, sấm chớp xuất hiện, có tiếng gầm lên rất lớn, ở xa cũng nghe. Đây là một dãy đất nằm giữa hai nhánh sông cửa Tiểu, cửa Đại và tiếp giáp biển Đông.

Thời Pháp thuộc, Cồn Cống, phần giáp biển của xã Phú Tân, được gọi là đảo LoLo. Sau ngày giải phóng, tiếng gầm cũng không còn, nhưng còn rất hoang sơ.

Nơi đây từng là căn cứ của Quân y Tỉnh đội Gò Công và là địa điểm tập kết súng ống, đạn dược của Cục Hậu cần (Bộ Quốc Phòng) mỗi khi vận chuyển vũ khí từ Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đặc biệt là đoàn tàu không số của ta đã có ít nhất một lần ghé qua Cồn Cống. Mỗi lần đem bom đi bỏ nơi khác khi về đến đây còn lại bao nhiêu bom quân đội Mỹ đều trút hết xuống Cồn Cống. Năm 1966, nơi đây cũng đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa lực lượng hậu cần bộ đội ta với hải thuyền Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường đến lúc hy sinh.

Ngày nay Đèn Đỏ rất sung túc. Hoạt động thương mại, hậu cần nghề cá khá sầm uất. Những ngôi nhà mới nối nhau san sát. Phần lớn người dân nơi đây theo nghề lưới cá, đánh bắt gần bờ... Theo ước tính, khu vực dân cư tập trung nơi này có trên 500 hộ dân sinh sống, nhưng dân cư từ nơi khác đến mua bán, làm ăn lên đến hàng ngàn người. Đây còn là nơi để cho tàu thuyền về trú ngụ sau những chuyến đi đánh bắt cá, câu mực về, hoặc tránh bão.

Năm 2011, UBND tỉnh đã cho triển khai xây dựng nơi đây thành khu neo đậu trú bão bằng nguồn vốn của tỉnh do huyện làm chủ đầu tư, với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận khoảng 200 tàu, thuyền vào trú bão. Các hạng mục được huyện khẩn trương triển khai thực hiện. Đến nay, khu neo đậu đã có thể đón nhận tàu thuyền vào trú bão.

Hiệu quả khu neo đậu trú bão này đã được phát huy ngay trong cơn bão số 1 vừa qua. Bên cạnh đó, cùng với tuyến huyện lộ chạy ngang qua cặp theo tuyến đê nối với thị trấn Tân Hòa, tại đây còn có bến đò nối qua ấp Pháo Đài (Phú Tân, Tân Phú Đông). Giao thông thủy bộ đều rất thuận lợi cho các hoạt động thương mại, hậu cần nghề cá phát triển, mở ra triển vọng đầy hứa hẹn cho Đèn Đỏ trong tương lai.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, huyện định hướng xây dựng Đèn Đỏ trở thành thị trấn vào sau năm 2015. Bên cạnh nạo vét sông cửa Tiểu, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trú bão, huyện đang thực hiện chủ trương di dời 226 hộ dân sống cạnh sông cửa Tiểu vào bên trong đê theo như dự báo về biến đổi khí hậu.

THẾ ANH - NGÔ VĂN

Về Cần Lộc nhớ Vịnh Đôi Ma (kỳ 2)
 

.
.
.