Bài cuối: Còn nhiều hoàn cảnh cần sự trợ giúp
Bài 1: Mưu sinh trong bóng tối
Bài 2: Tình yêu nẩy mầm từ sự đồng cảm
Năm 1991, Hội Người mù tỉnh được thành lập, đã tích cực vận động người khiếm thị vào hội và nỗ lực vận động các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ những người khiếm thị. Hội Người mù tỉnh là chỗ dựa không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần, giúp người khiếm thị xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người khiếm thị đang lâm cảnh khó khăn, rất cần sự trợ giúp của cộng đồng.
UBND tỉnh tặng bức trướng cho Hội Người mù tỉnh. |
CHỖ DỰA CỦA NGƯỜI KHIẾM THỊ
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh phấn khởi cho biết: Trong năm 2013 và 2014, Hội Người mù tỉnh được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước. Ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Tỉnh hội phát động đến các cấp hội tập trung thực hiện Cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng”.
Các cấp hội luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc đời sống, tạo việc làm cho hội viên lên hàng đầu, đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và tích cực vận động các nhà hảo tâm được 27.190 phần quà, với tổng trị giá trên 7 tỷ đồng tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động xây tặng 10 “Nhà tình thương”, “Mái ấm nghĩa tình” cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở. Hội còn quản lý 15 dự án chăn nuôi, buôn bán nhỏ với 203 người vay, tổng nguồn vốn trên 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm...
Bàn giao nhà tình thương cho hội viên Lê Quang Đạt, ngụ huyện Châu Thành. |
Toàn tỉnh hiện có 4 tổ xe nhang, bó chổi ở các huyện (thành, thị) hội, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động khiếm thị; duy trì hoạt động dịch vụ xông hơi - xoa bóp do Tỉnh hội quản lý, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 hội viên.
Trong năm 2014, các cấp Hội Người mù trong tỉnh đã mở nhiều lớp dạy nghề bó chổi, xe nhang… cho hội viên; đưa 3 học viên đi học nghề xoa bóp; mở 1 lớp học chữ Braille tại Tỉnh hội; vận động hàng ngàn phần quà cho trẻ em khiếm thị và con người mù nghèo. Từ những việc làm cụ thể trên, năm 2014 tỷ lệ người mù nghèo giảm 0,64% so với năm 2013.
Hội Người mù tỉnh tổ chức Họp mặt Ngày Quốc tế Phụ nữ. |
Trong thời gian tới, các cấp Hội Người mù trong tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình “Chăm sóc, tạo việc làm cho người khiếm thị”, mở các lớp dạy nghề, nhân rộng các mô hình đã có và xây dựng mới mô hình làm nước rửa chén ở Thành hội Mỹ Tho… Mặt khác, quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên qua việc tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ, thăm hỏi, động viên, họp mặt nhân các ngày lễ, tết…
RẤT CẦN SỰ TRỢ GIÚP
Ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh trăn trở: “Toàn tỉnh chỉ có 397/992 người khiếm thị trong tuổi lao động và còn 110 người khiếm thị ở nhà tạm. Về việc làm, đa số đi bán vé số, bó chổi, xe nhang, xoa bóp…, mức thu nhập khiêm tốn.
Mặt khác, gần một nửa trong tổng số người khiếm thị trong toàn tỉnh chưa là hội viên Hội Người mù và 57 trẻ em khiếm thị (từ 16 tuổi trở xuống) sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và sự chia sẻ, đùm bọc của người thân trong gia đình; chưa kể điều kiện sống (nhà ở, khả năng sinh hoạt, sức khỏe) còn chịu nhiều thiệt thòi.
Nói chung, cuộc sống của người khiếm thị còn lắm vất vả, khó khăn, không phải không có ý chí và năng lực mà những điều kiện để người khiếm thị phát huy chưa có nhiều. Mặt khác, đa số người khiếm thị sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa, thiếu phương tiện di chuyển, thiếu vốn, tư liệu sản xuất, kinh nghiệm làm ăn…, vì vậy rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, ban, ngành đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho người khiếm thị, giúp đời sống người khiếm thị từng bước được cải thiện để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
P. MAI