.
Phía sau bản án - Đường về nẻo thiện:

Khát vọng hoàn lương

Cập nhật: 14:39, 21/08/2019 (GMT+7)

Kỳ 1: Xé nát tương lai
Kỳ 2: Khát vọng hoàn lương
Kỳ 3: Nơi hồi sinh những phận đời lầm lỗi
Kỳ cuối: Có yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy

Bước chân vào chốn lao lý đã là sự trả giá của những thân phận lầm đường, lạc lối. Nhưng khi được trở về, liệu họ có phải chịu sự xa lánh, kỳ thị của xã hội và làm thế nào để viết tiếp ước mơ còn dang dở là nỗi niềm canh cánh trong lòng của mỗi phạm nhân...

LO LẮNG NGÀY TRỞ VỀ

Trong 2 Trại giam Mỹ Phước và Phước Hòa mà chúng tôi đến liên hệ công tác, mỗi phạm nhân là một hoàn cảnh và quá khứ lỗi lầm khác nhau, nhưng ở họ đều có chung khát vọng hoàn lương để làm lại cuộc đời.

Cán bộ Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn phạm nhân thu hoạch khóm.
Cán bộ Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn phạm nhân thu hoạch khóm.

Thật vậy, trao đổi với chúng tôi, không ít phạm nhân chia sẻ, trong thời gian chấp hành án, họ rất lo lắng và không ngừng suy nghĩ đến ngày được trở về với gia đình, xã hội. Cảm xúc vừa mừng, nhưng cũng vừa lo. Mừng là vì được đoàn tụ với gia đình, được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân... Còn lo là bởi, họ phải đối mặt với sự thật, với “miệng lưỡi thế gian” và đối mặt với những ký ức đau buồn. Một số phạm nhân bày tỏ, không biết mình có vượt qua được hay không (!?)

Phạm nhân Dương Thanh P. (sinh năm 1972, ngụ xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) phạm tội “Giết người” đang chấp hành án tại Trại giam Mỹ Phước (đóng trên địa bàn xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước). Khi chúng tôi hỏi nghĩ đến ngày được trở về anh có lo lắng gì không? P. chia sẻ: “Tôi sống trong ấp văn hóa, người dân ai cũng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, mà mình lại cư xử thiếu văn hóa. Tôi lo rằng ngày trở về sẽ không được xã hội chấp nhận, gia đình bị hại cũng khó lòng tha thứ cho tôi…”.

Dù đã tái hòa nhập tốt với cộng đồng nhưng khi nhớ về những chuỗi ngày phía sau song sắt, anh Lê Huy C. (sinh năm 1975, ngụ xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) vẫn ám ảnh với những lo lắng khi nghĩ đến ngày trở về. Anh C. chia sẻ: “Khi vào chốn lao tù mới cảm nhận sâu sắc câu nói của ông bà ta ngày xưa: “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”. Khi ngồi phía sau song sắt, tôi từng nghĩ là không thể trở về quê nhà với những lời dị nghị rằng: “Thằng đó từng đi tù, là thành phần bất hảo trong xã hội” và có dự định là khi ra tù phải tìm nơi khác sinh sống”.

Nhưng có lẽ, điều mà nhiều phạm nhân lo lắng nhất là làm sao để xây dựng cho mình một mái ấm riêng, liệu có ai chấp nhận một người từng vào tù ra khám. Phạm nhân Huỳnh Thái H. (sinh năm 1978, ngụ TX. Cai Lậy) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức án 16 năm tù, hiện đang chấp hành án tại Trại giam Mỹ Phước lo lắng về tương lai của mình. H. luôn mơ về một mái ấm có vợ hiền, con ngoan. Nhưng khi nghĩ đến ngày trở về, xã hội nhìn mình bằng ánh mắt kỳ thị và không ai dám yêu một người có quá khứ lỗi lầm như vậy, H. lại thấy lo lắng. Bởi, trong trại giam, không ít trường hợp vợ vào thăm kèm theo lá đơn ly hôn, khiến các phạm nhân suy sụp tinh thần...

Với người bình thường, để có được cuộc sống yên ổn, gia đình đầm ấm, sum vầy, con cái học hành đến nơi đến chốn..., họ đã phải rất nỗ lực mới có thể đạt được như mong muốn. Còn với những người đã từng phạm tội, bị ám ảnh, dằn vặt bởi quá khứ lầm lỗi, thì con đường để họ tìm lại được “cân bằng” trong cuộc sống, trở thành như “người bình thường” cũng đã rất khó khăn. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Khi chúng tôi chứng kiến những giọt nước mắt ăn năn và sự nỗ lực của phạm nhân từ trong trại đến ý chí vươn lên để xóa bỏ định kiến của những phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc một điều rằng, xã hội không bao giờ chối bỏ những người biết quay đầu, chỉ cần họ thật sự hoàn lương thì hoàn toàn có thể viết tiếp ước mơ và xây dựng lại trang mới cho cuộc đời mình.

VIẾT TIẾP ƯỚC MƠ

Phạm nhân Nguyễn Tấn Trường G. (sinh năm 1991, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh) phạm tội “Giết người”, phải trả giá 20 năm tù giam, hiện đang chấp hành án tại Trại giam Mỹ Phước kể, G. là con trai lớn trong gia đình, luôn sống trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ. Trước khi phạm tội, gia đình dự định sau khi G. tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ làm hồ sơ du học nước ngoài.

Chia sẻ với chúng tôi về những ước mơ còn dang dở và dự định ngày về, G. tâm sự: “Tôi rất hối hận và tiếc nuối cho tương lai của mình. Trong một phút nông nỗi mà con đường thực hiện ước mơ càng xa hơn. Những ngày tháng trong trại, tôi đã được học hành, lao động và suy nghĩ nhiều về cuộc đời, về tương lai. Nhiều đêm không ngủ được, tôi cứ mong ngày về để được thực hiện những dự định còn dang dở. Lầm lỗi khi tuổi đời còn rất trẻ, tôi còn cả một tương lai dài phía trước, nên sẽ nỗ lực làm lại cuộc đời, mở ra cho mình một trang mới bằng việc cố gắng học tập và tìm công việc phù hợp với khả năng của mình. Tôi mơ ước có một gia đình và sẽ dạy con mình đừng bao giờ lầm lỗi như cha nó…”.

Còn với phạm nhân Nguyễn Sơn H., với hành vi “Buôn bán trái phép chất ma túy” và đang chấp hành án tại Trại giam Phước Hòa (đóng trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước), mang trên mình mức án tù chung thân ở tuổi ngoài 30, nay sắp bước qua dốc bên kia cuộc đời, nhưng vẫn ấp ủ nhiều dự định cho ngày trở về. H. tâm sự: “Trong thời gian chấp hành án phạt tù, tôi đã không trả hiếu được cho cha mẹ. Ngày mẹ mất, tôi ở chốn lao tù chỉ âm thầm khóc và cầu cho linh hồn mẹ được siêu thoát. Giờ cha còn sống nhưng đã già yếu, tôi hy vọng ngày về, ông vẫn còn khỏe để tôi được chăm sóc ông trong những ngày cuối đời. Tôi nay đã lớn tuổi, khi ra tù không thể lao động nặng nhọc, nên dự định mở một sạp báo nhỏ phụ giúp gia đình...”.

Trên đường trở về, chúng tôi vẫn còn nhớ những chia sẻ đầy xúc động của các phạm nhân về những dự định dang dở; nhớ những ánh mắt ăn năn, hối cải đang khát khao làm lại cuộc đời... Và ngày ấy sẽ không còn xa, khi họ cải tạo tốt trả lại áo tù để đường hoàng bước qua cánh cổng trại giam và bước vào cánh cửa cuộc đời. Mong rằng, họ đừng bao giờ quay trở lại nơi này chỉ vì một lỗi lầm nào nữa...

HOÀI THU - VĂN THẢO

(còn tiếp)

.
.
.