.

Biến tấu cho sản phẩm bàng buông vươn xa

Cập nhật: 09:41, 13/06/2020 (GMT+7)

Nghề đương bàng là văn hóa đặc trưng của cư dân từ thuở khẩn hoang lập làng ở vùng đất Nam bộ, trong đó có vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đến nay, nghề này không bị mai một mà đang phát triển, với nhiều sản phẩm được tạo ra từ cây bàng đã đi ra thế giới.

Chị Hên kiểm tra sản phẩm sau khi nhận từ thợ đương.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  Ảnh: HẠNH NGA
Chị Hên kiểm tra sản phẩm sau khi nhận từ thợ đương. Ảnh: HẠNH NGA

Trước đây, cũng như nhiều khu vực khác của vùng đất Nam bộ, ở huyện Tân Phước, cây bàng là loài cỏ mọc hoang dại rất nhiều. Cây cỏ dại này qua bàn tay khéo léo của những cư dân vùng Đồng Tháp Mười đã trở thành những đồ vật hữu dụng trong gia đình, từ chiếc đệm trải nằm đến chiếc giỏ xách đi chợ, chiếc nón đội đầu hay thậm chí là chiếc võng…

Hiện nay, trong khi phụ nữ của nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh rời bỏ quê nhà để tìm việc làm tại các khu, cụm công nghiệp, thì phụ nữ ở nhiều xóm, ấp của các huyện Tân Phước, Châu Thành vẫn giữ vững nghề đương bàng truyền thống của quê hương và đây cũng là nghề mưu sinh của rất nhiều người.

LƯU GIỮ NGHỀ XƯA

Những người cao niên nhất ở các huyện Tân Phước, Châu Thành cũng không ai biết được nghề đương bàng quê mình có từ bao giờ. Họ chỉ biết mình có được nghề đương bàng là từ “cha truyền con nối” từ đời này qua đời khác. Theo lời kể của các cụ có thâm niên sáu, bảy mươi năm trong nghề đương bàng, ngày xưa cây bàng mọc tự nhiên rất nhiều trong các khu rừng tràm.

Thời đó không có nhiều việc làm như bây giờ nên sau mùa lúa, hầu như nhà nào cũng làm nghề đương bàng. Để có nguyên liệu, người dân tự vào rừng nhổ những cây bàng già đem về. Cứ mờ sáng là có nhiều người thức dậy nấu cơm, rồi gói đem theo xuống xuồng chống vào rừng tràm để nhổ bàng. Những cây bàng cùng kích cỡ được cột lại thành từng neo (bó), tới khoảng xế chiều là đầy một xuồng chở về, đương hết lại đi nhổ tiếp.

Các sản phẩm được tạo ra từ cây bàng hiện đã vươn ra thế giới.
Các sản phẩm được tạo ra từ cây bàng hiện đã vươn ra thế giới.

Các sản phẩm được tạo ra từ cây bàng là cả một sự kỳ công. Cây bàng nhổ về phải phơi tầm 2 đến 3 nắng, rồi đem giã. Neo bàng đặt trên mục bàng bằng gỗ (cao chừng 10 cm, rộng 20 cm, dài khoảng 1,5 m), 2 người đứng ở hai đầu giã bằng chày gỗ khá nặng cho đến khi cọng bàng mềm. Sau khi giã xong lần thứ nhất, cây bàng tiếp tục được phơi và giã lại lần thứ 2 cho mềm, thẳng rồi mới đương được.

Ngày xưa nhà nào cũng đương bàng nên đêm đêm tiếng giã bàng thình thịch cứ vang lên khắp xóm. Bây giờ, công đoạn giã bàng cực nhọc đã được thay thế bằng máy ép nên tiếng giã bàng cũng không còn nữa. Một sản phẩm làm ra từ cây bàng được đánh giá là đẹp thì kỹ thuật đương phải khéo, cọng bàng phải đều nhau và bóng sáng (phơi đủ nắng).

Theo chị Đỗ Lệ Tâm, Trưởng ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, xưa kia nơi đây gọi là vùng Kiến Vàng, một trong những nơi nghề đương bàng phát triển mạnh. Dân trong vùng vẫn còn truyền tai nhau câu: “Lòng thương con gái Kiến Vàng/Đầu đội neo bàng tay xách mo cơm”. Hiện nay, đương bàng không còn là “nghề kiếm cơm” của người dân nữa mà là nghề kiếm thêm của bà con. Hiện trong ấp có khoảng 70% hộ dân làm nghề đương bàng.

Người đương bàng hiện nay chủ yếu là phụ nữ trung niên tranh thủ làm lúc rảnh rỗi, nông nhàn, còn người trẻ thì ít ai làm nghề đương bàng, đa số đều đi làm công nhân. “Hồi xưa mới chừng 9 - 10 tuổi, tôi đã học đương đệm rồi. Ngày trước, đương đệm bàng nhiều, vì nhiều người đặt mua; còn giờ lâu lâu mới có người đặt đương, vì người ta xài chiếu nhiều, ít ai còn sử dụng đệm để ngủ hay lúa cũng được phơi bằng sân xi măng hoặc sấy, chứ không phơi bằng đệm như trước. Do đó, sau này, nhiều người mới chuyển qua đương các sản phẩm từ cây bàng như: Nón, giỏ xách, manh em (dùng trải cho em bé ngủ), manh thưa (dùng lót giỏ trái cây cho khỏi giập)… Hàng làm ra là có thương lái đến tận nhà thu mua nên cũng tạo được thu nhập cho người làm nghề đương bàng” - chị Lệ Tâm cho biết.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) Huỳnh Bá Nhật cho biết, xã hiện có hơn 80% lao động nữ trung niên và người cao tuổi làm nghề đương các sản phẩm từ cây bàng. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời của địa phương và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2015. Các sản phẩm đương từ cây bàng chủ yếu hiện nay là nón và giỏ xách.

Đơn giá giỏ xách bàng dao động từ 17.000 - 22.000 đồng/chiếc và nón từ 5.500 - 6.000 đồng/chiếc. Trung bình một neo bàng đương được 3 chiếc giỏ xách hoặc 10 chiếc nón. Trừ đi chi phí nguyên liệu, người đương còn được khoảng 50% giá bán sản phẩm. Lao động làm nghề chủ yếu là phụ nữ trung niên, đương bàng lúc rảnh rỗi nên thu nhập trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng giúp bà con có thêm thu nhập chi tiêu hằng ngày.

Tại xã Hưng Thạnh, theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồ Tấn Sơn, hiện tại xã chỉ còn 2 ấp duy trì nghề đương bàng là Hưng Phú và Hưng Quới. Cái khó của xã là nguồn nguyên liệu cây bàng tại chỗ không còn nhiều do người dân chặt bỏ để trồng khóm có hiệu quả kinh tế hơn. Chính vì vậy, người làm nghề phải mua nguyên liệu từ nơi khác với giá khá cao, trong khi sản phẩm làm ra bán không được giá, khiến thu nhập người làm nghề đương bàng giảm đi. Điều này cũng có thể lý giải vì sao sản phẩm làm từ bàng của bà con khá đơn điệu theo truyền thống chứ chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc.

 

ĐƯA SẢN PHẨM RA THẾ GIỚI

Trong khi cái khó của hầu hết các địa phương có nghề đương bàng hiện nay là giá cả đầu ra cho sản phẩm thì tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành nghề đương bàng của người dân làng nghề từ rất lâu đã chuyển sang một hướng đi mới.

Chị Lai Thị Hên, chủ Cơ sở sản xuất bàng buông Liên Hên, ở ấp Tân Lược 1, là người có công đem đến “làn gió mới” cho nghề đương bàng. Chị Hên đã có hơn nửa đời người gắn bó với nghề đương bàng bằng niềm đam mê và tâm huyết. “Nghề này cực lắm, nhưng càng làm càng thấy ghiền với nó. Mặt khác, đây là nghề truyền thống của ông bà mình xưa nay, không thể để mai một được. Với suy nghĩ này, tôi đã quyết tâm làm cho nghề đương bàng ngày càng phát triển, với việc đưa các sản phẩm bàng tiêu thụ ở nước ngoài” - chị Hên chia sẻ.

Hành trình đưa các sản phẩm bàng ra nước ngoài, đặc biệt là mặt hàng giỏ xách bàng của chị Hên là một câu chuyện dài và lắm gian nan. Chị Hên cho biết: “Cũng như những người dân xứ này, tôi và chị Liên, chị ruột của mình đều biết đương bàng từ nhỏ. Lớn lên, chị em tôi đi làm công cho hợp tác xã đan lát nhưng cả chục năm vẫn không khá nổi, đã vậy còn bị họ chiếm dụng vốn. Nản quá, chúng tôi nghỉ việc nhưng không bỏ nghề. Hai chị em bắt đầu tự mày mò tạo mẫu sản phẩm, rồi lặn lội khắp nơi chào hàng, tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Với biết bao nỗ lực, cuối cùng những sản phẩm làm ra từ cây bàng, lá buông đa dạng về chủng loại và mẫu mã của chúng tôi cũng được thị trường chấp nhận. Do đơn hàng của chúng tôi ngày một nhiều lên nên phải liên kết với nhiều hộ khác để sản xuất hàng loạt”.

Hiện tại, ngoài hơn chục lao động làm việc tại Cơ sở sản xuất bàng buông Liên Hên, còn có hàng trăm bà con trong xã Tân Lý Đông và các xã lân cận hợp tác làm việc với cơ sở. Thu nhập bình quân của mỗi người hơn 4 triệu đồng/tháng.

Để tạo ra một thành phẩm, ít nhất một sản phẩm của Cơ sở sản xuất bàng buông Liên Hên phải trải qua 6 công đoạn, thậm chí có sản phẩm trên 10 công đoạn. Đối với mỗi loại sản phẩm, sau khi tự thiết kế, tạo mẫu và có đơn hàng, chị Hên sẽ trực tiếp “truyền nghề” cho các hộ nhận đương. Trung bình mỗi tháng Cơ sở sản xuất bàng buông Liên Hên xuất bán từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đối tác.

Đặc biệt, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bàng buông Liên Hên không phải là những chiếc giỏ xách hay manh bàng truyền thống, mà qua bàn tay khéo léo của người thợ đương đã biến tấu những chiếc giỏ xách thành hàng trăm mẫu mã khác nhau. Đó là những chiếc túi xách thời trang, chiếc túi đựng điện thoại, giỏ hoa, hộp đa dụng… “Do còn hạn chế một số mặt mà cơ sở chúng tôi chưa xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, phải bán qua một số công ty trung gian để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật, Hoa Kỳ...” - chị Hên nói.

Với cách làm sáng tạo của mình, Cơ sở sản xuất bàng buông Liên Hên đã nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề đương bàng truyền thống, với việc biến hóa những chiếc giỏ xách bàng đi chợ của người dân nông thôn khi xưa thành những chiếc giỏ xách xinh xắn đi khắp các nơi trong và ngoài nước.

MINH ANH - KIM THƯƠNG

.
.
.