.
Trong thế giới "người điên"

Bài 1 - Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện đời

Cập nhật: 10:30, 22/03/2021 (GMT+7)

Mỗi khi nhắc đến bệnh nhân tâm thần hay còn gọi là “người điên”, người ta thường nghĩ đến những số phận không may mắn khi mắc phải căn bệnh ngây ngây, dại dại… với những nỗi thương cảm nhưng có chút e dè. Thế nhưng, tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang có những “chiến sĩ áo trắng” đang ngày đêm chăm sóc cho những bệnh nhân đặc biệt này.

Năm 2020, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang tiếp nhận điều trị nội trú cho 7.600 bệnh nhân và 87.200 lượt khám bệnh. Trong đó, trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám cho khoảng 400 lượt bệnh nhân và hiện có gần 200 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Với bao nhiêu người bệnh tâm thần cũng là chừng ấy câu chuyện đời…

Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang được thành lập năm 2002, là bệnh viện chuyên khoa hạng II khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Bệnh viện hiện có 4 phòng chức năng và 6 khoa chuyên môn với 250 giường bệnh.

KHOẢNG LẶNG TRONG BỆNH VIỆN

Phía sau khoa Khám bệnh và Khu hành chính Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang là những dãy nhà dành cho những bệnh nhân điều trị nội trú. Dẫn chúng tôi đến dãy nhà mà Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quốc Kính, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cho biết, đây là khu điều trị cho bệnh nhân có thể nói là nhẹ, họ có thể tự do đi lại dưới sự quản lý của người nhà và y, bác sĩ của bệnh viện. Thấy người lạ đến, bệnh nhân không ai bảo ai cứ cười nói, bước theo hỏi đủ thứ, rồi xin chụp hình…

Mỗi bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang là một câu chuyện đời.
Mỗi bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang là một câu chuyện đời.

Một thanh niên có gương mặt khá sáng, đẹp trai nhưng vẫn mang vẻ ngây ngô của một bệnh nhân tâm thần, anh cứ tung tăng chạy theo chúng tôi. Khi được hỏi tên, tuổi, ở đâu thì anh trả lời rành mạch: “Em tên Nhàn, 30 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh”. Khi gặp các y, bác sĩ, anh Nhàn đều nhớ mặt, nhớ tên và chào hỏi từng người rất lễ phép. Chúng tôi hỏi: “Vậy chừng nào anh được xuất viện về nhà?”. “Sớm thôi, ở đây mệt lắm!” - anh Nhàn nói tỉnh queo rồi gãi đầu cười khà khà.

Vợ anh Nhàn cho biết, gia đình anh kể lại hồi năm học lớp 11, anh Nhàn đã có biểu hiện bệnh tâm thần khi cứ đòi làm giám đốc, nói mình bị vỡ nợ, lúc nào cũng có nhiều người theo đòi nợ… Gia đình đưa anh Nhàn đến Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang điều trị một thời gian thì khỏi bệnh, về nhà anh cưới em rồi sinh sống bằng nghề làm bánh tráng. Sau đó, anh Nhàn lại tiếp tục có những triệu chứng hoang tưởng hay bỏ nhà đi nên gia đình mới đưa anh trở vào bệnh viện điều trị”.

Chúng tôi đang trò chuyện với bà Trần Thị Sang ở tỉnh Trà Vinh thì có một người con gái chạy đến nắm tay bà Sang kéo đi và nói: “Mẹ dẫn con đi ăn cơm đi, đói rồi!”. Bà Sang cho biết: “Đó là con gái tôi, tên là Lê Thị Mộng Thu (35 tuổi) đang làm công nhân thì tự dưng hôm Tết Nguyên đán 2021 vừa rồi về nhà nó nói đau đầu, mất ngủ rồi quậy phá. Tôi đưa con Thu đi chữa trị nhiều nơi mà không khỏi, trong đó chứng mất ngủ ngày càng nặng hơn, nghe nói Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang điều trị hay nên tôi đưa con đến đây để chữa trị”.

Khi chúng tôi lấy máy ra định chụp ảnh thì có một cô gái trắng trẻo, xinh xắn, khoảng chừng ngoài 20 tuổi đứng kế bên, ngây ngô nói: “Em đeo dép này không đẹp đừng chụp hình em, có chụp hình thì nói em đeo dép khác đẹp hơn”. Được biết, cô gái tên Nguyễn Thị Hiện, 22 tuổi, nhà ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Cô Hồ Thị Nhỉ (mẹ của Hiện) cho biết: “Bác sĩ nói con bé bị trầm cảm sau sinh”.

Chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy những người mẹ già phải nuôi những đứa con của mình chẳng may bị bệnh tâm thần. Cô Nguyễn Thị Hồng Sung, 60 tuổi, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đang nuôi con gái bệnh tâm thần đang điều trị tại bệnh viện này cho biết: “Nhìn nó lớn xác chứ như một đứa trẻ, suốt ngày nói những chuyện không đầu không đuôi”.

HÃY CHIA SẺ VỚI NHỮNG “NGƯỜI ĐIÊN”

Bệnh tâm thần là tổng hợp nhiều yếu tố gây nên, không phải do một nguyên nhân cụ thể nào. Tuy nhiên, theo thống kê, có khoảng 10% nguyên nhân là do rối nhiễu tâm lý từ áp lực công việc, học tập, thu chi tài chính, các mối quan hệ cộng đồng… gây nên. Bác sĩ Chuyên khoa I Võ Thị Chinh, đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cho biết, hiện nay, sự hiểu biết và nhận thức về bệnh tâm thần cũng như sức khỏe tâm thần của một bộ phận người dân còn chưa cao.

Cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang luôn quan tâm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân để có liệu pháp điều trị thích hợp.
Cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang luôn quan tâm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân để có liệu pháp điều trị thích hợp.

Khi nghe nói đến rối loạn tâm thần hay các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần thì nhiều người cho rằng bị bệnh tâm thần có nghĩa là điên dại, thần kinh… chứ không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như trầm cảm, lo âu, mất ngủ gây nên bệnh. Có hàng trăm loại bệnh tâm thần khác nhau với rất nhiều triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Rối loạn tâm thần thực ra là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Bệnh lý tâm thần biểu hiện rất đa dạng, không phải chỉ điên loạn, nói nhảm, la hét, loạn thần… mới là tâm thần, mà còn nhiều dấu hiệu khác như mất ngủ, suy nhược thần kinh, buồn rầu…

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quốc Kính, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, tại bệnh viện, có các loại bệnh tâm thần nhập viện cao như: Tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt và hoang tưởng; rối loạn khí sắc; rối loạn tâm thần và ứng xử liên quan uống rượu; chậm phát triển tâm thần; động kinh; rối loạn tâm thần và nhân cách khác…

Người bệnh vào bệnh viện với rất nhiều lý do, có người làm ăn đổ bể, kinh tế gia đình sa sút dẫn đến suy nghĩ nhiều mà bị bệnh, có người do học hành quá sức hay thất tình mà phát bệnh, thậm chí có người chỉ vì thú cưng chết mà cũng bị bệnh… Do thể trạng khác nhau nên có người bị bệnh nặng hay nhẹ. “Có nhiều người điều trị hết bệnh về nhà cưới vợ sinh con, cuộc sống ổn định nhưng vài chục năm sau lại tái phát bệnh phải nhập viện điều trị. Cũng có nhiều bệnh nhân gần như gắn bó cả đời trong bệnh viện, vì không thể chữa khỏi bệnh” - bác sĩ Kính chia sẻ.

Cứ mỗi bệnh nhân vào Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang điều trị là một câu chuyện đau lòng. Chỉ những người gắn bó với bệnh viện mới thấm thía được nỗi đau của những người bệnh tâm thần và gia đình bệnh nhân, có khi là những nỗi đau kéo dài qua hai ba thế hệ. Nhưng đáng buồn hơn hết là hiện có quá ít người hiểu và đồng cảm với bệnh nhân tâm thần. Bên ngoài cánh cửa bệnh viện tâm thần vẫn có không ít người nhìn vào thế giới “người điên” bằng sự lệch lạc, vô cảm và đôi khi còn xa lánh với những người không may mắc bệnh tâm thần đang rất cần sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng xã hội.

  (còn tiếp)

PHƯƠNG MAI - PHI CÔNG

 

.
.
.