Chủ Nhật, 27/10/2013, 09:34 (GMT+7)
.

Bộ trưởng Y tế trả lời vụ bác sĩ gây chết người rồi vứt xác

Ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức có văn bản trả lời báo chí về vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đồng thời cũng là bác sĩ khoa Ngoại của Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật gây chết người rồi vứt xác nạn nhân xuống sông.

Phóng viên (PV): Với tư cách là người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng nghĩ gì về vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường?

Bộ trưởng Bộ Y tế: Trong mấy ngày vừa qua, dư luận xã hội vô cùng bàng hoàng trước thông tin về hành động phi nhân tính của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác nạn nhân - người là khách hàng của Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường, xuống sông Hồng.

Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn. Chúng tôi cảm thấy choáng và sốc vì không thể tưởng tưởng nổi một bác sĩ lại có thể hành động như vậy, phẫn nộ vì vị bác sĩ này đã phản bội lời thề Hepocrat, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật - hoạt động không phép, hành nghề không đúng chuyên khoa, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn, làm liều dẫn đến tử vong cho nạn nhân.

Việc vứt xác nạn nhân xuống sông hòng phi tang là một hành động không còn tính người. Chúng tôi cũng cảm thấy buồn và đau xót vì một cán bộ trong ngành, còn trẻ, được đào tạo, có cả con đường rộng mở phía trước, đã phạm một sai lầm không thể tưởng tượng nổi, để phút chốc phá đổ tất cả sự nghiệp, tiền đồ, tương lai của bản thân mình, làm ảnh hưởng đến gia đình, làm hoen ố màu áo trắng của bác sĩ. Chúng tôi hết sức bất bình và lên án hành vi không thể chấp nhận được của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Tôi cũng cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống. Gia đình chị đã mất đi một người con, một người vợ, một người mẹ. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân về những đau thương, mất mát này.

Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Cá nhân bác sĩ Tường đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức cơ bản của một con người nói chung và đạo đức của người thầy thuốc nói riêng; hành vi trên thể hiện ý thức rất kém trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp. Việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến việc không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

PV: Cả Bệnh viện Bạch Mai và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đều trả lời không biết sự tồn tại của Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường. Xin Bộ trưởng cho biết đây có phải là sự trốn tránh trách nhiệm hay không?

Bộ trưởng Bộ Y tế: Theo báo cáo của Phòng Y tế - Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, cơ sở thẩm mỹ Cát Tường số 45 Giải Phóng đã được Phòng Tài chính-Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp giấy đăng ký kinh doanh số 01D8022624 ngày 3/5/2013, tên hộ kinh doanh là Thẩm mỹ viện Cát Tường, hành nghề kinh doanh là dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại, phẫu thuật tạo hình.

Cơ sở này do ông Nguyễn Mạnh Tường, sinh ngày 30-9-1973 là chủ hộ kinh doanh. Ông Tường thường trú tại xóm 6A - thôn Hoàng 3 - xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, hiện đang là bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cơ sở Thẩm mỹ viện 45 Giải Phóng vẫn chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Luật khám bệnh, chữa bệnh cho phép các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được làm ngoài giờ ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Họ cũng có thể đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh tư nhân với điều kiện cơ sở đó phải được cấp giấy phép hoạt động. Khi làm các thủ tục xin phép, họ phải báo cáo với cơ quan quản lý cán bộ. Trường hợp của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, có thể bác sĩ Tường không báo cáo với Bệnh viện Bạch Mai, nên Bệnh viện không biết bác sĩ có cở sở kinh doanh trên. Nội dung này chúng tôi sẽ thẩm tra thêm.

Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó; và Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ “Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể”.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã cố tình làm sai pháp luật, sai quy chế chuyên môn trong việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở phòng khám không có giấy phép hoạt động, bản thân bác sĩ không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ, và sai phạm nghiêm trọng trong việc tiến hành phẫu thuật bị cấm ở các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, đó là nâng ngực, lấy mỡ cơ thể.

PV: Vậy, để xảy ra tình trạng Trung tâm thẩm mỹ hoạt động không phép trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội phải trách nhiệm gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Y tế: Điều 5 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, trong đó nêu rõ:

“Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh; chiến lược phát triển, quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Chỉ đạo hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; chiến lược phát triển, quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Quản lý thống nhất việc cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động;

d) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

đ) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

e) Tổ chức đào tạo, đào tạo liên tục, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; hướng dẫn việc luân phiên người hành nghề; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh;

g) Thực hiện hợp tác quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh; thừa nhận chứng chỉ hành nghề giữa các nước; hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; hợp tác chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật và phương pháp chữa bệnh mới.”

“Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi địa phương.”

Theo quy định của Luật, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế, Phòng Y tế và chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý các hoạt động y tế trên địa bàn, bao gồm cả các hoạt động hành nghề y tư nhân. Về phần mình, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát chính sách, cơ chế quản lý ngành y tế, để phát hiện những bất cập và chấn chỉnh kịp thời.

PV: Qua vụ việc này, Bộ trưởng có động thái chấn chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Y tế: Để chấn chỉnh các hoạt động y tư nhân, trong đó có hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ viện, ngay từ cuối năm 2012 Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh cả trong khu vực công lập và ngoài công lập trên toàn quốc, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Ngày 14-12-2012, Bộ đã có văn bản số 944/TTrB-P2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Kế hoạch 1395/KH-BYT về Công tác Thanh tra y tế năm 2013 đã nêu rõ nhiệm vụ thanh tra toàn diện công tác bệnh viện tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ và thanh tra công tác quản lý hành nghề y tư nhân của Sở Y tế và phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực tiếp thanh tra, kiểm tra tại các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn một số tỉnh, thành phố.

Hiện nay các đoàn thanh tra đang hoàn tất báo cáo để trình Lãnh đạo Bộ. Ngày 05/9/2013, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản 679/TTrB-P2 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, trong đó yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế khẩn trương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về khám chữa bệnh của các cơ sở ngoài công lập trên địa bàn và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 30/10/2013.

Triển khai Kế hoạch 1395/KH-BYT, Bộ Y tế đã tổ chức thanh tra công tác quản lý hành nghề y tư nhân của các Sở Y tế và trực tiếp thanh tra một số cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; Bộ Y tế cũng đã công khai danh sách của các cơ sở vi phạm, trong đó có cả các cơ sở thẩm mỹ viện.

Trước tình hình hoạt động không giấy phép của một số cơ sở thẩm mỹ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với với cơ quan chức năng rà soát lại công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, về vấn đề này đồng thời sẽ xem xét đề xuất những chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát các chính sách, cơ chế quản lý ngành, phát hiện những bất cập trong quản lý hành nghề y tư nhân, nhằm chấn chỉnh kịp thời.

PV: Bộ trưởng có khuyến cáo gì đối với những người có nhu cầu đến thẩm mỹ viện để chỉnh sửa nhan sắc?

Bộ trưởng Bộ Y tế: Làm đẹp hay chỉnh sửa nhan sắc là nhu cầu chính đáng của mọi người. Nhưng những người có nhu cầu này trước khi thực hiện cũng nên có hiểu biết, kiến thức về vấn đề này, đặc biệt cần tìm hiểu kỹ về nơi mình định thực hiện tu chỉnh nhan sắc.

Nhân đây tôi cũng xin nhắc lại Khoản 3 Điều 25 của Thông tư 41/2011/TT-BYT quy định về người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó; Mục i Khoản 4 Điều 25 của Thông tư 41 quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó nêu rất rõ: “Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể;”

Chiểu theo các quy định này thì chị/em không thể đến các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ để phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể. Muốn thực hiện các phẫu thuật này, người có nhu cầu cần đến các bệnh viện có đủ điều kiện và được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, và nên chọn những bác sĩ có chuyên môn về lĩnh vực này.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.