Tập trung thực hiện những giải pháp căn cơ trong phòng chống AIDS
Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10-11 - 10-12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã trả lời phỏng vấn về những thành quả mà Việt Nam đạt được cũng như thách thức chúng ta phải vượt qua trong “cuộc chiến” đầy cam go này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Thưa Phó Thủ tướng, xin Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì sau hơn 20 năm đương đầu với đại dịch thế kỷ HIV/AIDS?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thực tiễn 20 năm triển khai ứng phó với HIV/AIDS tại Việt Nam đã ghi nhận sự thành công trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động chuyên môn cần thiết.
Thành tựu này được phản ánh qua việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, điều hành của cơ quan điều phối quốc gia, sự phối hợp mạnh mẽ của các Bộ ngành liên quan, sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức xã hội và cam kết rõ ràng hơn trong việc giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Từ đó kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư, giảm số người nhiễm mới HIV trong 4 năm liên tiếp.
Có thể tóm tắt một số thành tựu chính mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua như sau: Trong công tác xây dựng thể chế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, như các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Đặc biệt, Nghị định 96/2012/NĐ-CP ngày 15-11-2012 của Chính phủ quy định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là văn bản pháp lý quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV qua đường máu, nhất là tiêm chích ma túy khi đây chính là đường lây HIV chủ yếu tại nước ta từ trước đến nay.
Về cơ bản, hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được hoàn thiện, đảm bảo ứng phó có hiệu quả với dịch HIV/AIDS tại nước ta hiện nay và trong thời gian tới.
Đối với công tác tuyên truyền, công tác này được triển khai rộng khắp trên cả nước với sự tham gia của các Bộ, ngành, đoàn thể, với hình thức, nội dung và phương pháp truyền thông về phòng, chống ngày một đa dạng trên cơ sở vận dụng, áp dụng có hiệu quả các phương cách truyền thông ngày một phát triển.
Nói về những kết quả chúng ta đã đạt được, không thể không nhắc đến công tác can thiệp giảm hại. Đây được coi là “quả đấm thép” trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới cũng như tại Việt Nam, chúng ta đã triển khai đồng bộ 3 biện pháp can thiệp bằng bao cao su, bơm kim tiêm và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế với độ bao phủ ngày càng mở rộng.
Qua đó, góp phần to lớn đến việc giảm tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ gần 30% vào năm 2001 xuống còn 11,6% vào năm 2012; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm giảm từ 5,9% năm 2002 xuống còn 2,7% năm 2012.
Ước tính số người nhiễm mới HIV những năm 2000, 2001 khoảng 29.000 trường hợp/năm xuống còn khoảng 15.000 trường hợp mới/năm trong 2 năm gần đây. Thành công của chương trình đã đóng góp to lớn vào việc ngăn chặn và khống chế đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam trong những năm qua.
Về chăm sóc và điều trị, trên cơ sở kết hợp toàn diện các mô hình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, chương trình này đã liên tục mở rộng qua thời gian, hiện đã cung cấp dịch vụ điều trị cho gần 78.000 người nhiễm HIV/AIDS (tăng gấp 20 lần so với năm 2005). Hiệu quả chương trình đã làm giảm số trường hợp tử vong do HIV/AIDS từ hơn 6.000 ca mỗi năm (trước năm 2006) xuống còn khoảng 2.500 ca mỗi năm trong 2 năm gần đây.
Việt Nam cũng đã đưa vào triển khai thí điểm sáng kiến điều trị 2.0 tại một số tỉnh, thành phố, phân cấp việc cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS bao gồm việc cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã/phường nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ điều trị và tăng cường tuân thủ điều trị của người nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng đã được đưa vào triển khai từ năm 2006. Công tác này hiện đang được triển khai trên phạm vi toàn quốc và đã làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con khoảng 25% trong những năm trước đây xuống còn khoảng 11,0% trong năm 2012.
Trong công tác giám sát, đánh giá, chúng ta đã chủ động việc đánh giá, phân tích và dự báo được xu hướng dịch HIV/AIDS, từ đó tập trung phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm triển khai các can thiệp có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình dịch HIV/AIDS tại từng địa phương. Ngoài ra, các báo cáo do Việt Nam thực hiện như UNGASS, MDGs,v.v. được các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.
Cuối cùng là thành quả trong chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Công tác này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội, từ đó giảm đáng kể mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trong đó có cả những trẻ em nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV.
Để hướng tới "Không còn người nhiễm mới HIV" như chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013, chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua những thách thức nào, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mặc dù đã đạt được những thành công, nhưng Việt Nam vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp và vẫn đang ở mức cao tại các khu mực miền núi, nơi điều kiện kinh tế còn nghèo, đi lại còn khó khăn, dịch vụ y tế còn nhiều hạn chế. Mặt khác, các chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị chưa đảm bảo khả năng khống chế được tình dịch HIV/AIDS do độ bao bao phủ còn thấp.
Ngoài ra, vẫn còn sự phân biệt kỳ thị của cộng đồng và tâm lý tự kỳ thị của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao, người bị ảnh hưởng HIV/AIDS cũng đã vô tình tạo ra rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong chính các nhóm đối tượng này;
Trong thời gian gần đây, sự hỗ trợ về kỹ thuật, đặc biệt là về nguồn lực tài trợ bị giảm, trong khi khả năng ngân sách quốc gia đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế và phải đầu tư cho nhiều chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên khác cũng khiến công tác phòng chống HIV/AIDS gặp khó khăn.
Thưa Phó Thủ tướng, trong giai đoạn tới, chúng ta cần tập trung vào những trọng tâm nào của công tác phòng, chống HIV/AIDS để vượt qua những thách thức trên?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trước tiên, chúng ta cần hoàn thiện công tác xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích sự tham gia của xã hội để đảm bảo đủ các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn tới.
Đồng thời, phải duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, trong đó tập trung ưu tiên mở rộng chương trình điều trị methadone tại các địa phương trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS, đẩy mạnh công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để có thể đạt được mục tiêu thiên kiên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, tiến tới giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 10% vào năm 2014.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS, thu hút sự tham gia của người nhiễm HIV cũng như của những người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS vào các hoạt động phòng, chống đại dịch này.
Trước tình hình nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm, xin Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ngay sau khi cộng đồng các nhà tài trợ chính thức thông báo về lộ trình cắt giảm ngân sách hỗ trợ cho Việt Nam, trong tháng 12-2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phương án đảm bảo nguồn tài chính bền vững chương trình phòng, chống HIV/AIDS của nước ta theo những mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động đã được quy định tại Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Bộ Y tế đã trình và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020" tại Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng tình hình dịch HIV/AIDS, phân tích, đánh giá các điều kiện khách quan, chủ quan trong và ngoài nước, Đề án đã đưa ra hàng loạt giải pháp đảm bảo đủ các nguồn lực cần thiết cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới, tập trung vào 2 nhóm giải pháp hết sức căn cơ.
Cụ thể, giải pháp thứ nhất là tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực từ các địa phương, viện trợ quốc tế và từ nguồn xã hội hóa như bảo hiểm y tế, thu phí dịch vụ...
Giải pháp thứ hai là quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm nguồn kinh phí thông qua các nhóm giải pháp quản lý chương trình nhằm lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế sẵn có, củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ theo hướng chi phí - hiệu quả.
Ngoài ra, phân bổ hiệu quả, tập trung điều phối nguồn lực huy động được và quản lý, giám sát chi tiêu hiệu quả để hạn chế các khó khăn do việc cắt giảm kinh phí.
Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết để hiện thực hóa các giải pháp trên để đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đặt ra.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
(Theo chinhphu.vn)