Triển khai nhiều giải pháp trước khi lũ về
Hiện nay, nước lũ đã đổ về và đang uy hiếp 3 tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long là An Giang, Đồng Tháp và Long An. Các địa phương này đang khẩn trương triển khai các giải pháp để ngăn lũ, cứu lúa như: Tập trung lực lượng, tổ chức các phương tiện cơ giới gia cố các tuyến đê bao; huy động Lực lượng Quân sự, dân quân, đoàn viên, thanh niên… xuống xã thu hoạch lúa giúp dân. Còn tại Tiền Giang, các ngành chức năng nhận định lũ năm nay cao và diễn biến phức tạp nên đang tập trung nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại cho người trồng lúa hè thu chính vụ, các cây trồng khác.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày đầu tháng 8, mực nước trên sông tại các điểm đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Cụ thể, tại Tân Châu đạt 3 m, tại Châu Đốc ở mức 2,41 m, cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 0,5 - 0,6 m. Dự báo trong tháng 8 này, nước lũ sẽ đạt mức báo động 1 tại Tân Châu và Châu Đốc.
* Phóng viên (PV): Nước lũ đang uy hiếp các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp và Long An; vậy hiện nay, lũ ở các huyện phía Tây của tỉnh như thế nào?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua, mực nước tại Ngã Sáu thuộc xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè) dao động từ 0,38 - 1,12 m; kinh 10 (huyện Cai Lậy) từ 0,48 - 1,04 m, xã Hậu Mỹ Bắc (huyện Cái Bè) từ 0,91 - 1,04 m, xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) từ 0,52 - 0,92 m, Ngã Năm Bắc Đông (huyện Tân Phước) từ 0,75 - 0,77 m. So với bình quân mặt ruộng từ 0,7 - 0,8 m thì mực nước trên không ảnh hưởng gì đối với trà lúa hè thu chính vụ và vườn cây ăn trái, rau màu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, TX. Cai Lậy… Tuy nhiên, mực nước trong những ngày tới sẽ tăng 0,1 - 0,2 m do triều cường kết hợp với mưa nên địa phương và người dân cần lưu ý để có giải pháp ứng phó kịp thời.
* PV: Ông nhận định như thế nào về lũ năm nay trên địa bàn tỉnh?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang thì Tiền Giang ít có khả năng ảnh hưởng của lũ đầu vụ. Vùng Hậu Mỹ Bắc bắt đầu ảnh hưởng lũ vào đầu tháng 10 và đạt đỉnh vào nửa đầu tháng 11. Theo đó, mực nước cao nhất tại Hậu Mỹ Bắc đạt từ 1,6 - 1,7 m. Triều cường của vùng này vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 cũng sẽ đạt từ 1,7 - 1,8 m, cao hơn báo động 3 từ 0,1 - 0,2 m.
Theo nhận định, mực nước lũ năm nay sẽ xấp xỉ với năm 2011. Đây là mùa lũ “đẹp” đối người người dân sau nhiều năm nội đồng không được ngâm lũ, xả phèn…
* PV: Từ nhận định trên, ngành chức năng đã và đang có giải pháp gì trong việc ứng phó?
* Ông Nguyễn Thiện Pháp: Ngay từ đầu vụ lúa hè thu chính vụ 2017, ngành Nông nghiệp đã đề ra lịch thời vụ và khuyến cáo nông dân phải thu hoạch lúa trước ngày 15-9. Nếu những diện tích nào thu hoạch trễ vào đầu tháng 10 cũng sẽ không ảnh hưởng do lũ. Bởi thời điểm này nước lũ mới đổ về, trong khi hệ thống đê bao ở khu vực này trong những năm qua được đầu tư khá tốt. Tuy vậy, chúng ta không được chủ quan trước diễn biến của lũ.
Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các huyện phía Tây phải rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng có nguy cơ bị ngập lũ; gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ ngập lũ; xây dựng kế hoạch ứng phó, bảo vệ tốt diện tích vườn cây ăn trái và lúa hè thu chính vụ. Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý các xã đầu nguồn của huyện Cái Bè, Cai Lậy và các diện tích trong vùng đê bao thấp; đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm sạt lở đã được phê duyệt nhằm đảm bảo ngăn được lũ và triều cường; tăng cường công tác kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở, trong đó chú ý các vị trí đoạn sông cong để có giải pháp xử lý kịp thời. Các địa phương trong vùng cũng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình của địa phương…
* PV: Xin cảm ơn ông!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)