Đổi mới, nâng chất với nhiều hoạt động hấp dẫn
Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Lễ hội Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp được UBND tỉnh phê duyệt phát triển trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trên cơ sở phát triển lễ hội mang tính bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc văn hóa - lịch sử, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ III - năm 2017 từ ngày 1 đến 3-12 tại xã Đông Hòa Hiệp. Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Đảm, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết:
Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm nay được tổ chức với chủ đề “Lễ hội văn hóa - du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ III - năm 2017”. Qua 2 kỳ tổ chức thành công, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần này với chủ trương giữ vững truyền thống, thương hiệu lễ hội nhưng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung cũng như hình thức so với các kỳ trước. Theo đó, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp sẽ kết hợp tốt các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật. Lễ hội diễn ra có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ; đồng thời sẽ là động lực thúc đẩy phát triển du lịch và tiếp tục khẳng định sản phẩm du lịch độc đáo của huyện Cái Bè.
Bên cạnh đó, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp còn nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch huyện Cái Bè, với sản vật của địa phương, văn hóa, truyền thống vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước, con người Tiền Giang trong phát triển du lịch theo hướng bền vững.
* Phóng viên (PV): Lễ hội Văn hóa - du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần này sẽ diễn ra các hoạt động gì, nhằm thực hiện mục đích quảng bá du lịch cũng như thu hút khách du lịch, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Lễ hội Văn hóa - du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ III - năm 2017 sẽ được tổ chức trang trọng, ngang tầm lễ hội cấp tỉnh. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng cho ngày lễ hội văn hóa - du lịch quan trọng này diễn ra. Lễ hội sẽ diễn ra với 25 hoạt động, trong đó bao gồm các hoạt động chính như: Chương trình khai mạc lễ hội, trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia Làng cổ Đông Hòa Hiệp; Hội thảo liên kết phát triển du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười với TP. Hồ Chí Minh; tọa đàm về bảo tồn, phát triển Làng cổ Đông Hòa Hiệp thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Tiền Giang; trang trí nghệ thuật bốn ngôi nhà cổ; xây dựng gian hàng để quáng bá, xúc tiến du lịch; hội thi chưng mâm ngũ quả; trưng bày hình ảnh, hiện vật, sinh hoạt cộng đồng địa phương; chương trình đờn ca tài tử; trưng bày hoa kiểng, sản phẩm nông nghiệp địa phương… Đặc biệt, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đến từ các thành phố của Nhật Bản.
Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp. |
Các hoạt động trên của lễ hội tin chắc sẽ tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi, phấn khởi, thể hiện tinh thần đoàn kết, thân thiện, mến khách, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo sản phẩm du lịch đa dạng, thu hút khách du lịch; đồng thời khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển du lịch của huyện Cái Bè trong mối liên kết, phát triển du lịch của tỉnh.
* PV: Theo đồng chí, qua các lần tổ chức trước đây cũng như lễ hội lần này sắp diễn ra sẽ mang lại những kỳ vọng gì cho việc phát triển du lịch của tỉnh nói chung và huyện Cái Bè nói riêng?
* Đồng chí Nguyễn Đức Đảm: Theo Đề án “Phát triển Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang” đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2020, lễ hội này sẽ được tổ chức 2 năm/lần. Từ năm 2021 đến năm 2030, tỉnh nâng lên mỗi năm tổ chức lễ hội một lần, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nói chung và huyện Cái Bè nói riêng; phát triển lễ hội mang tính bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc văn hóa - lịch sử, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch huyện Cái Bè trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa của vùng; phát triển lễ hội theo hướng xã hội hóa, huy động hợp lý các nguồn lực để phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch, đầu tư các dự án phát triển du lịch để tạo ra sản phẩm đa dạng, đặc trưng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách; phát huy tối đa nguồn lực địa phương cho phát triển du lịch; huy động sự tham gia phối hợp, liên kết của các ngành, các cấp.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HỮU NGHỊ (thực hiện)