Thứ Ba, 21/11/2017, 14:12 (GMT+7)
.

Người thầy cần nỗ lực không ngừng trong tình hình mới

“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Ở bất kỳ thời đại nào, khi nói đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), thì vai trò của người thầy luôn được xem là vô cùng quan trọng. Người thầy không chỉ đóng vai trò truyền thụ kiến thức, mà còn là người soi đường, chỉ bảo cho học trò những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống. Trong bối cảnh đổi mới hiện nay, người thầy cần phải làm gì để thích ứng trước những yêu cầu đổi mới? Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Hồng Oanh cho biết:

Năm học 2017 - 2018, ngành GD-ĐT  tỉnh nhà có 20.742 cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên. Những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ GV. Theo đó, bậc học mầm non có 1.361 GV đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 48,5%) và 1.447 GV trên chuẩn (tỷ lệ 51,5%); ở bậc học tiểu học đạt chuẩn 1.904 GV (tỷ lệ 28,7%) và trên chuẩn 4.738 GV (tỷ lệ 71,3%); ở bậc học trung học cơ sở (THCS) đạt chuẩn 2.528 GV (tỷ lệ 48,4%) và trên chuẩn 2.701 GV (tỷ lệ 51,6%); bậc học trung học phổ thông (THPT) đạt chuẩn 2.059 GV (tỷ lệ 83,8%) và trên chuẩn 300 GV (tỷ lệ 12,2%). Số cán bộ, GV có trình độ sau đại học là hơn 400 và đạt tỷ lệ 100% cán bộ quản lý hoàn thành chứng chỉ về quản lý giáo dục.

* PV: Theo Giám đốc Sở, vai trò của người thầy trong tình hình mới có khác gì so với trước?

* Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Oanh: Theo quan niệm trước đây, người thầy có khối kiến thức rộng lớn để truyền dạy cho các thế hệ sau. Hạnh phúc và thành công của mỗi người thầy được “đo lường” qua chất lượng dạy chữ cho các thế hệ học trò. Tuy nhiên, người thầy trong xã hội mới không chỉ dạy chữ, mà còn biết quan tâm, chăm sóc, tìm hiểu học sinh bằng cả trái tim và lòng bao dung, biết khơi dậy và phát triển nội lực của học sinh. Ngày nay, đứng trước những yêu cầu đổi mới, người thầy không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ, hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin.

* PV: Trước bối cảnh đổi mới của ngành GD-ĐT, người thầy cần làm gì để thích ứng tình hình mới?

* Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Oanh: Để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của sự nghiệp GD-ĐT hiện nay, người thầy luôn phải tự thân phấn đấu rất cao. Thứ nhất, người thầy cần gương mẫu trong lời nói và hành động; thứ hai là, cần không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, theo tôi, tinh thần lao động của người thầy không chỉ dừng lại ở tinh thần trách nhiệm, mà đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, trăn trở về nghề. Người thầy phải hiểu sâu sắc và sống có trách nhiệm với sự tôn vinh cao quý mà xã hội đã tin tưởng. Hơn ai hết, người thầy phải là nhà giáo dục, biết lắng nghe, biết thấu hiểu và biết chia sẻ đối với những người xung quanh, đòi hỏi sự phấn đấu và hy sinh rất lớn của người thầy trong giai đoạn hiện nay.

* PV: Hiện nay, vẫn còn một bộ phận thầy giáo, cô giáo dạy học theo “lối mòn”, chậm đổi mới trong công tác giảng dạy. Là người đứng đầu trong ngành, Giám đốc Sở có suy nghĩ gì về vấn đề này?

* Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Oanh: Bên cạnh những người thầy yêu nghề, say mê với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong từng tiết dạy, hết lòng vì học sinh, thì vẫn còn không ít thầy giáo, cô giáo dạy học theo “lối mòn”. Toàn ngành đang phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, nhằm khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ GV.  Đặc biệt là, từ năm học 2019 - 2020, để chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng trong thực tế thành công như kỳ vọng, thì đội ngũ GV cần có tinh thần trách nhiệm cao, có kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, kỹ năng sư phạm vững vàng, có vốn sống phong phú…

* PV: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Giám đốc Sở có điều gì nhắn nhủ đến các thầy giáo, cô giáo?

* Giám đốc Sở Nguyễn Hồng Oanh: Năm nay chúng ta kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong rằng, đội ngũ nhà giáo trong tỉnh cần nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, GV không ngừng xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Có làm được như vậy, tôi tin rằng, mỗi thầy giáo, cô giáo mới thực sự xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề nhà giáo.

* PV: Xin cảm ơn Giám đốc Sở GD-ĐT!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.