Cần hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu trái cây
Nhận định về tình hình sản xuất, xuất khẩu (XK) rau, quả thời gian gần đây, nhất là trước thềm Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, XK trái cây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tiền Giang, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đánh giá:
XK rau, quả nói chung, trái cây nói riêng tăng liên tục từ năm 2015 đến nay. Nếu như năm 2015 XK rau, quả cả nước đạt 1,8 tỷ USD thì sang năm 2016 đạt hơn 2,4 tỷ USD, đến hết tháng 11 năm 2017 đạt hơn 3,1 tỷ USD và dự kiến cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD. XK rau, quả, đặc biệt là trái cây tăng liên tục trong những năm gần đây có sự góp phần rất lớn trong việc tổ chức lại sản xuất của Nhà nước theo hướng sản xuất lớn, đồng loạt, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP. Đến nay, đối với quả, đã có 14.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP với tổng diện tích trên 800.000 ha. Điều này rất quan trọng, đã góp phần tạo lòng tin nơi khách hàng thông qua việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Từ đó, sản phẩm rau, quả của Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường khác nhau, thay vì chỉ đối với khách hàng truyền thống như Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ rau, quả của Việt Nam đã mở rộng khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau; trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc. Một khi thị trường được mở rộng, chắc chắn sản lượng tiêu thụ rau, quả tới đây sẽ tăng lên. Tất nhiên, hiện tại thị trường tiêu thụ rau, quả nhiều nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, chiếm khoảng 75% trong cơ cấu rau, quả XK trong những tháng qua của năm 2017. Mặc dù thị trường khó tính tiêu thụ lượng rau, quả thời gian qua chưa lớn nhưng cũng mở ra hướng mới cho rau, quả Việt Nam, với giá tiêu thụ tốt hơn nên hiệu quả kinh tế cũng sẽ tăng theo.
Cần hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu trái cây. Ảnh: NGỌC LAN |
* Phóng viên (PV): Đâu là điểm nhấn của XK rau, quả thời gian qua?
* Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Trong các loại rau, quả XK, thanh long đứng đầu và có mức tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Kim ngạch XK rau, quả năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, trong đó thanh long chiếm khoảng 900 triệu USD. Điểm thuận lợi là ở các tỉnh phía Nam do khí hậu nhiệt đới nên rất phù hợp cho cây thanh long. Tất nhiên, vào thời điểm mưa nhiều xuất hiện mầm bệnh, trong khi mùa nắng lại có côn trùng, bà con thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu kiểm soát không chặt chẽ sẽ để lại dư lượng thuốc trên trái thanh long. Khi XK thanh long, nếu khách hàng phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ ảnh hưởng đến nhóm ngành hàng này trên cả nước. Nếu nhìn ở khía cạnh khác, do thời gian qua thanh long mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, người dân “đổ xô” trồng thanh long, khi cung vượt quá cầu, giá giảm, không XK được cũng là điều đáng lo ngại. Do đó, Nhà nước cần định hướng sản xuất thanh long theo từng vùng, với phương thức hợp lý, nếu để sản xuất tự phát sẽ rất khó.
* PV: Trong cơ cấu XK hiện nay chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi?
* Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Đúng là XK trái cây hiện nay chủ yếu vẫn là dưới dạng trái tươi. Điểm thuận lợi là nhờ khí hậu nhiệt đới nên nông dân có thể xử lý nghịch vụ, cho trái quanh năm nên đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, có thực tế là nông dân làm một cách tự phát, có thể xử lý cùng một đợt dẫn đến dội hàng nên cần có sự điều tiết của Nhà nước. Trong khi đó, khâu chế biến sau thu hoạch còn yếu, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm đã qua chế biến để xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm nhằm đa dạng hóa sản phẩm
thay vì XK tươi như hiện nay.
* PV: Thực tế cho thấy, việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến vẫn chưa đạt được như mong đợi?
* Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Trước sau gì sản xuất nông nghiệp nói chung, trái cây nói riêng cũng phải đi theo hướng VietGAP hay GlobalGAP để tiến tới sản xuất cùng một quy trình, chất lượng sản phẩm làm ra giống nhau, đặc biệt là an toàn cho người tiêu dùng. Điều này rất quan trọng, nhưng thực tế vừa qua cho thấy, đôi khi nông dân tính toán quá “chi li”. Chẳng hạn như, người nông dân mong muốn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP thì giá bán phải cao hơn các mô hình khác. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là hiệu quả kinh tế mang lại mới là điều quan trọng. Nghĩa là, nếu áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến mà bán với giá thấp nhưng số tiền đầu tư ít vẫn lãi hơn việc bán giá cao nhưng chi phí bỏ ra cũng rất cao.
* PV: Như vậy, sản xuất, XK trái cây cần một hướng đi mới?
* Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Trong tương lai là phải làm sao cho các hộ nông dân liên kết lại với nhau theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới hay khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nhờ lợi thế về vốn và mang lại tính ổn định cho đầu ra sản phẩm. Có như thế sản phẩm mới an toàn, người tiêu dùng yên tâm hơn. Tuy nhiên, hiện nay cũng có khó khăn là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên cần tìm giải pháp khắc phục tình trạng này nhằm tăng cường sức chống chịu của cây ăn trái. Chưa kể, đối với thị trường tiêu thụ khó tính như các nước châu Âu, ngay cả khi tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP thì còn nghĩ đến sự an toàn cho cả người sản xuất. Do vậy, trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng, chúng ta cũng cần hướng đến tính cân bằng sinh thái, để cho người tiêu dùng và cả người sản xuất phải an toàn. Điều này cần sự chung tay của cả cộng đồng.
* PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!
PHƯƠNG ANH (thực hiện)