Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp hướng đến nền sản xuất bền vững
Đề cập đến các mục tiêu được đề ra trong Dự án Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp (gọi tắt là Dự án) đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, Tiến sĩ Trần Thanh Phong, Giám đốc Dự án cho biết:
Dự án nhằm mục tiêu xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường thông qua việc xúc tiến xây dựng, nhân rộng các mô hình nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ sản xuất nông nghiệp, hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp thông qua mở rộng và phát triển Chương trình khí sinh học từ quy mô công trình nhỏ hộ gia đình đến quy mô công trình vừa và lớn, tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
* Phóng viên (PV): Dự án bao gồm các hoạt động chính gì, thưa tiến sĩ?
* Tiến sĩ Trần Thanh Phong: Dự án bao gồm các hoạt động chính là quản lý chất thải chăn nuôi và chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp.
+ Về Quản lý chất thải chăn nuôi
- Hỗ trợ xây dựng 2.800 công trình khí sinh học (KSH) quy mô nhỏ, 10 công trình KSH quy mô vừa để xử lý chất thải chăn nuôi mà chủ yếu là chất thải của heo, sau đó là trâu, bò, dê.
- Đào tạo tập huấn 2.800 hộ chăn nuôi (ít nhất có 50% người được đào tạo là phụ nữ), 50 thợ xây, 16 kỹ thuật viên về các nội dung liên quan đến xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, môi trường của các công trình KSH
Xây dựng hầm biogas. |
- Hỗ trợ tài chính cho hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại xây dựng mỗi công trình quy mô nhỏ (< 50 m3) là 3 triệu đồng. Đối với các hộ người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, tàn tật, hộ có phụ nữ là trụ cột gia đình... được hỗ trợ 5 triệu đồng/công trình. Đối với công trình có quy mô vừa (cỡ 50 - 499 m3) được hỗ trợ 50 triệu đồng/công trình. Ngoài ra, các hộ xây dựng/lắp đặt công trình KSH còn được vay vốn, mức vay tối đa cho mỗi công trình quy mô nhỏ là 100 triệu đồng, quy mô vừa là 1,7 tỷ đồng. Thời hạn cho vay tối đa 5 năm đối với công trình KSH quy mô nhỏ; tối đa 10 năm đối với công trình KSH quy mô vừa. Lãi suất vay tối đa bằng 90% mức lãi suất thị trường.
+ Về chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cacbon thấp
- Xây dựng các mô hình nông nghiệp cacbon thấp: Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình với công trình phụ trợ hoặc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý triệt để chất thải chăn nuôi.
+ Đối với các hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình thì xây dựng các công trình KSH có kích thước tương ứng với quy mô đàn. Nếu tăng đàn, có chất thải thừa, vượt quá thể tích của hầm sẽ xử lý bằng cách thu gom, ủ làm phân bón hữu cơ, nuôi trùn quế... hoặc chia chuồng trại ra để xử lý bằng đệm lót sinh học.
+ Đối với các trang trại có quy mô đàn lớn thì bên cạnh việc xây dựng các công trình KSH, lượng phân thừa có thể làm phân bón hữu cơ bằng cách ủ hay sử dụng chạy máy phát điện, hoặc sử dụng máy ép phân để tách phân heo thành phân khô, thuận tiện cho vận chuyển, ủ và làm phân bón hữu cơ.
Khí gas từ các công trình KSH được sử dụng để đun nấu, thắp sáng, phát điện để thay cho điện lưới. Khí gas thừa có thể chia sẻ cho các hộ gia đình lân cận cùng sử dụng...
* PV: Sau thời gian triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu?
* Tiến sĩ Trần Thanh Phong: Sau thời gian triển khai, đến nay Dự án đã hỗ trợ tài chính cho 2.817 hộ chăn nuôi xây dựng 2.817 công trình KSH quy mô nhỏ, chủ yếu là chất thải của heo. Các công trình này đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi; đồng thời giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt gia đình nhờ sử dụng khí gas phục vụ cho đun nấu, thắp sáng, hoặc sử dụng gas để phát điện, phục vụ cho sinh hoạt gia đình và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, nhiều hộ chăn nuôi còn chia sẻ khí gas cho các hộ lân cận sử dụng, nhờ đó tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng.
Ngoài ra, Dự án đang chuẩn bị xây dựng các công trình KSH quy mô vừa phục vụ cho lò giết mổ và trang trại chăn nuôi heo. Song song đó, Dự án sẽ triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ phát điện, ép phân trong xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại.
* PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!
T.P (thực hiện)