.

Sinh con tại nhà: Nhiều người đang quay về với hủ tục vùng cao?

Cập nhật: 22:20, 15/03/2018 (GMT+7)

Gần đây, trên mạng xã hội hoặc với nhiều người phụ nữ “mách,” truyền tai nhau về vấn đề sinh con thuận tự nhiên tại nhà, tự tay đỡ đẻ, không tiêm phòng, không cắt rốn cho trẻ sơ sinh.

Trước những thông tin trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Lê Hoài Chương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương để có cái nhìn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Phó giáo sư Lê Hoài Chương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Phó giáo sư Lê Hoài Chương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

- Hiện nay, có nhiều thông tin về việc các sản phụ có thể tự sinh con tại nhà cho “thuận theo tự nhiên,” phó giáo sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Phó giáo sư Lê Hoài Chương: Về việc sinh con tại nhà, ở Việt Nam hiện nay còn có một số vùng sâu, vùng xa, vùng núi, người dân tộc họ vẫn còn theo phong tục tập quán, không cho người lạ vào. Với những hủ tục của người dân vùng cao đó, họ vẫn để sinh con tại nhà, với người bà, người chị, người mẹ đỡ cho con…

Chính vì vậy, ngành y tế có hệ thống cô đỡ thôn bản để vào những vùng sâu, vùng xa đó. Còn các vùng khác như thành phố, thành thị, nông thôn, đồng bằng không bao giờ có những chuyện đó từ trước đến giờ. Bởi chúng ta đã bao phủ hết hệ thống trạm y tế xã, nhà hộ sinh, các khoa sản của những bệnh viện.

- Hiện nay, có khá nhiều phụ nữ đang tìm hiểu một số vấn đề như sinh con tại nhà, là một chuyên gia trong ngành sản khoa, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Phó giáo sư Lê Hoài Chương: Hiện nay, tổ chức hệ thống của chuyên ngành sản khoa đã đầy đủ, tôi nhấn mạnh, không có ai chỉ đạo, chỉ thị việc khuyến khích sinh con tại nhà.

- Trước kia, người ta vẫn truyền rằng “chửa đẻ là cửa mả,” bác sỹ có thể giải thích rõ hơn vì sao trong giai đoạn sinh nở, người phụ nữ có nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng?

Phó giáo sư Lê Hoài Chương: Khi một cuộc chuyển dạ với một người phụ nữ xảy ra, phải có người cán bộ y tế có chuyên môn về việc đó họ theo dõi, khám, chẩn đoán.

Bởi một cuộc chuyển dạ của người phụ nữ trong điều kiện bình thường, chưa kể các điều kiện khác khi không ai khám, theo dõi từ đầu để xem tình trạng của sản phụ, xem tình trạng của thai nhi như thế nào.

Chăm sóc cho một sản phụ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh: Phương Vy/TXVN)
Chăm sóc cho một sản phụ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh: Phương Vy/TXVN)

Bản thân người sản phụ đó không biết khám và quản lý thai trong giai đoạn mang thai ra sao, nhưng trong giai đoạn chuyển dạ họ phải có cán bộ y tế thăm khám, phát hiện các nguy cơ, các bệnh lý cho người mẹ và cho thai nhi.

Người ta tiên lượng được các cuộc sinh nở, các nguy cơ của người mẹ, của trẻ sơ sinh và theo dõi các giai đoạn, có sự can thiệp của y tế để sản phụ và trẻ sơ sinh được an toàn. Vì vậy, sẽ không có khuyến cáo nào của chuyên gia ngành phụ sản để cho các sản phụ tự sinh đẻ ở nhà.

Vấn đề thứ hai đó là cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc đẻ, không còn như trước kia. Hiện nay, người phụ nữ được chăm sóc kinh tế đầy đủ và hài lòng, không phải tự dưng đẻ ở đâu cũng được, chẳng hạn như ở nhà.

Bởi, ở nhà làm sao có điều kiện đầy đủ để đảm bảo phục vụ cho một cuộc sinh nở. Người phụ nữ nếu sinh đẻ ở nhà, đã không có phương tiện theo dõi, trang thiết bị không có, cán bộ không có, khi sự cố xảy ra sẽ có rất nhiều vấn đề. Một cuộc chuyển dạ biến cố trong vòng 24 giờ đối với sản phụ có rất nhiều điều nguy hiểm.

- Trẻ sơ sinh đẻ ở nhà thì có những nguy cơ gì thưa bác sỹ?

Phó giáo sư Lê Hoài Chương: Trẻ đẻ ở nhà các điều kiện khó có thể đảm bảo như điều kiện trang thiết bị, môi trường gây nhiễm khuẩn, uốn ván rốn. Ngay cả những người bà, người mẹ đỡ cho con ở các khu vực miền núi người ta cũng rất nhiều nguy cơ uốn ván rốn khi cắt rốn cho trẻ bằng các dụng cụ vệ sinh không đúng. Vì vậy, trước kia có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong vì uốn ván rốn. 

- Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư!./.

(Theo TTXVN)

.
.
.