.
Ông TRẦN THẾ NGỌC, Bí thư Tỉnh ủy:

Xây dựng Đảng bộ xứng đáng với lòng tin của nhân dân

Cập nhật: 16:40, 25/04/2012 (GMT+7)

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm và nhất trí cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Phóng viên (PV): Thưa ông, với vai trò là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, xin ông cho biết Tiền Giang sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 như thế nào?

Ông Trần Thế Ngọc: Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đặc biệt quan tâm, đồng tình cho rằng Nghị quyết đã đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp cần thiết để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng thật sự trong sạch vững mạnh trong thời kỳ mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhân dịp về thăm và làm việc  với Tiền Giang Tết Nhâm Thìn - 2012.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhân dịp Phó Chủ tịch Quốc hội về thăm và làm việc với Tiền Giang Tết Nhâm Thìn - 2012.

Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ban Đảng của Tỉnh ủy nhanh chóng xây dựng các hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Ở cấp tỉnh: Từ ngày 26 đến 29-3-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 2 hội nghị triển khai, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương (và góp ý dự thảo các văn bản của tỉnh) cho 450 cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và 200 cán bộ hưu trí.

Ở cấp huyện và tương đương, trong tháng 4-2012, tổ chức quán triệt Nghị quyết cho cán bộ cấp huyện. Ở cấp cơ sở, cấp ủy của tổ chức Đảng tổ chức hội nghị nghiên cứu Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ hoặc chi bộ cơ sở. Qua đó, giúp cán bộ các cấp nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung Nghị quyết, thấy rõ các biện pháp và cách làm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong toàn Đảng bộ đạt hiệu quả cao.

Các cấp ủy Đảng phải xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần tập trung thực hiện: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đặc biệt là nắm vững 4 nhóm giải pháp: Về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên; về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; về cơ chế, chính sách; về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Từ đó, chỉ đạo các tổ chức Đảng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp một cách đồng bộ, có xác định trọng tâm, trọng điểm; phải làm khẩn trương, nghiêm túc, phân công trách nhiệm cụ thể, chặt chẽ; phải kiên quyết, kiên trì, xác định lộ trình thực hiện; làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện.

Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tự giác thực hiện phê và tự phê bình trước, gương mẫu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên chấp hành tốt quy định những điều đảng viên không được làm, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân.

Các cấp ủy Đảng cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; chỉ đạo việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải nghiêm túc, không làm qua loa, hình thức. Phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm cho tổ chức Đảng mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đoàn kết tốt, gắn bó mật thiết với nhân dân để thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn và thật sự xứng đáng với lòng tin, sự kỳ vọng của nhân dân.

PV: Ông có nhận xét gì về tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên của tỉnh, nhất là các cán bộ đang đảm nhiệm công tác lãnh đạo?

Ông Trần Thế Ngọc: Hiện toàn tỉnh có 817 tổ chức cơ sở Đảng (258 Đảng bộ, 559 chi bộ, 5 Đảng bộ bộ phận, 2.547 chi bộ trực thuộc Đảng ủy). Toàn tỉnh có 35.337 đảng viên, trong đó có 9.414 nữ (26,64%), 2.621 đảng viên dự bị.

Qua đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên năm 2011, kết quả có 602 cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh (74,5%), trong đó 118 cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu (19,6%), 150 hoàn thành tốt nhiệm vụ (18,56%); chỉ có 6 yếu kém (0,74%). Có 2.132 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở đạt trong sạch vững mạnh (84,2%),… và 9 cơ sở yếu kém (0,36%).

Qua kết quả đánh giá chất lượng đảng viên năm qua cho thấy, có 3.629 đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (11,04%), 26.513 đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ (80,65%),… và 234 đảng viên vi phạm tư cách hoặc không hoàn thành nhiệm vụ (0,71%).

Qua đó minh chứng rằng, Tỉnh ủy Tiền Giang luôn quan tâm công tác xây dựng Đảng; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất đội ngũ đảng viên.

Trên bình diện chung, đa số đảng viên có ý thức rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, được nhân dân tin tưởng. Trải qua thực tiễn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt. Thành tựu 25 năm đổi mới của tỉnh là thành quả của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, trong đó có đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, do tác động,  ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; mặt khác, do cơ sở Đảng chưa có biện pháp tốt để quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nên có nơi vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện: phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, kèn cựa, địa vị, tham nhũng, lãng phí,… làm mất lòng tin của nhân dân.

Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng cần có giải pháp kiên quyết khắc phục cho được tình trạng này trong thời gian tới.

PV: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI xác định: "Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục...”. Ở tỉnh ta, công tác xây dựng Đảng còn những yếu kém nào? Nguyên nhân?

Ông Trần Thế Ngọc: Trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các cấp ủy Đảng luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, tích cực chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Song, cũng còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục: Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy còn hạn chế; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình có lúc, có nơi còn hình thức; việc đánh giá cán bộ, chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên chưa chặt chẽ và sát thực tế. Chất lượng sinh hoạt, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở còn hạn chế, chậm được củng cố.

Bên cạnh đó còn một số cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu gương mẫu, ít tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống dẫn đến vi phạm phải xử lý kỷ luật. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ ở một số nơi chưa có tính chiến lược lâu dài, cán bộ còn hụt hẫng, chắp vá. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng còn hạn chế; nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng, đảng viên chậm phát hiện; việc giám sát của nhân dân và các đoàn thể chưa đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng.

Về nguyên nhân hạn chế là do một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức việc quán triệt cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; chưa tập trung cao trong lãnh đạo tổ chức thực hiện; việc sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và bổ sung giải pháp chỉ đạo chưa thường xuyên; việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cơ sở chậm, chưa phù hợp điều kiện thực tế.

Công tác đánh giá tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên còn chạy theo thành tích; xây dựng kế hoạch củng cố, nâng chất tổ chức cơ sở Đảng chưa sâu sát; việc lãnh - chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ chính trị và sản xuất - kinh doanh,...

PV: Thưa ông, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng ở tỉnh ta trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào?

Ông Trần Thế Ngọc: Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chúng ta tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra và được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; kiện toàn, đổi mới tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới công tác cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tất cả những nhiệm vụ, giải pháp trên cần phải được các tổ chức Đảng và đảng viên trong tỉnh nghiêm túc thực hiện tốt, xem đây vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống, với quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng và tinh thần gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, cùng với sự hưởng ứng của nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi phong ba bão táp, đến bến bờ chiến thắng.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG (thực hiện)

 

.
.
.