Khắc phục khó khăn đưa Tân Phú Đông ngày càng phát triển
Đã 10 năm kể từ khi thành lập, diện mạo của “huyện nghèo” Tân Phú Đông đã có sự thay đổi rõ rệt. Nói về kết quả sau 10 năm thành lập huyện, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Nguyễn Quốc Khánh cho biết:
Trung tâm hành chính huyện được đầu tư xây mới là một trong những điểm nhấn trong 10 năm hình thành và phát triển huyện Tân Phú Đông. |
Có thể nói, 10 năm qua, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, “huyện nghèo” Tân Phú Đông đã từng bước đổi thay, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng đã mang lại những kết quả to lớn.
Trong đó, cây sả và mãng cầu Xiêm trở thành cây trồng chủ lực và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, với lợi thế giáp biển, địa phương đã tận dụng và phát triển các ngành, nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Diện tích nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm liên tục tăng. Đến nay, toàn huyện có khoảng 6.000 ha nuôi tôm, chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh và công nghiệp.
Song song với phát triển nông nghiệp, việc đầu tư cơ sở hạ tầng luôn được địa phương chú trọng. Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, địa phương đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường, nhất là đầu tư nâng cấp đường tỉnh 877B - tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền các xã từ Tân Thới đến Phú Tân.
Các bến phà, đò cũng được đầu tư kịp thời, trong đó bến phà Tân Long (bến phà chính của huyện) được đầu tư sử dụng phao nổi 250 tấn (kinh phí thực hiện 53 tỷ đồng) đã đưa vào khai thác vào năm 2013. Bên cạnh đó, bến phà Bình Tân - Cửa Đại là bến phà đầu tiên được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng vốn 24 tỷ đồng. Bến phà có vai trò kết nối huyện Tân Phú Đông với huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre).
Đây là nền tảng để khởi nguồn cho việc hình thành trục giao thông ven biển kết nối Bình Đại - Tân Phú Đông - TX. Gò Công đi TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa trong thời gian tới.
10 năm qua, dù tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông đã giảm nhiều so với khi mới thành lập huyện (từ 52,18% xuống còn 31,8% theo chuẩn hộ nghèo mới), song nhìn chung, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện vẫn còn rất cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Do vậy, một trong những mục tiêu quan trọng của địa phương là đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Theo đó, huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung xây dựng nhiều mô hình thoát nghèo bền vững, hỗ trợ con giống, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tìm đầu ra ổn định cho những sản phẩm chủ lực của địa phương để giúp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần nâng cao đời sống người dân. |
Đặc biệt, trong năm 2016, UBND tỉnh đã tiến hành thực hiện Dự án Cấp nước cho huyện Tân Phú Đông (chuyển tải nước sạch từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm về huyện) với chiều dài 10,6 km, công suất chuyển tải nước 11.000 m3/ngày đêm. Sự kiện kéo nước sạch vượt sông Cửa Tiểu về huyện Tân Phú Đông là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển suốt 10 năm qua của địa phương.
Nước sạch về đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân. Đây không chỉ là dự án phục vụ dân sinh, mà còn góp phần tạo điều kiện phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
* Phóng viên: Đồng chí cho biết định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới?
* Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh: Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 2 đề ra đến năm 2020, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp:
Một là: Rà soát lại các quy hoạch hiện có, đẩy mạnh phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là: Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, nhất là hệ thống đê bao, thủy lợi nội đồng để phát triển kinh tế nông nghiệp; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để liên kết phát triển trong nội bộ vùng và ngoài vùng, nhằm tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Do điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nên thời gian qua, việc phát triển thương mại, dịch vụ ở huyện Tân Phú Đông còn chậm. Do đó, trong thời gian tới, phát triển thương mại, dịch vụ sẽ là lĩnh vực được địa phương chú trọng thực hiện. Do vậy, ngoài việc đầu tư Trung tâm thương mại huyện từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng chợ ở các xã.
Ba là: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường và quản lý, khai thác tốt các tài nguyên hiện có.
Bốn là: Thực hiện các chính sách ưu đãi và các biện pháp khuyến khích đầu tư trên địa bàn huyện, triển khai kêu gọi có hiệu quả các dự án đầu tư nuôi trồng thủy, hải sản trên các khu đất công nhằm gia tăng giá trị sản xuất khu vực 1; đồng thời, kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, dự án nuôi tôm công nghệ cao tại xã Phú Tân và phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.
Năm là: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, củng cố, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện địa hóa.
Sáu là: Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phục vụ của hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở.
Địa phương sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hành chính công; thực hiện công khai các thủ tục, các văn bản trên trang thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân truy cập, tìm hiểu; xây dựng chính quyền trong sạch và vững mạnh phục vụ tốt nhân dân.
Bảy là: Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, kết hợp với triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước xây dựng huyện Tân Phú Đông thành khu vực phòng thủ vững chắc.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
MINH THÀNH (thực hiện)