Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Vị Thủ tướng của đổi mới
“Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đặt sự ổn định của nền kinh tế lên hàng đầu, quyết định nào của ông cũng được tính toán rất kỹ lưỡng. Ông luôn quan tâm đến vấn đề nợ công, đặc biệt, ở thời của ông không có chuyện lợi ích nhóm, chuyện sân sau và không có tình trạng các công trình được xây lãng phí, bừa bãi”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - người đã có nhiều năm làm việc và gắn bó với Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã tâm sự với DĐDN như vậy ngay sau khi biết tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP HCM.
- Là thành viên trong tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông có nhận định và đánh giá như thế nào về cuộc đời và sự nghiệp của cố thủ tướng Thủ tướng Phan Văn Khải?
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng kỹ trị với phong thái làm việc chuyên nghiệp. Ở cương vị như Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ, ông là người đã cải tổ lại Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xây dựng nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đặt sự ổn định của nền kinh tế lên hàng đầu, quyết định nào cũng được tính toán rất kỹ lưỡng. Thời của Phó Thủ tướng, ông luôn quan tâm đến vấn đề nợ công, đặc biệt, không có chuyện lợi ích nhóm, chuyện sân sau và không có tình trạng các công trình được xây lãng phí, bừa bãi.
Chúng ta đều biết khi ông nhậm chức, kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính (1997), gây áp lực rất lớn lên Việt Nam. Lúc bấy giờ đồng Baht của Thái Lan mất giá gần 100% (từ 25 Baht/USD lên 50 Baht/USD) và họ phải nhờ đến IMF, thế nhưng nền kinh tế của chúng ta trong thời điểm bấy giờ đã giữ được sự ổn định và tăng trưởng.
Hơn cả, chính Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người có cống hiến to lớn cho kinh tế nước nhà trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra Quốc hội.
- Ông có thể kể rõ hơn về quá trình Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trình Luật Doanh nghiệp ra Quốc hội vào năm 1999?
Trên thực tế, đây chính là bộ luật giải phóng cho kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân có được sự thay đổi lớn như hôm nay.
Tôi còn nhớ trước kia theo Luật Công ty 1990 thì doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Hồi đấy, ông Đinh Hạnh làm Phó Chủ tịch Hà Nội thường dành riêng chiều thứ 7 để họp. Mỗi chiều, ông thông qua được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân.
Nhìn nhận hạn chế này, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là người công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, điều này đồng nghĩa với việc “quyền lợi” của Chủ tịch tỉnh bị cắt bỏ.
Thế nhưng, Luật này khi được ban hành thì phía dưới các Bộ chẳng ai thực hiện cả. Ban Nghiên cứu, lúc đó Trưởng ban là anh Trần Đức Nguyên, đã trình với Thủ tướng cho lập Tổ công tác của Thủ tướng và giao cho Tổ ấy đi đôn đốc, kiểm tra các Bộ, làm rõ lý do vì sao lại không thực hiện.
Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác của Thủ tướng đã phát hiện ra trong nền kinh tế có tồn tại từ 560 - 580 giấy phép con. Chúng tôi trình lên và anh Khải đã ký quyết định giấy hủy 268 giấy phép đấy, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép chỉ bằng một quyết định. Điều này đã làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng và phát triển mạnh mẽ.
Song song với sự ra đời Luật Doanh Nghiệp, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn hết sức coi trọng và rất muốn là thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền. Để làm được điều này, Nguyên Thủ tướng Phan lập Ban nghiên cứu, trước khi ký một nghị định, một quyết định nào cũng đều gửi cho Ban nghiên cứu xem trước.
- Trong những lần làm việc với Cố Thủ tướng, kỉ niệm nào hay ấn tượng nào khiến ông ấn tượng nhớ nhất, thưa ông?
Một điểm đặc biệt khác của cố Thủ tướng khiến tôi vô cùng ấn tượng đó là ông nhất định không lập các tập đoàn kinh tế bởi không muốn lập ra các thực thể quá lớn để rồi không kiểm soát được chúng. Cố Thủ tướng quan niệm rằng, phải có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch thì mới lập, nếu chưa có thì chưa lập vội.
Ngoài ra, cố Thủ tướng còn là người lập ra Tổ công tác của Thủ tướng, là người đầu tiên đối thoại với kinh tế tư nhân, giải quyết những vướng mắc của kinh tế tư nhân.
Đó là về công việc, còn ở góc độ con người, góc độ anh em, cố Thủ tướng đối xử với anh em trong Ban nghiên cứu hết sức thân tình. Đến mức, chúng tôi thường gọi anh ấy là “anh Sáu Khải”. Ban nghiên cứu mỗi trưa thứ 6 đều có bữa ăn nhẹ nhàng. Trong bữa ăn, ông Tổ trưởng trình bày công việc và các thành viên góp ý kiến. Anh Khải có khi đến ăn cơm, nghe và góp ý kiến với anh em. Có việc gì là ông hỏi luôn ở đấy. Và lúc bấy giờ là nói chuyện mày tao rất vui vẻ.
Ông còn là người rất thân tình, chu đáo, đối xử với anh em rất trọng thị và đặc biệt tỉnh táo trong việc nghe các ý kiến. Cái phẩm chất quan trọng của anh Khải là anh nói ít làm nhiều, đồng thời không có tự đề cao mình.
- Vậy, có khi nào Ban nghiên cứu và Cố Thủ tướng có quan điểm ngược nhau không? Lúc đó, Ban nghiên cứu và Cố Thủ tướng làm gì để giải quyết vấn đề?
Có chứ, dĩ nhiên là khi làm việc cũng có lúc quan điểm của Cố Thủ tướng và Ban nghiên cứu có sự khác biệt. Nhưng điều quan trọng là khi chúng tôi can ngăn thì Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã dừng lại, không ký nữa.
Có thể nói, những điều Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định thì đều có căn cứ, cân nhắc, làm một cách bài bản chứ không có lợi ích nhóm. Thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không có chuyện lợi ích nhóm, sân sau; không có chuyện tiếp doanh nghiệp ở nhà; không có chuyện ban ngày thảo luận với Tổ tư vấn nhưng ban đêm lại tiếp doanh nghiệp và quyết ngược lại…
Thời của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cân đối ngân sách rất chặt chứ không có câu chuyện tiêu xài hoang phí, xây dựng tràn lan. Nhiều người hỏi tôi sao thời ông Khải xây được ít công trình thế, tôi bảo riêng việc vượt qua khủng hoảng kinh tế đã rất vất vả rồi chứ nói gì viêc xây dựng. Thủ tướng Khải rất nghiêm trong những vấn đề này, không có phép chi tiêu lãng phí.
Con người Cố Thủ tướng, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng đối với đất nước đều rất đáng quý. Ông đã để lại một nền kinh tế khác hẳn trước, mở cửa thị trường, hội nhập, xuất khẩu tăng trưởng, kinh tế tư nhân năng động. Hồi đó không khí cứ bừng bừng, niềm tin trong dân rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo enternews.vn)