Các bậc cha mẹ hãy quan tâm đến con em nhiều hơn
Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy diễn biến khá phức tạp. Khi số lượng người nghiện ma túy trong cộng đồng ngày càng tăng thì đòi hỏi phải có biện pháp cai nghiện, giúp đỡ, quản lý hiệu quả, đặc biệt là phải có biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm. Xung quanh vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Rô, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy - Công an tỉnh cho biết:
Tình hình người nghiện ma túy cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp. Người sử dụng ma túy ngày càng tăng. Cả nước hiện có hơn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, riêng ở Tiền Giang có khoảng 4.800 người.
Nếu như trước đây đa số người sử dụng ma túy ở các đô thị, thì hiện nay người sử dụng ngày càng trẻ hóa và lan rộng đến các vùng nông thôn, chủ yếu sử dụng các loại ma túy tổng hợp (còn gọi ma túy đá), không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân, gia đình người nghiện, mà còn gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự (ANTT), kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Do mưu sinh, một số bậc cha mẹ mãi lo kinh tế mà thiếu quan tâm, thậm chí không quan tâm, chăm lo, nhất là đối với các mối quan hệ xã hội của con cái. Từ đó, nhiều em đã ham chơi bỏ học, bỏ việc làm, tụ tập theo bạn xấu, rồi dần dần sa vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, trong đó nhiều em trở thành người nghiện ma túy.
* Phóng viên (PV): Hiện nay, có nhiều gia đình, khi lực lượng Công an thông báo mới biết con em mình nghiện ma túy, trong khi những biểu hiện khác thường vẫn diễn ra hằng ngày trong gia đình. Vậy Thượng tá cho biết một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết người nghiện ma túy?
* Thượng tá Trần Văn Rô: Tùy theo loại ma túy, mức độ và thời gian sử dụng mà có những biểu hiện khác nhau. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong giúp đỡ người sử dụng từ bỏ ma túy.
Vì vậy, đừng bỏ qua một số biểu hiện cơ bản như sau: Chểnh mảng, lười học tập, lười lao động, xao lãng công việc; buồn vui bất thường, căng thẳng thần kinh, ảo giác, ứng xử không bình thường; nói dối, tìm mọi cách để xin tiền cha mẹ, người thân hay lấy đồ trong nhà đem cầm, bán…
Về những biểu hiện bên ngoài như: Hay ngáp bất chợt, mắt đỏ, đồng tử giãn, mắt đảo qua đảo lại, hay chảy nước mắt, hay gãi trên người do ngứa ngáy, mất ngủ, ít ăn và sút cân, có lối sống lượm thượm, không vệ sinh… Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu thêm qua Internet hoặc tài liệu tuyên truyền của các cơ quan chức năng…
* PV: Khi phát hiện người thân nghiện ma túy, thân nhân gia đình nên làm gì?
* Thượng tá Trần Văn Rô: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Cách tốt nhất là không để con em vướng vào ma túy. Bằng tình thương yêu, sự dạy dỗ, quản lý chặt chẽ, kịp thời uốn nắn, nhắc nhở khi con em chơi chung bạn xấu, tránh bị rủ rê, lôi kéo. Định hướng cho con em rèn luyện, tu dưỡng.
Từng cá nhân cần nêu cao ý thức học tập, làm việc, sống lành mạnh và có ích. Khi phát hiện người có biểu hiện nghiện ma túy, phải kiên quyết chấn chỉnh kịp thời. Phát hiện càng sớm thì có cơ hội cai nghiện càng hiệu quả. Vì vậy, cần thiết phải trình báo cơ quan Công an để kịp thời xử lý, không để tình hình trở nên phức tạp.
* PV: Ngoài sự quản lý của gia đình, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy làm gì để đẩy lùi tệ tệ nạn ma túy, thưa Thượng tá?
* Thượng tá Trần Văn Rô: Trước tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy các cấp tiếp tục tham mưu các cấp ủy, chính quyền cùng cấp để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả.
Thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để nắm tình hình, phát hiện kịp thời, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng trồng, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy. Phối hợp quản lý số người nghiện tại địa phương, giúp họ cai nghiện có hiệu quả và không có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Công an tỉnh về thực hiện điểm “Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” trong năm 2018; qua đó, tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình này trong thời gian tới.
* PV: Xin cảm ơn Thượng tá!
V. HẬU (thực hiện)