Mạnh tay trừng phạt nạn "sân trước, sân sau"
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để chặn đứng tình trạng sân trước, sân sau, tránh thất thoát tài sản nhà nước sau cổ phần hóa, cần phải mạnh tay trừng phạt về mặt hành chính và tài chính.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để chặn đứng tình trạng sân trước, sân sau, cũng như thất thoát tài sản nhà nước sau cổ phần hóa thì cần phải mạnh tay trừng phạt về mặt hành chính và tài chính. |
- Những hiện tượng xảy ra ở DNNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, có tình trạng lãnh đạo có sân trước sân sau rất nhiều, không những một sân trước mà còn có tới 3, 4 sân trước và thậm chí có tới 13, 14 sân sau. Là chuyên gia nghiên cứu nhiều năm về DNNN, ông có thể chỉ rõ những biểu hiện của thực trạng sân trước, sân sau trong quá trình cổ phần hóa?
-Trong quá trình cổ phần hóa, người chủ sở hữu lại đồng thời là cơ quan chủ quản. Vì vậy, cơ quan đấy ra quyết định cổ phần hóa cũng lại ra luôn quyết định về giá, họ cũng không thực hiện đấu thầu một cách công khai, minh bạch, thậm chí chẳng cần thông báo trước theo luật trước ít nhất 3 tháng sẽ cổ phần hóa và bán cổ phần với giá này, giá kia. Vì không có thông báo nên người dân không biết và người lao động cũng bị bất ngờ. Cho nên mới dẫn đến tình trạng sân trước, sân sau, lợi ích nhóm, chia chác cho nhau trong việc cổ phần hóa. Và người thiệt hại là nhà nước, ngân sách nhà nước, còn người được lợi là một nhóm lợi ích.
- Việc lãnh đạo DNNN, thậm chí lãnh đạo bộ ngành có doanh nghiệp sân trước, sân sau trong lĩnh vực quản lý của mình sẽ làm méo mó môi trường kinh doanh ra sao và bòn rút tài sản công như thế nào, thưa ông?
- Nó sẽ làm méo mó một cách hết sức nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp của Hãng phim truyện Việt Nam.Với 2.000 m2 đất bên cạnh Hồ Tây được định giá 0 đồng, tức là không được một đồng xu nào cả. Đây là điều rất nghiêm trọng, vì DNNN thay cho việc phải cạnh tranh một cách lành mạnh và có hiệu quả thì lại chủ yếu chăm lo vào việc có được một nhóm lợi ích và được sự bao che của một cấp nào đó. Từ đây dẫn đến thất thoát và làm hạn chế trong quá trình cổ phần hóa DNNN của chúng ta.
- Thưa ông, qua số liệu từ kiểm toán Nhà nước đã cho thấy một điều, dường như ở một số DNNN công tác kiểm soát nội bộ hình như đang bị tê liệt. Ông có bình luận gì về thực tế này?
- Việc kiểm toán đã phát hiện ra những thiếu sót trong việc định giá và trên cơ sở đó tôi nghĩ rằng cần phải đẩy mạnh việc kiểm toán và cần phải đẩy mạnh vai trò giám sát độc lập của các tổ chức như công đoàn, hiệp hội kiểm toán, báo chí…
·
- Thực trạng sân trước, sân sau đã được các chuyên gia và bản thân ông đã nói đến từ lâu, nhưng theo ông nguyên nhân vì sao đến nay vẫn chưa thể khắc phục được?
-Không khắc phúc được bởi vì thiếu cơ quan giám sát, thiếu người chịu trách nhiệm cá nhân về những thất thoát của DNNN. Vì vậy, mới dẫn đến tình trạng đấy. Như tôi đã nói, nhược điểm lớn nhất của cổ phần hóa DNNN của Việt Nam là không có luật về cổ phần hóa. Tất cả các nước đều có luật về cổ phần hóa, bởi vì cổ phần hóa liên quan đến một số lượng tài sản rất lớn của nhà nước. Và vì vậy, rất cần có sự giám sát của Quốc hội, các ĐBQH.
Tuy nhiên, Việt Nam đã cổ phần hóa DNNN mấy chục năm nay nhưng vẫn không có luật cổ phần hóa, điều này dẫn đến giá đất được định như thế nào, ai là cơ quan thẩm định và trách nhiệm của hội đồng thẩm định ra sao thì không rõ ràng. Từ đây dẫn đến tình trạng bán như cho, còn người thẩm định cũng không chịu trách nhiệm.
- Như vậy, ở tầm vĩ mô thì cần phải có luật cổ phần hóa. Còn với giải pháp trước mắt, ông có cho rằng khi Thủ tướng đã chỉ rõ tình trạng sân trước, sân sau và lợi nhóm thì các cơ quan liên quan dứt khoát phải tìm cho ra cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng này và xử lý triệt để hay không, thưa ông?
- Rõ ràng các cá nhân và đơn vị phải chịu trách nhiệm, phải có trách nhiệm giải trình, phải công khai, công bố theo đúng các lịch trình như trước khi cổ phần hóa phải công bố ít nhất 90 ngày trên mạng, thông báo cho báo chí biết bán cổ phần giá bao nhiêu, ai được mua và mỗi người được mua bao nhiêu cổ phần…
Trên cơ sở công khai, minh bạch như vậy thì cũng cần có sự giám sát độc lập của các cơ quan liên quan.
Thực tế, báo chí đã chỉ ra các sai phạm và đều rất “ghê gớm”, thế nhưng xử lý thì lại quá nhẹ, chỉ kiểm điểm và rút kinh nghiệm.
Cho nên, theo tôi cần phải xử lý theo thiệt hại đã gây ra và theo mức độ vi phạm. Cần phải kỷ luật, thậm chí trừng phạt nghiêm khắc về mặt hành chính và tài chính. Nếu vi phạm có tính chất hình sự thì phải đưa ra tòa và truy tố trước pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!
" Thời gian vừa qua việc xác định giá trị doanh nghiệp cho thấy còn có nhiều bất cập khiến tình trạng thất thoát vốn nhà nước sau cổ phần hóa vẫn diễn ra. Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, kiểm toán Nhà nước xác định giá trị của 7 doanh nghiệp đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Năm 2017 kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm tại 6 doanh nghiệp và cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân mỗi doanh nghiệp này làm thất thoát trên 1.000 tỷ đồng nếu không kiểm toán lại. Và nếu việc này được triển khai sớm hơn khoảng 10 năm chắc sẽ chặn đứng được dòng chảy thất thoát tài sản nhà nước.
(Theo enternews.vn)