.
Giám đốc Sở NN và PTNT Tiền Giang:

Hệ thống cống, đập phát huy tác dụng tốt

Cập nhật: 14:40, 23/10/2018 (GMT+7)

Trong đợt triều cường kết hợp với lũ ở các huyện phía Tây vừa qua, hệ thống cống, đập ở khu vực này đã cho thấy tác dụng trong việc bảo vệ hàng ngàn ha vườn cây ăn trái, lúa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, bằng nhiều nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và vốn đóng góp của nhân dân, tỉnh đã đầu tư rất nhiều công trình thủy lợi cơ bản để đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, ngăn lũ, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua…phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Việc đầu tư hệ thống đập đã bảo vệ được nhiều diện tích cây ăn trái. 	                                                                                                                                                                                                                                                    Ảnh: SĨ NGUYÊN
Việc đầu tư hệ thống đập đã bảo vệ được nhiều diện tích cây ăn trái. Ảnh: SĨ NGUYÊN

* Phóng viên (PV): Trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư rất nhiều cống, đập... phục vụ ngăn mặn ở phía Đông và ngăn lũ ở phía Tây, đồng chí đánh giá thế nào về các công trình này?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Trên địa bàn tỉnh có 4 vùng dự án là: Vùng Dự án kiểm soát lũ gồm vùng Bắc Đông, Cái Bè, Tây Cai Lậy, Đông Cai Lậy và phần phía Tây Quốc lộ 60 - Quốc lộ 1A của vùng Bảo Định, với diện tích tự nhiên 139.230 ha; trong đó, diện tích canh tác 89.125 ha.

Vùng Dự án Bảo Định gồm phần phía Đông Quốc lộ 1A - Quốc lộ 60 đến kinh Chợ Gạo - kinh Kỳ Hôn, diện tích tự nhiên 19.900 ha; trong đó, diện tích canh tác 16.948 ha.

Vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công gồm phía Đông kinh Kỳ Hôn - kinh Chợ Gạo đến đê Biển Đông, diện tích tự nhiên 54.400 ha; trong đó, diện tích canh tác 45.558 ha.

Vùng Dự án Cù lao Lợi Quan gồm khu vực các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông của huyện Tân Phú Đông, diện tích tự nhiên 10.053 ha; trong đó, diện tích canh tác 9.457ha.

Tỉnh Tiền Giang có hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn chỉnh,  với 13 kinh chính, chiều dài 206,68 km; 94 kinh cấp 1 với chiều dài 912,14 km; 277 kinh cấp 2 với chiều dài 1.080 km; 1.893 kinh cấp 3 với chiều dài 3.632 km và 258 cống, 1.175 cống đập bán kiên cố. Sau khi được đầu tư và đưa vào sử dụng, các cống, đập đã phát huy rất tốt nhiệm vụ ngăn mặn, ngăn lũ, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua… đúng theo mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành phục vụ sản xuất cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác phối hợp với địa phương trong việc thông tin vận hành công trình chưa được thường xuyên, thiếu kiểm tra, giám sát. Công tác vận hành thiếu chủ động, đặc biệt là chủ động xổ xả nước trong kinh ra ngoài trước thời đoạn dự báo có mưa lớn.

Hệ thống công trình thuộc Dự án Bảo Định chưa được đầu tư hoàn thiện, nhiều khu vực còn bỏ ngỏ (phía Tây rạch Bảo Định) nên việc điều tiết mực nước nội đồng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những lúc mưa lớn và kéo dài trên diện rộng; một số công trình sử dụng lâu năm đã xuống cấp chưa được nâng cấp sửa chữa. Tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch, đê bao ngày càng tăng về số lượng và quy mô...

* PV: Nhiều hệ thống cống, đập… được đầu tư đã lâu và đang bị xuống cấp, tỉnh có chủ trương nâng cấp, sửa chữa các cống, đập này như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Đối với hệ thống cống nằm trong các vùng dự án khép kín (Dự án Ngọt hóa Gò Công, Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, Dự án Bảo Định, Dự án Đông - Tây Ba Rài và Dự án Cái Bè - Trà Lọt), tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý.

Hằng năm, từ nguồn thủy lợi phí cấp bù của Trung ương phân bổ về tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch đặt hàng giao kinh phí quản lý, vận hành cho công ty, trong đó có kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống, đập.

Việc đưa hệ thống đập vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rất lớn.
Việc đưa hệ thống đập vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rất lớn.

Đối với hệ thống cống, đập không nằm trong các vùng dự án khép kín, tỉnh phân cấp giao huyện thực hiện quản lý, vận hành. Để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các cống, đập bị xuống cấp, hằng năm bằng các nguồn kinh phí khác nhau như: Dự phòng ngân sách, thủy lợi phí cấp bù, cây lúa nước…, tỉnh đã phân bổ và giao cho địa phương chủ động sử dụng để thực hiện nâng cấp, sửa chữa và đầu tư hệ thống cống, đập.

* PV: Để bảo vệ vườn cây ăn trái, diện tích lúa…, tỉnh cần có thêm những hệ thống đê, đập như thế nào để giúp nông dân?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Để bảo vệ vườn cây ăn trái, diện tích lúa của nông dân hiện nay và trong thời gian tới, trước mắt các địa phương chủ động rà soát lại hệ thống cống, đập bị xuống cấp, rò rỉ, sụp lún; hệ thống đê bao, bờ bao chưa khép kín, có nguy cơ sạt lở để có kế hoạch duy tu, nâng cấp, sửa chữa, đầu tư để kịp thời đảm bảo ngăn được lũ và triều cường.

Hiện nay, rất nhiều tuyến, ô đê bao bị xuống cấp, sụt lún do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Xói mòn do mưa, nền đất yếu, triều cường kết hợp với sóng của ghe tàu gây sạt lở…

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương hằng năm có khảo sát, đánh giá hiện trạng đê điều trên địa phương để làm cơ sở xây dựng kế hoạch trung hạn cho việc nâng cấp các tuyến, ô bao nhằm đảm bảo ngăn lũ và triều cường.

Về lâu dài, căn cứ Quy hoạch Thủy lợi tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3210 ngày 11-12-2013, ngành Nông nghiệp sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, cũng như tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương tham mưu cho tỉnh từng bước đầu tư hoàn thiện các hệ thống ô bao (đê bao, cống, đập,..) theo quy hoạch đã được duyệt.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.