Cần phát hiện, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng
(ABO) Vào những tháng cuối năm 2018 và gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ án giết người với thủ đoạn dã man, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự cũng như gây ra dư luận hoang mang trong người dân. Xung quanh vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an (CA) tỉnh Tiền Giang trao đổi:
Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang |
+ Phóng viên: Với vai trò là nòng cốt trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng, Công an tỉnh Tiền Giang đã có những biện pháp nào?
+ Đại tá Nguyễn Văn Tảo: Công an tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh tội phạm có tổ chức; Kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các băng, nhóm, sử dụng hung khí đâm, đánh nhau gây rối trật tự công cộng và các kế hoạch chuyên đề khác có liên quan; trong đó, tập trung các mặt công tác trọng tâm sau:
Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm từ cơ sở; trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng các Tổ hòa giải tại cơ sở nhằm nắm bắt tình hình, phát hiện và giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân ngay từ ban đầu, nhất là những mâu thuẫn trong gia đình (ghen tuông tình cảm vợ chồng), trong tranh chấp đất đai, giữa các nhóm thanh, thiếu niên... ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực dẫn đến các vụ án giết người. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... không để tội phạm sử dụng gây án.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác điều tra khám phá, xử lý tội phạm giết người đề xuất xử lý, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan, sai, sót lọt tội phạm. Đồng thời, phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp chọn một số vụ án giết người được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra xét xử lưu động nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe tội phạm.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi côn đồ, càn quấy, nhất là các băng, nhóm tội phạm sử dụng vũ khí để giải quyết các mâu thuẫn; ngăn chặn các vụ, việc xô xát, mâu thuẫn bộc phát khi tham gia giao thông dễ dẫn đến hành vi phạm tội.
Quán bar nơi xảy ra vụ án mạng vào ngày 17-4-2019. Ảnh: baoapbac.vn |
+ Phóng viên: Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và hạn chế tội phạm giết người xảy ra, lực lượng Công an có những khuyến cáo gì?
Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và hạn chế tội phạm giết người xảy ra, lực lượng Công an tỉnh nhà đề xuất với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và nhân dân, như sau:
Chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể ở cơ sở như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổ Nhân dân tự quản, Tổ An ninh công nhân... cần phát huy vai trò gần dân, sát dân, xây dựng mối quan hệ cộng đồng gắn kết để loại trừ nguyên nhân xã hội của những vụ giết người.
Mỗi ban, ngành cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức về chấp hành pháp luật, giữ gìn đạo đức xã hội của mỗi người. Ngoài ra, phải nắm được tình hình an ninh trật tự, quan tâm đến từng hộ dân trên địa bàn quản lý, có biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình, hoặc phối hợp với gia đình giáo dục, khuyên nhủ thanh, thiếu niên hư, phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng, giữ gìn tinh thần đoàn kết, ngăn chặn kịp thời hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy các đơn vị, địa phương nhận thức vai trò, trách nhiệm về thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, quy chế phối hợp liên tịch đã ký kết trong phòng, chống tội phạm lồng ghép với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Đồng thời, tổ chức duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình "Câu lạc bộ quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội", "Tổ phụ nữ không có ma túy và tội phạm" của Hội Liên hiệp Phụ nữ; "Câu lạc bộ pháp luật”... đã thu hút nhiều hội viên, quần chúng tham gia.
Các phương tiện truyền thông, tổ chức xã hội, ban, ngành hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội như báo chí, truyền thanh, truyền hình, các tổ chức vì lợi ích cộng đồng cần có trách nhiệm hơn trong hoạt động đưa tin cũng như tổ chức các chương trình xã hội để nâng cao đạo đức, lối sống của cộng đồng để thực sự loại bỏ nguyên nhân sâu xa của các vụ án giết người dã man, chấn động dư luận. Tránh tình trạng đưa thông tin các vụ trọng án một cách chụp giật, thiếu chính xác nhằm câu khách, gây hoang mang trong dư luận xã hội hoặc nguy hại hơn vô tình cổ súy cho tư duy lệch lạc, thích bạo lực trong một bộ phận quần chúng, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên hư.
Gia đình, nhà trường và xã hội giữ vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Bởi vậy, việc phòng ngừa phải là sự vào cuộc của toàn xã hội, ngay từ mỗi gia đình bằng cách tăng cường quản lý con em mình và sâu xa hơn là giáo dục đạo đức, lối sống, nhất là kiềm chế khí chất nóng nảy trong tính cách cá nhân, không để gây ra hậu quả đáng tiếc.
Đối với người dân trong quan hệ giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn phải ứng xử có văn hóa, hợp tình hợp lý, tránh sử dụng bạo lực gây ra hậu quả đáng tiếc.
+ Phóng viên: Cảm ơn đại tá.
PHÙNG LONG
(thực hiện)