Thi đua là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) trên tất cả các lĩnh vực bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, thiết thực.
Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc phỏng vấn Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức xoay quanh nội dung trên.
* Phóng viên: Thưa đồng chí, phong trào TĐYN và công tác thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) của tỉnh trong năm qua đạt được những kết quả nổi bật gì so với mục tiêu đề ra?
* Đồng chí Trần Thanh Đức: Năm 2018, tình hình kinh tế trong nước nói chung và của tỉnh Tiền Giang nói riêng có nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động thấp, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, dịch bệnh trên lúa, gia súc, gia cầm, thủy sản, đặc biệt là tình hình sạt lở và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; giá cả hàng hóa không ổn định…
Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, của Tỉnh ủy cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả thuận lợi.
Năm qua, phong trào TĐYN và công tác khen thưởng của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cụm, khối thi đua hoạt động theo quy chế và hướng dẫn của Hội đồng TĐ-KT tỉnh; xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở cho việc suy tôn, khen thưởng được chính xác.
Phong trào thi đua của các cụm, khối thi đua gắn với phong trào “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).
Từ các phong trào TĐYN đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh trao cờ thi đua năm 2018 cho các đơn vị. |
Công tác tuyên truyền về phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới được các cụm, khối thi đua chú trọng, kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để biểu dương khen thưởng, phổ biến, nhân rộng, làm nòng cốt cho phong trào.
Ngoài thực hiện khen thưởng thường xuyên, việc khen thưởng đột xuất cũng được quan tâm, kịp thời động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, hành động dũng cảm trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh truy quét tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự…
Nổi bật trong năm 2018 là kết quả thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động gồm:
- Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”: Trong năm 2018, toàn tỉnh có 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, lũy kế đến nay có 60 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 41,7% tổng số xã trên địa bàn tỉnh.
- Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”: Trong năm 2018, toàn tỉnh có 731 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký mới 3.654 tỷ đồng (tăng 48,3% so cùng kỳ); có 37 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác được thành lập mới.
- Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Các ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, góp phần cải thiện cuộc sống. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm; đến nay toàn tỉnh còn 19.680 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,41%, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Từ các phong trào TĐYN đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: THU HOÀI |
* Phóng viên: Thưa đồng chí, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TĐ-KT trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế gì cần được khắc phục?
* Đồng chí Trần Thanh Đức: Qua tổng kết đánh giá, công tác TĐ-KT cũng còn những hạn chế cần khắc phục như: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác TĐ-KT chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục; nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chạy theo thành tích.
Việc khen thưởng từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, chưa chính xác và còn cào bằng. Hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức thi đua chậm đổi mới. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời và chưa thường xuyên.
Vai trò của các tổ chức, đơn vị thực hiện công tác thi đua ở cơ sở chưa phát huy mạnh mẽ. Các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức công tác bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tỷ lệ khen thưởng cho công nhân, người lao động trực tiếp còn thấp.
* Phóng viên: Năm 2019, phong trào TĐYN trên toàn tỉnh cần tập trung vào những nội dung quan trọng nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Thanh Đức: Thi đua có vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào TĐYN, thời gian tới tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 34 ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tỉnh sẽ tiếp tục phát động sâu rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Quyết tâm phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2019; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế; tập trung cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Cùng với đó là đổi mới, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Hội đồng TĐ-KT các cấp, các ngành đối với công tác TĐ-KT; trong đó, chú trọng tổ chức đăng ký và ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị trong cụm, khối thi đua, các cơ quan, đơn vị và địa phương, khuyến khích đăng ký thi đua bằng công trình, sản phẩm, các sáng kiến và mô hình tiên tiến.
Các cấp, các ngành, các đoàn thể cần tổ chức phát động phong trào thi đua cụ thể, sâu rộng đến cơ sở; nội dung thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng vào mục tiêu kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong sạch vững mạnh.
Đồng thời với đó là phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng kịp thời các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phong trào TĐYN; chú trọng khen thưởng những chiến công, hành động dũng cảm, những sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến hữu ích, các tài năng trẻ, các tổ hợp tác, hợp tác xã và người lao động trực tiếp...
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀI THU (thực hiện)