Cách tiêu hủy heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi
Mặc dù tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn dịch tả heo châu Phi từ rất sớm, nhưng dịch vẫn xảy ra và đang có xu hướng lây lan. Ngành chuyên môn đã tiêu hủy hàng trăm con heo mắc bệnh, với số lượng hàng chục tấn. Giờ đây, biện pháp tiêu hủy như thế nào cho hợp lý được đặt ra nhằm hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trí Đông cho biết, đối với trường hợp phát hiện heo, sản phẩm thịt heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi thì ưu tiên xử lý tại chỗ, gần khu vực chăn nuôi nhất.
* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, hiện nay dịch tả heo châu Phi đã gây chết cho nhiều đàn heo trên địa bàn tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn gì trong việc tiêu hủy những đàn heo này?
* Đồng chí Nguyễn Trí Đông: Đối với biện pháp chôn lấp, người chôn heo phải đào hố, lót đáy, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ 1 kg vôi/m2, cho bao xác động vật xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt.
Yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu 0,5 - 1 m, lớp đất phủ lên bao chứa phải dày ít nhất 1 m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào trong gây sụt, lún hố chôn. Sau đó, ngành chức năng phải tiến hành phun khử trùng lên trên và xung quanh khu vực hố chôn.
Lưu ý, hố đào có kích thước phải phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật cần chôn. Theo đó, 1 tấn động vật cần chôn thì hố chôn phải có kích thước chiều sâu 1,5 - 2 m, rộng 1,5 - 2 m và dài 1,5 - 2 m.
Đối với biện pháp đốt, cần đào hố cho bao chứa xác động vật, sản phẩm động vật vào hố, sau đó đốt bằng củi, than, rơm, rạ, xăng, dầu… Khi đốt xong thì lấp đất lại, nện chặt; cần khử trùng lên bề mặt và quanh khu vực hố đốt.
* PV: Tuy vậy, khi xảy ra dịch với số lượng lớn hoặc đại dịch thì phải xử lý như thế nào?
* Đồng chí Nguyễn Trí Đông: Trường hợp xảy ra đại dịch, các vị trí chôn lấp ở địa phương không đảm bảo về số lượng, ngành chức năng chuyển về bãi rác Tân Lập (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước) để xử lý. Trường hợp bãi rác Tân Lập quá tải, bãi rác Long Chánh (xã Long Chánh, TX. Gò Công) cũng được lựa chọn để xử lý.
* PV: Để tránh tình trạng lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi, việc thu gom và vận chuyển heo bệnh đến nơi tiêu hủy như thế nào cho hợp lý, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Trí Đông: Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi phải có sàn kín để không làm rơi vải chất thải trên đường vận chuyển. Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mang dịch bệnh phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy. Lưu ý, người tham gia vào việc vận chuyển heo bệnh cần được vệ sinh, sát trùng để tránh tình trạng lây lan.
* PV: Sau khi xử lý heo bệnh chết bằng cách chôn hoặc đốt, việc quản lý các hố chôn này như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Trí Đông: Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại UBND cấp xã. Ngành Tài nguyên và Môi trường đề nghị giao UBND cấp xã quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ, xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi hôi ở các hố chôn; theo dõi cảnh quan đối với môi trường đất, các nguồn nước và không khí xung quanh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố.
Nội dung này nên được thực hiện hằng ngày trong vòng 1 tuần và hằng tuần từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 12 sau khi chôn lấp. Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng cần lấy mẫu giám sát môi trường đất, nước, không khí để phân tích, đánh giá độ an toàn của hố chôn lấp, thời gian lấy mẫu sau 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày kể từ ngày chôn lấp.
* PV: Nhân công chôn heo bệnh không có chuyên môn, ngành chức năng thiếu giám sát… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc chôn lấp không đúng cách, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh?
* Đồng chí Nguyễn Trí Đông: Các hố chôn không đúng cách thường có các biểu hiện: Lún, sụt, rò rỉ nước bẩn ra môi trường bên ngoài, gây mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng cảnh quan, lan truyền dịch bệnh, nổ khí làm ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước và ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, sản xuất của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng cần phong tỏa, khống chế các tác nhân gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ra môi trường xung quanh; nhanh chóng gia cố lại hố chôn để khống chế các yếu tố trên; sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc các hóa chất khử mùi để ngăn chặn khả năng phát tán mùi ra bên ngoài, tạo rãnh phong tỏa xung quanh hố chôn…
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)