.
GIÁM ĐỐC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRẦN VĂN DŨNG::

Hướng tới xây dựng chính quyền chủ động tương tác với người dân

Cập nhật: 08:44, 13/08/2019 (GMT+7)

 

Trao đổi về Chỉ số Quản trị điện tử, một trong những chỉ số thành phần mới được đề cập trong Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 và kết quả Chỉ số Quản trị điện tử mà Tiền Giang đạt được, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Dũng cho biết:

Quản trị điện tử là chỉ số nội dung mới trong các Chỉ số PAPI 2018, nhằm mục đích đánh giá hiệu quả cung cấp thông tin về chính sách và quy trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công qua nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) của các cấp chính quyền. Chỉ số nội dung này cho biết đánh giá của người dân về 2 khía cạnh mang tính tương tác của Chính quyền điện tử: Mức độ sẵn có và sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp. Một trong những nội dung chính của Chỉ số Quản trị điện tử này là người dân tham gia vào Chính phủ điện tử, trong đó bao gồm các tiêu chí như mức độ sẵn có về thông tin, tham vấn cho người dân và tham gia của người dân vào tiến trình ra quyết định.

* Phóng viên (PV): Nguyên nhân vì sao Chỉ số Quản trị điện tử của Tiền Giang có điểm số thấp, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Không riêng Tiền Giang, đa số mức điểm Chỉ số Quản trị điện tử của các tỉnh, thành khác đạt được năm 2018 rất thấp, dao động trong khoảng từ 1,93 đến 4,24 điểm (trên thang điểm từ 1 đến 10).

Trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm triển khai ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp thể hiện qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh (tiengiang.gov.vn) và rất nhiều các cổng thành phần, với nhiều nội dung cơ bản đáp ứng theo quy định Nghị định 43/2011 của Chính phủ và Cổng dịch vụ hành chính công (dichvucong.tiengiang.gov.vn) cung cấp đầy đủ các dịch vụ công cho phép người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về Chính quyền điện tử, Cổng TTĐT tỉnh, dịch vụ công trực tuyến trên Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang và Hệ thống truyền thanh cơ sở hằng năm.

Hơn nữa, thời gian qua Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang đã được nâng cấp, thay đổi công nghệ, thay đổi giao diện để hỗ trợ tốt hơn cho người dùng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Nghị định 43/2011 ngày 13-6-2011 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang TTĐT, Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước. Như vậy, mức độ sẵn có về thông tin trên Cổng TTĐT của tỉnh là tương đối đầy đủ, cung cấp đầy đủ biểu mẫu, thông tin về các TTHC liên quan, cũng như sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá rất cao thông qua Chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT hằng năm, liên tục 3 năm liền gần đây Tiền Giang lọt tốp 10 tỉnh, thành mức độ cao).

Tuy nhiên, qua kết quả trên cho thấy, tỷ lệ người sử dụng Cổng TTĐT, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của chính quyền khi thực hiện TTHC còn rất thấp. Số người sử dụng Cổng TTĐT, dịch vụ công trực tuyến thấp hơn nhiều so với tỷ lệ người dùng Internet. Một phần người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi nộp hồ sơ trực tuyến, còn hạn chế về trình độ, khả năng sử dụng CNTT của người dân. Ngoài ra, người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có đầy đủ trang thiết bị CNTT, đường truyền Internet để tham gia nộp hồ sơ trực tuyến.

Chính quyền điện tử là hướng đi tất yếu hiện nay.
Chính quyền điện tử là hướng đi tất yếu hiện nay.

* PV: Đồng chí có thể cho biết một số giải pháp để cải thiện chỉ số này trong thời gian tới?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Sự cần thiết của Chính phủ điện tử và quản trị điện tử đã được Việt Nam đặt ra là một trong những ưu tiên của quốc gia trước yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo tiếp cận thông tin của người dân qua các kênh chính quyền điện tử.

Điểm của cả 2 nội dung thành phần trong Chỉ số Quản trị điện tử năm 2018 ở mức rất khiêm tốn cho thấy, các cấp chính quyền cần cải thiện và tăng cường phổ biến, hướng dẫn tuyên truyền đưa các nội dung thiết thực cho dân biết qua Cổng TTĐT, từ đó người dân biết đến và sử dụng Cổng TTĐT và các dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn. Đồng thời, với điểm số thấp cũng có nghĩa chính quyền các cấp và người sử dụng cần quan tâm hơn nữa để phát triển Chính quyền điện tử, thúc đẩy tương tác giữa chính quyền và công dân qua mạng Internet. Với sự gia tăng nhanh chóng số người dùng Internet ở địa phương, đây là cơ hội lớn để chính quyền các cấp và người dân tăng cường tương tác trực tuyến, cải thiện hiệu quả hoạt động công vụ, tăng cường công khai, minh bạch, giảm bớt chi phí, kể cả chi phí không chính thức.

Trong thời gian tới, để đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó của người dân cần có các giải pháp vừa tổng thể vừa cụ thể nhằm thúc đẩy cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn thực hiện quản trị công và cung ứng dịch vụ công theo nguyên tắc chính quyền phục vụ, lấy người dân là trung tâm như: Các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở; chính quyền địa phương chủ động tiếp thu và phản hồi ý kiến của công dân, trước hết chính quyền phải hiện diện trên Internet, cán bộ, công chức, viên chức là lực lượng đầu tiên sử dụng các dịch vụ trên Internet, là công chức, viên chức điện tử khi giao dịch với chính quyền từ đó lan tỏa ra đến công dân điện tử; hướng tới xây dựng chính quyền chủ động tương tác với người dân qua nền tảng Internet, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu đổi mới giao diện để Cổng TTĐT và dịch vụ công trực tuyến thân thiện với người dùng, từ đó người dân biết tới sự tồn tại của chúng và sử dụng thường xuyên hơn.
Tiền Giang triển khai Đề án Chính quyền số, trên cơ sở số hóa các dịch vụ của tất cả các hoạt động chính quyền các cấp diễn ra hằng ngày, tiến tới việc số hóa tất cả các ngành, lĩnh vực (xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, hộ tịch hộ khẩu, số hóa hồ sơ đất đai, hồ sơ y tế, giáo dục, khoa học, nghiên cứu, thương mại...) hình thành Chính quyền điện tử - Chính quyền số, trong đó chú trọng các lĩnh vực ưu tiên phục vụ cho dân; đưa vào áp dụng công nghệ dữ liệu lớn trong các lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân, phòng, chống tội phạm, nông nghiệp, giao thông vận tải và quản lý phòng, chống thiên tai... hỗ trợ trong việc triển khai các lợi ích cho người dân. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, đổi mới phương pháp tuyên truyền về Chính quyền điện tử, Cổng TTĐT, dịch vụ công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp.

Ngoài tuyên truyền qua báo đài, các kênh tuyên truyền đại chúng sẽ triển khai tuyên truyền, phổ biến chủ động các nội dung mà người dân quan tâm đến từng người dân thông qua phần mềm trên thiết bị di động thông minh (Mobi app). Qua ứng dụng này, người dân có thể giám sát các hoạt động chính quyền, phản ánh đến chính quyền các cấp và nhận kết quả, phản hồi trên thiết bị di động thông minh mọi lúc mọi nơi.

Trên cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ, nội dung công việc trên sẽ từng bước cải thiện, nâng cao sự tương tác của chính quyền với công dân trên môi trường điện tử; chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực quản lý, ưu tiên lấy người dân làm trung tâm phục vụ, từng bước xây dựng Chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.