Thi đua - khen thưởng hướng về cơ sở, kịp thời, thiết thực
Thời gian qua, phong trào thi đua của các cấp, các ngành đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Tiền Giang. Đây là kết quả từ việc thực hiện hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng (TĐ-KT) theo phương châm hướng về cơ sở, kịp thời, thiết thực. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban TĐ-KT tỉnh Tiền Giang Huỳnh Anh Tuấn xung quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa trao Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang cho Trường Chính trị. Ảnh: VĂN THẢO |
* Phóng viên (PV): Năm 2019 khép lại với nhiều kết quả tích cực trong công tác TĐ-KT, xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về những kết quả đạt được?
* Đồng chí Huỳnh Anh Tuấn: Năm 2019, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đổi mới của UBND tỉnh, sự hưởng ứng tích cực và nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, an sinh xã hội, trật tự trị an tiếp tục được giữ vững. Những kết quả đạt được có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) của tỉnh.
Cụ thể, phong trào TĐYN và công tác TĐ-KT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cụm, khối thi đua hoạt động theo quy chế và hướng dẫn của Hội đồng TĐ-KT tỉnh; xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở cho việc suy tôn, khen thưởng được chính xác.
Các phong trào thi đua tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền về phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến được các cụm, khối thi đua chú trọng hướng về cơ sở, kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để biểu dương khen thưởng, nhân rộng, làm nòng cốt cho phong trào thi đua.
Ngoài thực hiện khen thưởng thường xuyên, việc khen thưởng đột xuất cũng được quan tâm, kịp thời động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, hành động dũng cảm trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh truy quét tội phạm…
Việc tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có tác dụng động viên, khích lệ kịp thời, được dư luận xã hội đồng tình.
Nổi bật trong năm 2019 là kết quả thực hiện 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và 6 chuyên đề thi đua do UBND tỉnh phát động gồm: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong năm, tỉnh đã ra mắt thêm 32 xã nông thôn mới (NTM), vượt 9 xã so kế hoạch năm 2019, đến nay toàn tỉnh có 92/144 xã đạt chuẩn NTM, đạt 63,88%. Huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông đang thực hiện lập quy hoạch vùng huyện để phấn đấu đạt tiêu chí huyện NTM. Tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Mỹ Tho hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Còn phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” ban hành chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; Kế hoạch chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp… Trong năm 2019, có 621 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có 28 doanh nghiệp chuyển đổi lên từ hộ kinh doanh, đến nay toàn tỉnh có 5.775 doanh nghiệp hoạt động.
Tiếp đến là phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,51%...; tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm cho 20.144 người lao động; đã đưa 300 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đạt 200% so với kế hoạch năm, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Các chế độ, chính sách cho người có công được triển khai thực hiện chu đáo và kịp thời, nhất là vào các ngày lễ lớn trong năm. Và cuối cùng là phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động và ban hành Kế hoạch giai đoạn 2019 - 2025, các cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện.
Ngoài ra, cùng với thực hiện 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã phát động 6 chuyên đề thi đua với nhiều hình thức đa dạng gồm: Thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính”, thi đua “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, thi đua “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, thi đua “Phòng, chống dịch bệnh”, thi đua “Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước” và thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Các phong trào thi đua tập trung vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, nhiều chuyên đề thi đua được nhân dân đồng tình hưởng ứng và đạt kết quả tích cực.
* PV: Đổi mới luôn là điều được chú trọng trong công tác TĐ-KT, đồng chí có thể cho biết công tác
TĐ-KT thời gian qua đã đổi mới như thế nào và còn khó khăn, hạn chế gì không, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Anh Tuấn: Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh hiện nay, công tác TĐ-KT càng phải không ngừng đổi mới. Thời gian qua, các ngành, các cấp đã có quan tâm đổi mới. Các cấp ủy Đảng xác định công tác TĐ-KT là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để thực hiện tốt chủ trương, Nghị quyết của Đảng; công tác tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua từng bước được kịp thời, sát với thực tế.
Từng phong trào thi đua đề ra chỉ tiêu cụ thể sát với nhiệm vụ đã thu hút đông đảo các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Việc khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động được quan tâm, có sự chuyển biến rõ nét...
Tuy nhiên, phong trào thi đua tuy có bước chuyển biến nhưng chưa đồng đều; một số địa phương có biểu hiện thiếu quan tâm đến công tác TĐ-KT, chưa phát huy cao vai trò, vị trí của Hội đồng TĐ-KT, chủ yếu giao cho bộ phận phụ trách TĐ-KT.
Một số chuyên đề thi đua tuy được các ngành, các cấp và các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, nhưng thiếu đôn đốc thực hiện và chưa khen thưởng kịp thời. Còn cán bộ, công chức chưa thật sự toàn tâm toàn ý đối với công việc, nên vẫn còn phản ảnh, không hài lòng trong nhân dân.
* PV: Năm 2020, Tiền Giang tiếp tục hành động với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, theo đồng chí, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức triển khai như thế nào để bảo đảm thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua?
* Đồng chí Huỳnh Anh Tuấn: 2020 là năm có nhiều sự kiện như: Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội TĐYN tỉnh Tiền Giang lần thứ VI, Đại hội TĐYN toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó cần tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT, tập trung vào những nơi, những địa phương có phong trào thi đua chưa đều, chưa tốt; đẩy mạnh các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trong đó, phong trào thi đua xây dựng NTM thì chú ý xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao; phong trào thi đua Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển thì chú ý vào phong trào thi đua ở các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã.
Trong đổi mới công tác TĐ-KT cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng số lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tiếp tục xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tác phong chuyên nghiệp, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ban TĐ-KT tỉnh sẽ đồng hành cùng các đơn vị để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là trong việc phát hiện các gương người tốt, việc tốt...
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀI THU (thực hiện)