Doanh nhân không thể giữ mãi tư duy cũ
Vinh dự 2 lần được trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm Trần Đỗ Liêm đã chia sẻ những cảm nhận cũng như áp lực của doanh nhân trong giai đoạn hiện nay:
Xưởng đóng tàu của HTX Rạch Gầm. |
Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu là giải thưởng cao quý nhất của giới doanh nhân Việt Nam hiện nay. Để được trao tặng danh hiệu này phải được thông qua Hội đồng thẩm định Quốc gia, 3 năm mới xét thưởng 1 lần và mỗi lần chỉ trao cho 100 doanh nhân.
Trong khi đó, hiện nay cả nước có khoảng 750.000 doanh nghiệp và 24.000 HTX, chưa kể khoảng 5 triệu hộ sản xuất - kinh doanh có quy mô lớn.
Một trong những thách thức lớn của “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” phải là người đứng đầu đơn vị có quy mô, có đủ tầm vóc, quản lý theo mô hình hiện đại, có thời gian đứng vững trên thương trường nhiều năm, bởi đây không phải là thành tích đột xuất, ngắn hạn, mà là kết quả của một chặng đường sản xuất - kinh doanh lâu dài, có tính lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Do vậy, khi được nhận danh hiệu cao quý trên, trách nhiệm trên vai doanh nhân càng lớn; bởi việc giữ danh hiệu này không hề đơn giản, trong khi đó thời gian tiếp theo còn phải làm gì để tiếp tục dẫn dắt doanh nghiệp đi tiếp con đường sản xuất, kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng đối với một doanh nhân.
* Phóng viên (PV): Điều này buộc HTX Rạch Gầm cũng không ngừng chuyển động?
* Ông Trần Đỗ Liêm: Chúng ta đang sống trong thời kỳ thế giới biến đổi rất nhanh, đặc biệt là Nhà nước đang chuyển sang công nghệ số, việc thực hành, sản xuất theo hình thức cổ điển cùng với công nghệ số nếu phát huy tốt sẽ có cơ hội bứt phá đi lên và càng có niềm tin để bước tiếp.
Theo xu thế này, từ quý I-2019 lãnh đạo HTX Rạch Gầm đã có kế hoạch chuyển dần quản lý đơn vị theo hướng số hóa, chậm nhất đến giữa năm 2020 phải hoàn thành từ việc theo dõi hành trình, vận hành đơn vị, tổ chức giao nhận hàng hóa đến thanh toán với khách hàng và nghiên cứu thị trường.
Với tinh thần trên, từ nền tảng hiện có như tin học hóa quản lý, theo tiêu chuẩn ISO, thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền, sản phẩm chất lượng quốc gia, báo cáo, nộp thuế qua Internet, kiểm toán độc lập hằng năm…, HTX sẽ thực hiện 100% hóa đơn điện tử, thiết lập theo dõi điều hành vận tải thông qua hệ thống giám sát hành trình, nâng cấp quản lý đơn vị để số hóa tất cả các công việc đối nội và đối ngoại tiến tới mục tiêu “Rạch Gầm đang hướng đến mục tiêu đổi mới hiện đại hoàn toàn”.
Sau thời gian phát triển mạnh mẽ về mặt tổ chức, kinh tế, HTX Rạch Gầm đã và đang hướng đến mục tiêu xây dựng đơn vị văn hóa toàn diện; đó là tàu, đoàn tàu văn hóa, con người văn hóa, doanh nhân văn hóa và cuối cùng là HTX văn hóa tầm quốc gia.
Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây HTX Rạch Gầm cũng không thể mở rộng, phát triển được mà phải tìm cơ hội mới, đặc biệt là đối với ngành vận tải thủy nội địa ven biển, cũng như chuỗi hệ thống logictics.
Bởi, hiện nay chi phí logictics của Việt Nam còn chiếm tỷ lệ rất cao (vào khoảng 21% - 23% GDP) trong khi ở một số nước chỉ chiếm 12% - 13%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, HTX Rạch Gầm đang cùng với một số đơn vị liên quan đến vận tải như: Cảng, bến bãi, giao nhận, bốc, xếp, thủ tục... kết nối thực hiện một số đoạn trong chuỗi logictics, tức là tiếp nhận hàng hóa từ nơi sản xuất đến tận người tiêu dùng, kể cả trong nước và quốc tế
* PV: Vậy đâu là rào cản, thách thức của HTX Rạch Gầm?
* Ông Trần Đỗ Liêm: Rào cản, thách thức đối với HTX Rạch Gầm tất nhiên là có và chúng tôi cũng đã nhận ra. Đầu tiên là chất lượng nguồn nhân lực. Để số hóa được quản lý, vận hành phương tiện qua Internet cần đội ngũ nhân viên, thuyền viên có kỹ năng tốt, muốn vậy phải cần đào tạo bổ sung kiến thức cho họ.
Thứ hai là việc số hóa không phải ai cũng làm được mà phải tuân thủ nguyên tắc bản quyền, liên kết với đối tác, cần nhiều người tham gia nên nguồn nhân lực bắt buộc cũng phải có kỹ năng cập nhật.
Tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cạnh tranh gay gắt, không mang lại nguồn thu nhập tốt sẽ rất khó tuyển được nhân lực giỏi.
Bên cạnh đó, HTX Rạch Gầm cũng cần có quy mô từ vừa đến lớn mới khuyến khích và tác động mạnh đến sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, lôi kéo đối tác tham gia chuỗi liên kết vận tải.
* PV: Tất nhiên, tư duy doanh nhân cũng cần phải đổi mới?
* Ông Trần Đỗ Liêm: Điều này hoàn toàn chính xác. Doanh nhân hiện nay dù thông minh cũng không thể mang tư duy cũ tham gia thị trường hiện đại. Đặc biệt, trên thị trường đang có đội ngũ đa ng tham gia lập nghiệp, khởi nghiệp với độ tuổi từ 25 - 40 khá lớn và được tiếp cận với nhiều công nghệ mới.
Do đó, nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có tư duy mới, kém nhạy bén, thiếu đội ngũ nhân viên tài giỏi sẽ bị tụt hậu và không thể mang đến thành công.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)