.
CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHÂU THÀNH HUỲNH VĂN BÉ HAI:

Nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, giảm thiểu thiệt hại từ xâm nhập mặn

Cập nhật: 16:22, 23/03/2020 (GMT+7)
 

Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Châu Thành nói riêng đang diễn biến phức tạp, độ mặn tăng cao, lấn sâu vào nội đồng từ 3 hướng: Cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ và đặc biệt là sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) độ mặn tăng đột biến làm ảnh hưởng từ TP. Mỹ Tho đến Mỹ Thuận. Từ đó, xâm nhập mặn lấn sâu vào đến kinh Nguyễn Văn Tiếp, nghiêm trọng nhất là đoạn từ vàm kinh Nguyễn Tấn Thành đến vàm Ba Rài, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là các xã ven sông Tiền như Phú Phong, Bàn Long, Kim Sơn, Hữu Đạo… của huyện Châu Thành. Ứng phó với tình hình xâm nhập mặn nghiêm trọng này như thế nào, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết:

Được sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, xã đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn, hướng dẫn người dân hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây trồng.

Ngoài ra, huyện, xã còn tuyên truyền, điều chỉnh lượng nước sinh hoạt để những hộ ở khu vực xa nguồn nước có nước sạch để sinh hoạt bằng các giải pháp cụ thể như: Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khẩn trương trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên tất cả các tuyến kinh trên địa bàn xã quản lý, thực hiện xong trước ngày 1-3-2020 và đến nay đã thực hiện xong.

UBND huyện đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch 234 ngày 19-9-2019 về phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn huyện; trang bị cho xã, thị trấn từ 2 đến 3 máy đo độ mặn và thường xuyên đo độ mặn để thông tin trên Đài Truyền thanh xã cho người dân biết chủ động lấy, trữ nước tưới cây trồng khi độ mặn cho phép; tổ chức tập huấn, tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm thông qua các lớp tập huấn phun xịt nước cho cây theo kỹ thuật quy định.

Huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã kiểm tra tất cả các cống có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ nước ngọt trên địa bàn huyện; đề xuất phương án xử lý, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các xã thực hiện một số giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân như: Thành lập tổ quản lý dùng nước, phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên; thường xuyên tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết về việc sử dụng nước sinh hoạt đúng mục đích, tiết kiệm.

Huyện còn chỉ đạo các xã phối hợp với đơn vị cấp nước tổ chức kiểm tra kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân, cho hộ dân cam kết sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích, không sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung, nước từ các đơn vị cấp nước sinh hoạt để tưới cây trồng làm thiếu nước sinh hoạt của người dân. Đồng thời, lập biên bản hộ dân vi phạm sử dụng nước sinh hoạt tưới cho cây trồng, nếu hộ dân cố tình vi phạm phải có biện pháp xử lý hành chính; phối hợp với đơn vị cấp nước bố trí những vòi nước công cộng phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân; có phương án và vận hành phương án cấp nước hiệu quả; cam kết cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân.

* Phóng viên (PV): Thế hiệu quả từ những giải pháp ứng phó với hạn, mặn của huyện đến thời điểm hiện tại như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai: Hiện tại 174 cống, đập trên địa bàn huyện đã được đóng kín, một số đập lớn như: Đập kinh Nguyễn Tấn Thành, đập kinh Thuộc Nhiêu, đập rạch Ông Hổ, kinh Sáu Ầu - Xoài Hột đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt. Huyện đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư kinh phí thi công đập kinh 26-3 trên địa bàn xã Vĩnh Kim và 5 công trình (sửa chữa cửa cống) nhằm ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn huyện. Đến nay, có 3.800 m3 nước đã được cấp cho các hộ dân để tưới cho sầu riêng ở các xã: Phú Phong, Bàn Long, Hữu Đạo, Kim Sơn, với diện tích 605 ha. Huyện, xã tiếp tục cấp nước cho người dân từ ngày 13-3 đến ngày 30-4-2020. Theo thống kê, trên địa bàn một số xã có xảy ra thiệt hại do hạn, mặn, chủ yếu là rau, màu nhưng diện tích không đáng kể.

* PV: Những giải pháp tiếp theo trong thời gian tới là gì, đặc biệt đối với vườn cây ăn trái các xã ven sông Tiền, thưa đồng chí?

* Đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai: Thời gian tới, huyện sẽ theo dõi dự báo xâm nhập mặn để mở cống đập đưa nước ngọt vào mương vườn. Huyện sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân phun thuốc, bón phân các chất điều hòa sinh trưởng cây trồng để tăng khả năng hấp thụ nước, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng; sử dụng các loại cỏ dại, lục bình, rơm, lá dừa đắp gốc cây để hạn chế mất nước do thoát bốc hơi. Cùng với đó là vận động người dân tích cực làm tốt công tác thủy lợi, nạo vét kinh, mương vườn để trữ nước; lưu ý người dân không nên sử dụng nước giếng khoan để tưới cho cây trồng, cần dành nguồn nước này cho sinh hoạt.

UBND huyện Châu Thành đã lập phương án cấp nước phục vụ tưới cho 619,33 ha sầu riêng trên địa bàn huyện, với 6 điểm trữ nước trên địa bàn các xã: Hữu Đạo, Bàn Long, Phú Phong. Đến nay, có 3 điểm cấp nước cho người dân đã đi vào hoạt động là tại rạch Miễu, hộ ông Lê Văn Đông (thuộc ấp Long Trị, xã Bàn Long) và tại chân cầu Phú Phong (xã Phú Phong). Đến thời điểm hiện tại, 3 điểm này trên đã nhận 6.000 m3 nước, đã cấp phát 4.000 m3 nước cho khoảng 1.000 hộ dân.

Huyện tiếp tục thực hiện phương án Cấp nước phục vụ tưới cây sầu riêng, với lượng nước cung cấp 56.846 m3, tưới cho 619,33 ha sầu riêng đến ngày 30-4-2020. Huyện đã đề xuất UBND tỉnh và các ngành tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí vận chuyển nước phục vụ các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện như sa pô, vú sữa. Huyện cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước tỉnh tăng cường công suất cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn các xã Phú Phong, Bàn Long, Kim Sơn… để đảm bảo các khu vực cuối nguồn có nước sạch phục vụ sinh hoạt. Đồng thời, huyện xem xét đề xuất UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp bổ sung hoặc đầu tư mới trạm cấp nước ở một số nơi xa trạm cấp nước hiện hữu; kiến nghị tỉnh hỗ trợ, tận dụng máy bơm xả mặn trên kinh Nguyễn Tấn Thành (do tỉnh quản lý) để bơm thêm nước từ nguồn nước trong đập kinh Nguyễn Tấn Thành cho người dân trong khu vực xã Song Thuận và ấp Đông (xã Kim Sơn) nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

DUY SƠN (thực hiện)

.
.
.