Tập trung các giải pháp nâng chất lượng giáo dục và đào tạo
Mạng lưới trường lớp không ngừng khang trang, chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng lên rõ rệt…, đó là những kết quả phấn khởi của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phát huy những thành quả đạt được, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ vững và nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nói về kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Huyện ủy viên, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Võ Văn Dũng cho biết:
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về GD-ĐT, Phòng GD-ĐT huyện đã triển khai thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp, góp phần to lớn vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ qua.
Trong nhiệm kỳ qua, cơ sở trường lớp được mở rộng theo hướng kiên cố hóa đạt chuẩn về cơ sở vật chất. |
* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đâu là những kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT huyện Châu Thành trong nhiệm kỳ 2015 - 2020?
* Đồng chí Võ Văn Dũng: Với sự vào cuộc quyết liệt, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, công tác chăm lo, phát triển sự nghiệp GD-ĐT trong nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Chất lượng giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) đạt 99,89%, tăng 0,32%. Huyện cũng đã thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp nghề đạt 85%.
Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước, nhiều học sinh đạt thành tích cao qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Toàn huyện đã giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Huyện rất quan tâm đến việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay toàn huyện có 34/62 trường được công nhận đạt chuẩn, đạt 54,8%.
Trong nhiệm kỳ qua, cơ sở trường lớp được mở rộng theo hướng kiên cố hóa đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Công tác xã hội hóa giáo dục được nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia hưởng ứng, qua quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài. Cũng trong nhiệm kỳ qua, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh giáo dục toàn diện.
Các trường có điều kiện về cơ sở vật chất đã phân công, bố trí giáo viên giảng dạy theo nhóm môn, dạy 2 buổi/ngày; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và các hoạt động, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cũng còn một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục có nâng lên nhưng chưa đồng bộ giữa các trường, học sinh bỏ học trong năm học và trong hè ở một số trường THCS còn cao, ảnh hưởng đến công tác phổ cập trong nhà trường.
* PV: Để nâng cao chất lượng GD-ĐT trong thời gian tới, ngành đã triển khai các giải pháp nào?
* Đồng chí Võ Văn Dũng: Trong nhiệm kỳ tới, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục quán triệt các quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thường xuyên tham mưu với Huyện ủy và UBND huyện tiếp tục chỉ đạo để đưa sự nghiệp GD-ĐT huyện không ngừng phát triển, nhất là trên lĩnh vực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Toàn ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản trị nhà trường. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi nhà trẻ 15%, mẫu giáo 85%, tiểu học 99,8%, THCS 99% và đạt 75% trường đạt chuẩn quốc gia.
Có 6 nhiệm vụ, giải pháp được ngành đưa ra: Một là, tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng về GD-ĐT, nhất là phải quán triệt sâu sắc quan điểm Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Hai là, tập trung công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng trong nhà trường.
Ba là, thực hiện đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông, tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-DT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Bốn là, tham mưu đề xuất đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trang bị đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học.
Năm là, các trường quan tâm tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ; tăng cường và nâng cao vai trò hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường. Sáu là, trong từng năm học quan tâm chỉ đạo các trường thực hiện tốt phong trào thi đua với những nội dung trọng tâm, có sơ kết, đánh giá trong từng giai đoạn, cuối học kỳ và cuối năm học,
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐỖ PHI (Thực hiện)