Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Người đại biểu cần theo đến cùng vụ việc
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang tới gần. Các ứng cử viên đang tham gia tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử để có được sự tín nhiệm của cử tri, trở thành người ĐB của nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu |
Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm ĐBQH, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để trở thành người ĐB xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri.
- Phóng viên: Vinh dự là ĐBQH 6 khóa liên tục (VI, VII, VIII, IX, X và XI), chắc hẳn bà có rất nhiều kỷ niệm. Đâu là dấu ấn bà nhớ nhất trong suốt quá trình hơn 30 năm làm ĐB dân cử?
* Bà NGUYỄN THỊ HOÀI THU: Hơn 30 năm (1976 - 2007) làm ĐBQH để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Đầu tiên là hành trình từ tỉnh Tiền Giang (nơi tôi trúng cử) ra thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên bước chân vào Hội trường Ba Đình lịch sử. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, thời gian tuy ngắn nhưng lại ghi đậm dấu ấn khi Quốc hội quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước, đó là đặt tên nước là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quyết định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô và đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TPHCM.
Với tôi, khóa X (1997-2002) là khóa để lại nhiều kỷ niệm. Tại kỳ họp thứ nhất, tôi được ĐBQH bầu vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phân công phụ trách công tác dân nguyện. Điều đặc biệt là không có Ban Dân nguyện hay Ủy ban Dân nguyện như các ủy ban khác của Quốc hội, mà là Vụ Dân nguyện thuộc Văn phòng Quốc hội. Thế là “một người cùng với một vụ” - Vụ Dân nguyện! Nhưng tôi luôn tâm niệm là Đảng phân công, Quốc hội giao việc thì mình cố gắng làm, dù biết rằng rất khó khăn.
- Suốt nhiều năm là ĐBQH, làm cách nào bà có thể hài hòa “việc nước, việc nhà”: làm tốt việc gia đình và nhiệm vụ của một ĐB dân cử?
* Sắp xếp hài hòa công việc gia đình và nhiệm vụ làm ĐB dân cử là khó khăn chung của nữ ĐB dân cử. Hài hòa - nói thì dễ nhưng làm rất khó. Mỗi nữ ĐB dân cử tự tìm sự tương thích với mỗi hoàn cảnh. Gia đình tôi cũng có hoàn cảnh đặc biệt: chồng tôi là con trai út trong gia đình, mẹ chồng lớn tuổi.
Trong khi đó, tôi là con một, mẹ đã mất, cha vừa tập kết về làm việc trong ngành y. Trước ngày giải phóng miền Nam, vợ chồng tôi công tác ở hai địa phương khác nhau, sinh được 3 con nhưng phải gởi người dân nuôi, cũng như nhờ mẹ chồng và cha tôi phụ giúp. Năm 1978, vợ chồng tôi được 2 tỉnh ủy cử đi học ở Hà Nội. Tưởng như vậy là khó khăn lắm rồi. Nhưng tôi lại “gánh thêm” nhiệm vụ ĐB của dân (6 khóa ĐBQH, 3 khóa ĐB HĐND tỉnh).
Khi làm ĐBQH chuyên trách từ khóa IX đến khóa XI, toàn bộ thời gian công tác của tôi là ở Quốc hội. Do đó, sắp xếp giữa công việc cơ quan và gia đình là rất khó. Thế nhưng, may mắn và hạnh phúc nhất của tôi trong 31 năm làm ĐB là luôn nhận được sự sẻ chia của mọi người trong gia đình.
Tôi cho rằng, để làm một phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì cần làm dân vận khéo. Và dân vận không đâu xa, mà cần dân vận ngay từ chính gia đình mình đến cơ quan mình. Có gia đình ủng hộ, có cơ quan chia sớt công việc thì người nữ ĐB mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Hiện nay, các ứng cử viên đang tập trung cho vận động bầu cử để có được sự tín nhiệm của cử tri. Theo bà, các ứng cử viên cần chú trọng điều gì để được cử tri tín nhiệm và trở thành người ĐB xứng đáng của nhân dân?
* Để trở thành người ĐB của dân và vì dân, người ĐB phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của mình. Điều quan trọng với người ĐB nhân dân là luôn phải gần dân, lắng nghe dân; từ đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng và cả những bức xúc của người dân rồi có bản lĩnh phản ánh tới nghị trường, tới các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời. Không phải vụ việc nào cũng được giải quyết ngay đâu, có cả những vụ việc kéo dài. Lúc này, rất cần sự quyết liệt đeo bám của các ĐB. Chỉ có đi đến cùng, theo đến cùng vụ việc và hướng giải quyết của các cơ quan chức năng, người ĐB mới có thể có câu trả lời thỏa đáng nhất khi đối diện với cử tri.
Đồng thời, người ĐB cần tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp. Tài liệu trong các kỳ họp rất nhiều, các ĐB cần có kỹ năng đọc, nghiên cứu tài liệu và mạnh dạn phát biểu ý kiến, nói lên tâm tư nguyện vọng của cử tri. Cùng với đó, ĐB cần có bản lĩnh chất vấn, tranh luận làm rõ vấn đề để có những quyết sách có lợi cho quốc kế dân sinh. Là thành viên các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH khi tham gia thẩm tra dự án, luật cần phản biện góp phần khắc phục nhược điểm “ngành làm luật cho ngành”, để tránh việc luật chưa có hiệu lực đã sửa đổi, bổ sung.
"Từng là ĐB của nhân dân, điều tôi trăn trở nhiều nhất là vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến Quốc hội. Thư từ rất nhiều nên tôi trao đổi với các đồng nghiệp trong Vụ Dân nguyện cần phân loại đơn thư, rồi đọc và bày tỏ quan điểm, chính kiến của người giúp việc cho Quốc hội. Tôi ký tên và gởi đến các nơi có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Bằng cách này, số lượng khiếu nại, tố cáo giảm dần do đơn thư được gửi đến đúng “địa chỉ” để giải quyết. Với những vụ nổi cộm đã được giải quyết nhiều lần mà vẫn còn khiếu nại, chúng tôi đi giám sát tận nơi, nhằm góp phần đem lại công lý cho người khiếu nại" Nguyễn Thị Hoài Thu |
Theo sggp.org.vn