Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày bầu cử
Chỉ còn 4 ngày nữa cả nước sẽ bước vào ngày hội lớn: Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang cho biết, đến thời điểm này, Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày bầu cử.
Đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang. |
* PHÓNG VIÊN (PV): Xin đồng chí khái quát lại những công tác chuẩn bị bầu cử mà tỉnh Tiền Giang đã thực hiện thời gian qua?
* Đồng chí Nguyễn Chí Trung: Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về bầu cử của của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tỉnh Tiền Giang đã kịp thời xây dựng và triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành để tổ chức công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các kế hoạch, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời ban hành và triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở từng địa phương.
Nhìn chung, trong quá trình tổ chức triển khai và thực hiện công tác bầu cử, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt công tác bầu cử để đảm bảo mọi điều kiện thực hiện thành công cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các tổ chức phụ trách bầu cử ở tỉnh Tiền Giang đã được thành lập theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể, đã thành lập các Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; thành lập 3 Ban bầu cử ĐBQH và 22 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh; 100 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.155 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; thành lập 1.461 tổ bầu cử, trong đó bao gồm 20 Tổ bầu cử độc lập của Chỉ huy đơn vị vũ trang thành lập. Qua theo dõi, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đều được thành lập đảm bảo thẩm quyền, thời hạn và số lượng theo quy định.
Ủy ban MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tổ chức xong 3 hội nghị hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 14 người ứng cử ĐBQH khóa XV trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, 100 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 604 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 7.431 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.
Trên cơ sở danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử các cấp đã ban hành Nghị quyết về việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo từng đơn vị bầu cử.
Việc lập và niêm yết danh sách cử tri, danh sách người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp tại từng đơn vị bầu cử và tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử được thực hiện đúng theo luật định.
* PV: Đồng chí có đánh giá về chất lượng ứng cử viên ĐBQH khóa XV và ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang?
* Đồng chí Nguyễn Chí Trung: Qua 3 lần hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã chọn lựa, lập danh sách chính thức 8.150 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhìn chung, tất cả người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị chọn lựa kỹ lưỡng trước khi giới thiệu ứng cử và việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đều đánh giá cao về năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, từ đó thể hiện sự tín nhiệm cao (đạt tỷ lệ trên 50% cử tri tham dự), đây là cơ sở rất quan trọng đảm bảo đúng quy định pháp luật để lựa chọn giới thiệu những người tiêu biểu nhất đưa vào danh sách chính thức ứng cử viên.
Từ kết quả trên, có thể khẳng định, những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều có đầy đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi trúng cử, đáp ứng được kỳ vọng và sự mong mỏi của cử tri tinh nhà.
Đến hết ngày 13-5, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử đã ngưng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử theo quy định. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tiếp nhận 10 đơn, thư phản ánh; trong đó, 5 đơn, thư có ghi tên họ người phản ánh và 5 đơn, thư không ghi tên họ người phản ánh. Các đơn, thư này đã được chuyển đến các cơ quan chức năng để đề nghị giải quyết.
* PV: Để ngày bầu cử 23-5-2021 diễn ra an toàn, đạt kết quả tốt, đồng chí có đề nghị, lưu ý gì đối với Ủy ban bầu cử các cấp?
* Đồng chí Nguyễn Chí Trung: Tôi đề nghị Ủy ban Bầu cử các cấp, thành viên các ủy ban, ban và tổ bầu cử trong tỉnh tập trung cao độ tinh thần và trách nhiệm phục vụ tốt cho ngày bầu cử 23-5-2021. Trong đó, lưu ý những phần việc quan trọng:
Tiếp tục đầy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử. Thông báo thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu và địa điểm niêm yết danh sách cử tri. Tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền về bầu cử, tập trung cao điểm tuyên truyền thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ hội của các đoàn thể và tổ nhân dân tự quản.
Tập trung kiểm tra thường xuyên công tác bầu cử tại các xã (phường, thị trấn), các khâu phục vụ ngày bầu cử tại các tổ bầu cử và điểm bỏ phiếu, kể cả kiểm tra công tác an ninh, bảo vệ ngày bầu cử.
Thời điểm kết thúc bầu cử phải đúng 19 giờ ngày 23-5-2021 theo luật định. Các tổ bầu cử có đủ số lượng cử tri trong danh sách đi bầu vẫn phải duy trì hoạt động đến đúng 19 giờ ngày 23-5-2021 để phục vụ nhu cầu của cử tri vãng lai.
Về thực hiện các thủ tục về kết quả bầu cử, tôi lưu ý: Việc kiểm phiếu phải thực hiện đúng quy trình theo luật định, đảm bảo minh bạch, công khai. Tiến hành lập biên bản xác định kết quả bầu cử ĐBQH khóa XV ở đơn vị bầu cử gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia và kết quả bầu cử đại biểu HĐND gửi về Ủy ban Bầu cử, Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp. Ủy ban Bầu cử tiến hành công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu HĐND cùng cấp. Cuối cùng là lập biên bản kết thúc cuộc bầu cử.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THỦY HÀ (thực hiện)