.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH và 3 chữ 'An' bao phủ

Cập nhật: 14:41, 05/02/2022 (GMT+7)

Bước sang năm mới Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành có “3 chữ An”. Trong đó, chữ an đầu tiên là an sinh, thứ hai là an dân và thứ 3 là an toàn. “3 chữ An” này sẽ bao trùm đầy đủ nhiệm vụ của ngành trong năm 2022 và góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19.

a
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh về nhiệm vụ xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao phủ, bền vững - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Chia tay năm Tân Sửu, đón Năm Mới Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những trăn trở sau một năm ngành LĐTB&XH nỗ lực vượt bậc trong bảo đảm an sinh xã hội, triển khai "thần tốc" những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Những chính sách chưa có tiền lệ

Năm 2021 là năm đất nước trải qua nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, đảm bảo an sinh xã hội đã thể hiện được vai trò quan trọng khi là một trong ba trụ cột chính để phát triển kinh tế-xã hội. Để có được thành quả đó, xin Bộ trưởng chia sẻ về những chính sách hỗ trợ kịp thời được ra đời "thần tốc" đã thực hiện trong năm 2021?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới, Bộ LĐTB&XH đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.

Chỉ trong 4 tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Tất cả các chỉ tiêu đề ra trong hai nghị quyết đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Đến nay, chúng ta đã giải ngân hơn 76.000 tỷ đồng hỗ trợ và số người được thụ hưởng trên 44 triệu người. Nếu như hàng năm chúng ta chỉ có thể hỗ trợ đặc biệt, đột xuất cho khoảng 1 triệu người thì năm nay đã hỗ trợ tới hơn 44 triệu người.

Từ những kết quả đã đạt được, với vai trò "tư lệnh" ngành, Bộ trưởng còn trăn trở điều gì để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong năm 2022?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong năm vừa qua, anh chị em cán bộ, nhân viên trong ngành, nhất là ở 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, thực sự đã có nhiều tuần, nhiều tháng không về nhà. Việc đưa từng túi gạo, túi an sinh tới người dân, trong dịch bệnh, phong tỏa… đều không dễ dàng gì nhưng như TPHCM, việc giải ngân hàng chục nghìn tỷ đã hoàn thành chỉ trong thời gian rất ngắn. Tuy vậy, toàn ngành dù rất cố gắng nhưng mỗi cá nhân cũng tự nhận thấy vẫn còn nhiều điều mong muốn và nhiều việc chưa làm được.

Riêng tôi, vẫn còn day dứt và băn khoăn nhất ba vấn đề. Một là sau thời gian ứng phó với dịch bệnh chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững. Mạng lưới an sinh này phải để thực hiện được 3 mục tiêu: Phòng ngừa; giảm thiểu và ngăn chặn được các rủi ro cho người lao động, người dân.

Thứ hai là phải xây dựng được một thị trường lao động tương đối đồng bộ, lành mạnh và phát triển theo hướng hiện đại có thể hội nhập vào bối cảnh chung và thế giới.

Tôi cũng rất trăn trở trước những sự việc đã xảy ra trong những ngày cuối năm đang khiến dư luận bức xúc, đó là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, phụ nữ. Đây là những vấn đề mà trong năm 2022 ngành LĐTB&XH phải rất chú trọng.

5 chính sách phục hồi thị trường lao động

Trong năm qua, thị trường lao động đã gặp phải "cú sốc" lớn khi người lao động ùn ùn rời bỏ các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các thành phố lớn để về quê tránh dịch. Những giải pháp khôi phục thị trường lao động được triển khai đã mang lại những kết quả như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đến giờ này, tôi có thể khẳng định thị trường lao động phục hồi nhanh chóng và ổn định tương đối.

Hằng năm, trước Tết sẽ thiếu khoảng 10% lực lượng lao động và sau Tết sẽ thiếu khoảng 20% nhưng năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh, sự thiếu hụt sẽ thấp hơn so với thông thường. Bởi lẽ, sau khi người lao động về quê một thời gian dài, họ đã quay trở lại nơi làm việc nên Tết sẽ ít về nhà, các doanh nghiệp, khu công nghiệp đều có phương án giữ chân người lao động như nâng lương, thưởng Tết… Các địa phương cũng chủ động thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động. Đến nay, theo báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp FDI, dự báo lực lượng lao động sau Tết chỉ thiếu 10-15% và sẽ thấp hơn so với mọi năm.

Thị trường lao động phục hồi do sản xuất cũng đang trong quá trình phục hồi, có những đơn vị phục hồi 100% lao động. Tùy theo thực tiễn sản xuất mà đặt ra yêu cầu phục hồi lao động khác nhau, về cơ bản chúng ta đạt mức phục hồi bình quân chung là 85%. Với mức phục hồi 85% thì không thiếu trầm trọng lực lượng lao động nhưng điều đáng lo ngại là thiếu lực lượng lao động chất lượng cao.

Thời gian vừa qua, do tác động của đại dịch, lực lượng lao động đã có sự chuyển dịch giữa các nhà máy, doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải vừa tiếp nhận vừa đào tạo, bồi dưỡng cho lao động mới. Những ngành nghề giản đơn có thể có lực lượng lao động ngay nhưng những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao thì cần thời gian để thu hút lại lao động. Các doanh nghiệp đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi nghĩ rằng trong khoảng đầu quý II những vấn đề này cơ bản sẽ đạt được như chúng ta mong muốn.

a
Người lao động sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ để quay trở lại thị trường lao động

Như vậy, phục hồi thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, vậy xin Bộ trưởng cho biết những chính sách hỗ trợ phục hồi sẽ được triển khai như thế nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thì phục hồi xã hội, nhất là vấn đề an sinh là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong phục hồi an sinh, nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động.

Để phục hồi thị trường lao động thì phải tập trung thực hiện 5 chính sách hỗ trợ. Thứ nhất là cho người lao động được vay vốn để phát triển sản xuất, mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi người lao động.

Chính sách hỗ trợ thứ hai là hỗ trợ tiền mặt cho người lao động với 2 nhóm đối tượng khác nhau. Người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng. Còn đối với người lao động quay lại thị trường cũng được hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng, mức hỗ trợ sẽ cao hơn.

Chính sách hỗ trợ thứ ba được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội, sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng sẽ trích một khoản cho công nhân vay lãi suất thấp để mua nhà với giá rẻ. Đây là giải pháp đảm bảo sàn an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân.

Chính sách thứ tư là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không có lãi suất để trả lương cho người lao động cho đến hết 31/3. Và cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ trị giá 7.500 tỷ đồng đã được cung cấp.

Tôi nghĩ rằng chúng ra xây dựng chính sách chính là để tạo ra nhiều cách khác nhau hỗ trợ khôi phục thị trường lao động.

Hệ thống an sinh bao phủ, bền vững

Năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức. Vậy nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành LĐTB&XH là gì thưa Bộ trưởng? Để thực hiện nhiệm vụ đó Bộ trưởng sẽ tập trung ưu tiên những giải pháp đột phá nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành có "3 chữ An" trong đó chữ an đầu tiên là an sinh, thứ hai là an dân và thứ 3 là an toàn. "3 chữ An" này sẽ bao trùm đầy đủ nhiệm vụ của ngành trong năm 2022. Nếu chúng ta thực hiện được "3 chữ An" này thì tôi tin rằng việc phục hồi kinh tế xã hội theo chương trình mà Đảng, Nhà nước đặt ra hoàn toàn có thể đạt được.

Để thực hiện được "3 chữ An", ngành LĐTB&XH phải tập trung vào hai nhiệm vụ có tính chất chiến lược. Đó là triển khai nhanh nhất, có hiệu quả nhất chương trình phục hồi về mặt xã hội, đăc biệt là phục hồi thị trường lao động và phục hồi đời sống của người dân. Đây chính là nền tảng để thực hiện "ba chữ An".

Thứ hai là phải tập trung xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ nhưng hướng tới tất cả mọi đối tượng với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó tạo sự phát triển bao trùm, bền vững và tạo việc làm thỏa đáng cho người lao động.

Về giải pháp đột phá, tôi cho rằng năm nay phải tập trung cao nhất cho xây dựng thị trường lao động mà muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, phải tập trung tổ chức đào tạo lại cho người lao động để nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên. Hiện nay, chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp. Muốn phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động thì đào tạo chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì vậy, từ năm 2022 phải đặt nền móng cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp thứ hai tôi vẫn muốn nhấn mạnh là phải xây dựng được một hệ thống an sinh bao phủ và bền vững, hướng tới để mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo baochinhphu.vn

 

.
.
.