Nỗ lực cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp
(ABO) Nhịp sống “bình thường mới” dần trở lại, nền kinh tế dần phục hồi, nhưng vấn đề thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông đang khiến các doanh nghiệp “đau đầu”. Trong thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đã nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp nhưng vấn đề thiếu hụt lao động ở doanh nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tiền Giang Lý Văn Cẩm cho biết:
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang Lý Văn Cẩm. |
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là làn sóng dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021 làm cho thị trường lao động phải đối mặt với những tác động tiêu cực. Điều này thể hiện rất rõ khi số người có việc làm giảm đi, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, thu nhập của người lao động (NLĐ) sụt giảm nghiêm trọng.
Với tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, đã tạo nên làn sóng di chuyển lao động rất lớn, cùng với số lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng mất, giảm việc làm, bên cạnh đó số lượng NLĐ từ các tỉnh, thành khác như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… quay trở về địa phương trên 20.000 người, do đó đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt đến công tác giải quyết việc làm cho NLĐ.
* Phóng viên (PV): NLĐ thất nghiệp do Covid-19 có được tư vấn, giới thiệu việc làm để họ có việc làm mới không, thưa đồng chí?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thống kê số lượng, tình trạng, nhu cầu việc làm của NLĐ để có các giải pháp hỗ trợ, giao Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang phối hợp, kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Trong những tháng cuối năm 2021 và quý I-2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang đã tư vấn cho 12.200 lượt NLĐ, giới thiệu việc làm cho khoảng 2.700 lượt người, trong đó đã tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm (gồm phiên giao dịch định kỳ, phiên online trực tuyến, phiên lưu động, phiên chuyên đề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp) với sự tham gia trực tiếp của 35 lượt doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ quay trở lại làm việc.
Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ nói chung và đặc biệt là NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng, nhằm giúp NLĐ tái hòa nhập vào thị trường lao động sớm nhất có thể.
Những tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang vẫn còn khá lớn, nhất là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Ảnh: HỮU NGHỊ |
* PV: Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông. Theo đồng chí, nguyên nhân có phải do trên địa bàn tỉnh khan hiếm nguồn lao động để tuyển dụng?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Năm 2021, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang đã tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng của 231 doanh nghiệp trong tỉnh với tổng số lao động cần tuyển khoảng 22.200 lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 94,6%, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 5,4%.
Những tháng đầu năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang vẫn còn khá lớn, nhất là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh và một số công ty tại TP. Mỹ Tho, khu vực Cai Lậy, TX. Gò Công… tăng cao, dự kiến nhu cầu tuyển trên 15.000 lao động. Các doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển lao động do mở rộng sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp mới thành lập đang đi vào hoạt động và số ít doanh nghiệp thiếu lao động cục bộ.
NLĐ có xu hướng nghỉ việc gia tăng do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng dịch bệnh. Phần lớn lao động nghỉ việc do nguyên nhân tránh dịch Covid-19 vì có con nhỏ, gia đình có người lớn tuổi nên ngại làm việc trong doanh nghiệp. Trong khi đó, NLĐ tìm việc hiện nay chủ yếu là có chuyên môn kỹ thuật, nguồn lao động phổ thông gia tăng hằng năm không nhiều, chủ yếu là dịch chuyển giữa các doanh nghiệp. Do đó, hiện nay, các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động phổ thông khá nhiều.
Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng với số lượng lao động lớn Để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Cụ thể: Ở Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành), các công ty: TNHH Dụ Đức Việt Nam, TNHH Freeview Industrial (Việt Nam), TNHH Quảng Việt (Tiền Giang)… có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn, từ 1.500 đến 3.000 lao động. Ngoài ra cũng có doanh nghiệp tuyển dụng lao động với quy mô ít hơn, từ 300 đến 400 lao động. Ở Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) và cụm Công nghiệp Gia Thuận, một số doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế và một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động như: TNHH Giày Apache Việt Nam, TNHH Công nghiệp Bellinturf Việt Nam, TNHH Want Want Việt Nam, TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại YongJin Việt Nam, TNHH Lốp Advance sản xuất lốp - cao su, Công ty TNHH GLOBAL RUNNING (Cò Công Đông )… cũng có nhu cầu tuyển dụng từ 180 đến 3.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. |
* PV: Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH có kế hoạch gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh; đồng thời, giúp NLĐ có việc làm mới?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đảm bảo nguồn lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở LĐ-TB&XH có một số giải pháp, kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, như: Phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phương tiện để thông tin nhu cầu tuyển dụng đến NLĐ. Tiếp tục hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn thống kê, rà soát nhu cầu tìm việc làm của NLĐ, nhất là những lao động đã trở về quê trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 năm 2021 vừa qua, để Sở có kế hoạch hỗ trợ NLĐ tìm việc làm mới.
"Trên cơ sở số NLĐ có nhu cầu tìm việc, Sở LĐ-TB&LĐ sẽ kết nối với các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động để giới thiệu việc làm cho phù hợp thông qua việc tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương với tần suất nhiều hơn. Trường hợp số lượng NLĐ tại địa phương có nhu cầu tìm việc nhiều, sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp đến địa phương trực tiếp tuyển dụng."
GIÁM ĐỔC SỞ LĐ-TB&XH TIỀN GIANG LÝ VĂN CẨM
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, dự báo nhu cầu thị trường lao động để làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng giải pháp phù hợp, kịp thời kết nối cung - cầu lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, nghiên cứu các hình thức kết nối trực tuyến, sàn giao dịch việc làm điện tử, các ứng dụng kết nối việc làm, mạng xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp điều kiện tình hình hiện nay.
Với vai trò cầu nối giữa cung và cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác thu thập, thống kê, có giải pháp kết nối hiệu quả, giải quyết việc làm, cung ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Cụ thể là khảo sát, thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động định kỳ, thường xuyên; gắn kết với đoàn thể, địa phương, trực tiếp đến tận xóm, ấp để tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm đảm bảo tính hiệu quả, chuyên nghiệp và kịp thời.
* PV: Đồng chí có những khuyến nghị gì để doanh nghiệp giữ chân NLĐ, không để tình trạng thiếu hụt lao động như thời gian qua?
* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Thực trạng nguồn cung lao động của khu vực cũng như của tỉnh Tiền Giang có xu hướng giảm dần qua các năm nên tình trạng thiếu hụt lao động đã xảy ra từ nhiều năm nay và dự báo sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới. Do đó sẽ có sự cạnh tranh về nguồn lao động và trong tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cần có chính sách giữ chân NLĐ. Sở LĐ-TB&XH có một số khuyến nghị để doanh nghiệp giữ chân NLĐ như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp phải có chính sách tiền lương tốt. Ngoài mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung theo quy định, cần có thêm các khoản hỗ trợ khác, như: Tiền thưởng chuyên cần, phụ cấp nhà ở - đi lại, phụ cấp tiền cơm, tiền sản lượng, có xe đưa rước công nhân…, đảm bảo thu nhập của NLĐ được trả tương xứng với công sức họ bỏ ra, với mức thu nhập đó có thể đảm bảo được mức sống cơ bản của bản thân và gia đình họ.
Dự báo tình trạng thiếu hụt lao động còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Do đó sẽ có sự cạnh tranh về nguồn lao động và trong tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cần có chính sách giữ chân NLĐ. Ảnh: LÝ OANH |
Thứ hai, môi trường làm việc phải an toàn. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay, ngoài thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp cần quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch, xét nghiệm Covid-19, tiêm vắc xin cho NLĐ… Trường hợp NLĐ bị nhiễm Covid-19, doanh nghiệp hỗ trợ thêm thuốc hoặc hỗ trợ một khoản chi phí để NLĐ bồi bổ sức khỏe, sớm phục hồi và quay trở lại nơi làm việc.
Thứ ba, khi có sự cố khách quan xảy ra, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ.
Thứ tư, doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại NLĐ bằng nhiều hình thức phù hợp để cả hai cùng chia sẻ thông tin liên quan đến quyền, lợi ích và các mối quan tâm của các bên để cùng hướng tới những giải pháp các bên cùng có lợi.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
MINH TRỌNG (thực hiện)