.

Xây "đường băng" cho đất chín rồng - Bài cuối: Nỗ lực "cán đích"

Cập nhật: 10:04, 14/03/2022 (GMT+7)

BÀI 1: "Tắc" đường bộ lẫn đường thủy

BÀI 2: Tăng tốc

Bài 3: Thông tuyến

Cùng với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tiền Giang không ngừng nỗ lực, tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, nhất là giao thông mang tính kết nối vùng và liên vùng.

Điểm lại về kết quả đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Trần Văn Bon cho rằng:

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều dự án giao thông đã được triển khai thực hiện hoàn thành, cũng như tiếp tục chuẩn bị đầu tư triển khai các dự án mới. Qua đó, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.

 

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong triển khai đầu tư các công trình giao thông do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kinh Chợ Gạo, kinh Nguyễn Văn Tiếp…

Nhờ đó, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được xây dựng đồng bộ, các tuyến đường trục chính trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng các đô thị, trung tâm cấp huyện, tỉnh, như: Đường tỉnh (ĐT) 877B, ĐT.867, tuyến tránh ĐT.868, ĐT.879, ĐT.864, ĐT.875, ĐT.879C, ĐT.871B, ĐT.878, ĐT.872B, cầu Bình Xuân trên ĐT.873, cầu Ngũ Hiệp trên ĐT.868, cầu Vàm Trà Lọt trên ĐT.864… và hệ thống đường giao thông nội thị, các tuyến đường huyện, giao thông nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới đã tạo thành mạng lưới giao thông thủy - bộ cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng vốn đầu tư hạ tầng giao thông từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh (chưa tính xây dựng nông thôn mới, vốn phân cấp) trong 5 năm 2016 - 2020 hơn 3.300 tỷ đồng, chiếm gần 17% đầu tư công.

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch nhấn mạnh vị trí đặc biệt của vùng ĐBSCL - một trong những trọng điểm về quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước. Dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, nhưng ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng.

Từ nay đến năm 2030, Phó Thủ tướng nhận định hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát, cập nhật đầy đủ các quy hoạch hạ tầng GTVT gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy vào quy hoạch vùng ĐBSCL. Cụ thể, quy hoạch phải ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Từ nay đến năm 2025, Nhà nước sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km). Ngoài ra, sân bay quốc tế Cần Thơ phải được mở rộng, đường bộ ven biển phải được đầu tư. Cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần phải được nâng cấp nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ việc xuất khẩu nông sản của vùng. Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay…

Trong năm 2021, nguồn vốn đầu tư công trình giao thông do tỉnh quản lý hơn 181 tỷ đồng, gồm 11 dự án; trong đó có 6 dự án chuyển tiếp và 5 dự án mới, bao gồm: Đường Lộ Dây Thép (ĐT.880B); Nối 1 nhịp dẫn phía bờ Gò Công Tây của Bến phà Tân Long; Nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Trung Trực (ĐT.879) đoạn từ Quốc lộ 50 đến đường Nguyễn Văn Giác; đang thực hiện 3 dự án: Nâng cấp mở rộng ĐT.874, ĐT.878, đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông. Riêng đối với UBND cấp huyện đã đầu tư 591 công trình, với tổng kinh phí 1.478 tỷ đồng.

* Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những dự án giao thông trọng điểm tập trung triển khai trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

* Đồng chí Trần Văn Bon: Trong năm 2022 và đến năm 2025, ngành Giao thông tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ triển khai đầu tư các dự án giao thông mang tính chất kết nối liên vùng theo trục ngang và trục dọc đã được phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án như: ĐT.864 (đường dọc sông Tiền); nâng cấp, mở rộng các ĐT.861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp), ĐT.873 (mở mới đoạn từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50), ĐT.879B (từ cầu Gò Cát đến ranh tỉnh Long An), đường giao thông phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1), ĐT.877C (từ ĐT.879D đến ĐT.877 và cầu qua kinh Chợ Gạo), đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông, tuyến đường bộ ven biển, trục động lực TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang, đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư hai bên đường, cầu Vàm Cái Thia, cầu Tân Phong (huyện Cai Lậy), cầu Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông), ĐT.879C (từ Quốc lộ 50 đến cầu Thạnh Lợi)...

Hạ tầng giao thông của tỉnh Tiền Giang từng bước được đầu tư đồng bộ. 	Ảnh: TUẤN LÂM
Hạ tầng giao thông của tỉnh Tiền Giang từng bước được đầu tư đồng bộ. Ảnh: TUẤN LÂM

* PV: Về các dự án giao thông Trung ương được triển khai đầu tư qua địa bàn tỉnh hiện tại và sắp tới như thế nào?

* Đồng chí Trần Văn Bon: Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ và Bộ GTVT, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã và đang được đầu tư một số công trình trọng điểm để góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL.

Các dự án giao thông Trung ương được triển khai đầu tư qua địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện tại và sắp tới được kể đến như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo (giai đoạn 2), Dự án mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1 (cầu Bà Lâm, cầu Mỹ Đức Tây), Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre, Dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu...

* PV: Riêng việc đầu tư cho công tác đảm bảo giao thông được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Văn Bon: Đối với công tác đảm bảo giao thông, Sở GTVT đã chú trọng bố trí nguồn vốn được giao để sửa chữa, đầu tư các công trình bị hư hỏng xuống cấp như: Mở rộng ĐT.876 từ Quốc lộ 1 đến cầu Song Thuận, sửa chữa mở rộng đường tỉnh từ cầu Thành Công đến cầu Bình Xuân, sửa chữa mở rộng ĐT.867 từ ngã 3 Long Định đến trung tâm huyện Tân Phước, sửa chữa mở rộng ĐT.873B từ đường nội ô xã Tân Tây đến đường huyện 01 (xã Tân Phước), lắp đặt đèn chiếu sáng trên Quốc lộ 1 từ Tân Hương đến cầu Bến Chùa, từ ngã 4 Đồng Tâm đến ngã 3 Đông Hòa, đoạn qua huyện Cái Bè…; lắp đặt đèn chiếu sáng bổ sung đoạn còn lại của Quốc lộ 50 từ cầu Mỹ Lợi đến giáp ranh TP. Mỹ Tho, đèn chiếu sáng ĐT.866 và ĐT.866B từ Quốc lộ 1 đến Khu công nghiệp Long Giang, đèn tín hiệu giao thông tại nút giao ngã 3 Hòa Tịnh, nút giao ngã 3 Đông Hòa… qua đó góp phần tích cực đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THÁI AN  - ANH THƯ (thực hiện)

.
.
.