Chủ Nhật, 21/08/2022, 10:51 (GMT+7)
.

Để người dân, doanh nghiệp cùng đồng lòng với Chính phủ

Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đã có những phân tích, đánh giá về thông điệp của Thủ tướng với các trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ hiện nay, gồm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”.

a
PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, thông điệp đã thể hiện đầy đủ định hướng, những việc cần làm trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài của đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông điệp đúng, trúng và thích hợp với tình hình hiện nay

Theo PGS.TS. Bùi Thị An, đất nước ta đã trải qua hơn 2 năm đại dịch COVID-19 với vô vàn khó khăn và thách thức. Cũng như nhiều nước, chúng ta phải khôi phục lại các chuỗi liên kết, sản xuất đứt quãng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tuy đã giảm, nhưng chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ, cùng với đó là những xung đột quốc tế...

Trên cơ sở đó, những cuộc họp gần đây của Chính phủ luôn tập trung vào các vấn đề lớn, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp chỉ đạo, điều hành đúng, trúng và thích hợp với tình hình Việt Nam hiện nay.

Thông điệp thứ nhất, đó là "4 ổn định": Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Theo bà Bùi Thị An, đây là những ổn định mang tính vĩ mô của đất nước. 4 ổn định này được Thủ tướng Chính phủ đưa ra để mọi người dân, mọi thành phần kinh tế tập trung thực hiện theo đúng định hướng. Nếu tất cả các bộ, ngành, địa phương, đến người dân, doanh nghiệp cùng đồng lòng với Chính phủ thực hiện thì đất nước chắc chắn ngày càng phát triển, cuộc sống người dân sẽ được cải thiện hơn.

"Tại cuộc họp Chính phủ lần trước, một trong những nguyên tắc được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là Chính phủ không làm thay, mà cố gắng có những cơ chế, chính sách thích hợp và lắng nghe", PGS.TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.

Vì lắng nghe, nên Chính phủ đã nắm chắc tình hình thực tiễn để có sự chỉ đạo, điều hành nhanh và linh hoạt. Đặc biệt, Chính phủ không lơ là trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19. Trong thông điệp "3 tăng cường", ngoài tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine.

Bên cạnh đó là vấn đề tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Bà Bùi Thị An khẳng định, đây là vấn đề quan trọng. Một đất nước muốn đi lên phải được điều hành bằng luật pháp, muốn sản xuất tốt phải có kế hoạch, định hướng, như vậy dân mới an lòng, doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất.

Nếu không ổn định, tăng cường được những vấn đề như thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra về kỷ cương hành chính thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, bà Bùi Thị An cho rằng, thông điệp đã thể hiện đầy đủ định hướng, những việc cần làm trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài của đất nước.

Đối với vấn đề tiết giảm, theo nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An, Chính phủ đưa ra thông điệp phải tiết kiệm bởi đây là vấn đề hết sức cần thiết. Những năm vừa qua chúng ta đã thực hành tiết kiệm khá hiệu quả, như tiết kiệm chi cho xe công, tiết kiệm chi hội nghị, hội thảo, khảo sát, nghiên cứu ở nước ngoài... nhưng vẫn còn nhiều khâu lãng phí, như: Lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, nhất là đầu tư cho những dự án công... Vấn đề này cần phải nêu liên tục tại các cuộc họp và người dân cần phải đồng lòng, bởi tiết kiệm là tiết kiệm từ dân, đi từ dân; từ cơ quan nhỏ đến cơ quan lớn... Có như vậy yêu cầu của Thủ tướng sẽ thực hiện được tốt hơn.

Tránh được tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng'

Trong giai đoạn vừa qua, một trong những khâu còn yếu là vấn đề quản trị: Quản trị doanh nghiệp, bệnh viện, trường học... Vấn đề này liên quan đến điều hành trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu "không điều hành giật cục" là đúng, vì giật cục là bất thường và không phù hợp với thực tiễn, không trên cơ sở khoa học.

Theo PGS.TS. Bùi Thị An, Thủ tướng yêu cầu việc điều hành phải thật chuẩn theo tình hình thực tiễn; phải biết nhìn xa, trông rộng, biết dự báo, định hướng để đưa ra những chính sách dài hơi và đúng thực tiễn, như vậy mới tránh được tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Đánh giá về việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây, bà Bùi Thị An cho rằng, việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khá quyết liệt, chi tiết, cụ thể, bớt khâu trung gian. Nhiều cuộc họp trực tiếp, trực tuyến diễn ra và kết nối xuống đến tận cơ sở, do đó những chỉ đạo đã đến trực tiếp người dân. Thủ tướng cũng đã có nhiều chuyến công tác, thị sát, làm việc để trực tiếp chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân. Đây là những cách làm rất hiệu quả.

Bà Bùi Thị An mong rằng, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, tăng cường kiểm tra, tăng cường đôn đốc, ai làm tốt biểu dương, ai không làm tốt cần xử lý ngay. Bởi đã có những thông điệp, chủ trương chỉ đạo cụ thể rồi nên đề nghị kiểm soát, kiểm tra luôn. Bộ, ngành, địa phương nào làm tốt, không tốt cần công khai, minh bạch. Khi đó người dân sẽ đồng thuận và hết lòng ủng hộ cùng Chính phủ xây dựng và phát triển đất nước.

(Theo chinhphu.vn)


 

.
.
.