Thứ Hai, 22/08/2022, 21:20 (GMT+7)
.

'Kim chỉ nam' và quyết tâm nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ

Yêu cầu “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không” của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “kim chỉ nam” cho quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ một cách thiết thực nhất. Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khi trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ.
 

thinh-1661089217453321950476.jpg
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Hướng tới một Chính phủ phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp

Đầu tháng 8 vừa qua, chủ trì Phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".

Bình luận về chỉ đạo này của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đặc biệt ấn tượng với "3 tăng cường". Theo ông Thịnh, việc ổn định xã hội cũng như làm sao để nắm bắt nhanh nhạy nhất tình hình để điều tiết, phối kết hợp các hoạt động trong nền kinh tế một các tốt nhất, tạo động lực tăng trưởng và phát triển đang là một trong những điểm Chính phủ và các cơ quan chức năng cần lưu tâm.

Trước đây, tác động của đại dịch gây ra sự đình trệ, đứt gãy trong chuỗi cung ứng và hoạt động kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc tăng cường nắm bắt tình hình, diễn biến trong nước và quốc tế - điểm đầu tiên trong 3 tăng cường - trở thành một trong những mục tiêu rất quan trọng.

Ngoài ra, trên thực tế, chúng ta đã kiểm soát, thích ứng linh hoạt với đại dịch và gần như mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực như trước khi chưa có dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn, nếu bùng phát trở lại sẽ cản trở sự tăng trưởng, phát triển.

"Do đó, củng cố sức mạnh cho lĩnh vực y tế cũng như phòng chống dịch COVID-19 nói riêng và các loại dịch bệnh khác cũng là điểm cần chú trọng. Cụ thể là tăng cường sức mạnh của y tế, để yên tâm tập trung, hướng tiềm lực vào sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm", ông Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, Chính phủ thể hiện quyết tâm phải tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính như đơn giản hoá, số hoá thủ tục để có thời gian nhanh nhất, hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Bởi lẽ đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Người đứng đầu Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính sẽ nâng cao hiệu quả điều hành một cách thiết thực nhất. Từ đó, sớm hình thành nên một Chính phủ điện tử phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Để mong muốn của các nhà quản lý phù hợp với mong muốn của xã hội

Liên quan đến "2 đẩy mạnh", ông Thịnh cho rằng đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người dân và ổn định kinh tế xã hội, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, là mục đích xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Đó cũng là mục tiêu cần phải tập trung triển khai trong thời gian còn lại không của năm 2022 nói riêng, cũng như trong giai đoạn hồi phục và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 nói chung.

"Việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm là động lực để tiếp tục tăng cường sức mạnh của nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, đảm bảo an sinh và các cân đối lớn", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đối với yêu cầu về đẩy mạnh giải ngân đầu tư xã hội nói chung, đặc biệt là đầu tư công, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích, bất kể nền kinh tế nào muốn tăng trưởng và phát triển đều phải dựa trên nền tảng là hoạt động đầu tư trôi chảy, có vốn để thúc đẩy vòng quay của sản xuất kinh doanh. Lúc đó, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế mới được đẩy lên một bước mới.

Giải ngân được đầu tư xã hội, đặc biệt là đầu tư công sẽ là vốn mồi, thúc đẩy cầu tiêu dùng, cũng như tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế xã hội, thay đổi cơ sở hạ tầng cơ bản, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế trong trước mắt và lâu dài. Trong năm 2022, tính đến hiện nay, chúng ta mới giải ngân được 34,5% vốn đầu tư công, thấp so với năm ngoái. Hơn thế nữa, trong năm nay, chúng ta còn một khối lượng lớn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa được phân bổ.

Vì lẽ đó, theo ông Thịnh, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh hiệu quả và tiến độ giải ngân đầu tư công cần phải trở thành trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của những người đứng đầu các đơn vị, các chủ đầu tư. Cần phải coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm để hoàn thành. Đối với những khó khăn, nên nhanh chóng nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ với tinh thần trách nghiệm cao.

Nhận định thêm về yêu cầu của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế này cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong nắm bắt tình hình, điều hành nền kinh tế tương đối khoa học và hợp lý. Đặc biệt, đã có sự phối kết hợp tương đối chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giúp cho quá trình hồi phục của nền kinh tế đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực và ngành nghề, như ngân hàng chẳng hạn, gần như dừng lại đột ngột về tín dụng bất động sản, chứng khoán.

Có thể nói, công tác xử lý, điều hành nếu mềm mại, linh hoạt hơn thì sẽ đỡ gây ra vướng mắc, khó khăn cho các lĩnh vực này trong thực tiễn. Theo ông Thịnh, vấn đề quan trọng là chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước đáng ra phải sớm hơn, phân loại đối tượng rõ ràng, hợp lý hơn thì sẽ tránh được "điều hành giật cục" như "1 kiên quyết" trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Việc điều hành, xử lý là đúng nhưng làm sao để linh hoạt, phù hợp, đem lại hiệu quả cao nhất, bảo đảm nghiêm minh nhưng tránh giật cục thì hoạt động kinh tế - xã hội sẽ diễn ra trôi chảy, hiệu quả hơn. Khi đó, mong muốn của các nhà quản lý sẽ hoàn toàn phù hợp với mong muốn của xã hội", ông Đinh Trọng Thịnh cho biết./.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.