.

Nhìn lại kết quả thi tốt nghiệp THPT để nâng chất giáo dục

Cập nhật: 10:15, 05/08/2022 (GMT+7)

Trao đổi với Báo Ấp Bắc, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, điểm bình quân Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của thí sinh Tiền Giang là 6,554 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành toàn quốc, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Bạc Liêu và An Giang.

 

Kết quả trên được xem là đáng khích lệ của toàn ngành Giáo dục Tiền Giang trong năm học 2021 - 2022 dưới tác động của tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, toàn ngành Giáo dục sẽ rút kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

* Phóng viên (PV): Nguyên nhân nào đã giúp Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Tiền Giang đạt được những kết quả đáng khích lệ, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2021 - 2022 là năm học “đặc biệt” rất khó khăn cho toàn ngành Giáo dục. Cùng với nhiều tỉnh, thành của cả nước, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phải triển khai dạy học trực tuyến.

Có thể thấy, việc dạy học trực tuyến được xem là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch bệnh, nhưng vẫn còn một vài bất cập, hạn chế. Với học sinh lớp 12, các giáo viên đã phải đầu tư soạn giảng những tiết học trực tuyến với các nội dung trọng tâm, cốt lõi nhất để học sinh có thể hiểu bài, nắm kiến thức căn bản nhất ở từng bài học.

Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp với các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên, đánh giá cao.

Khi đến trường học trực tiếp, cùng với học sinh các khối lớp, học sinh khối 12 được thầy cô củng cố, bổ sung thêm các kiến thức đã học trực tuyến, tiến hành phụ đạo học sinh yếu, kém để các em lấy lại kiến thức căn bản. Sau những bước đệm ban đầu, các trường đã tiến hành dạy những kiến thức mới cho học sinh.

Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT đã được ngành Giáo dục quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Ngay sau khi kết thúc chương trình, thi học kỳ 2, các trường đã lên thời gian biểu ôn luyện cho học sinh khối 12. Trong quá trình ôn tập, các trường đã tiến hành phân loại học sinh yếu, kém để giúp đỡ các em tiếp thu kiến thức căn bản nhất, để các em có đủ kỹ năng dự thi.

Bên cạnh đó, các trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh trong suốt quá trình ôn thi, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để tháo gỡ khó khăn.

Nhờ tinh thần cộng đồng trách nhiệm, phương pháp, cách làm đúng hướng, toàn tỉnh có 14.560/14.641 thí sinh đậu tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 99,45%; có 24/43 cơ sở giáo dục có 100% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT. Đây thật sự là kết quả phấn khởi, đáng khích lệ của toàn ngành Giáo dục trong năm học 2021 - 2022 đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

* PV: Đồng chí có thể cho biết, từ những kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ngành Giáo dục có những định hướng gì để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Bên cạnh những ưu điểm thì Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng còn một số hạn chế nhất định, như một số môn thi có phổ điểm thi còn thấp; số lượng bài thi đạt điểm 10 thấp so với năm trước…

Để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm tới, toàn ngành Giáo dục sẽ tiến hành họp, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa làm được, phổ điểm các môn thi, thực trạng dạy và học ở các trường để kịp thời có những giải pháp nâng chất dạy và học, đáp ứng tốt các yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong năm học 2022 - 2023, toàn ngành Giáo dục sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện tốt kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT. Căn cứ vào các điều kiện thực tế, từng trường sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học một cách cụ thể, có trọng tâm, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Riêng đối với bậc THPT, đặc biệt là trong công tác giảng dạy cho học sinh khối 12, bên cạnh các giải pháp căn cơ, các trường cần chú trọng làm tốt, nâng cao chất lượng đối với công tác các tổ chuyên môn. Các trường cần phân công hợp lý đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 12, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Trong giảng dạy, giáo viên các bộ môn cần rà soát, quan tâm đến các em học sinh có học lực yếu, kém để có biện pháp can thiệp, giúp các em có thể lấy lại kiến thức kịp thời, tránh trường hợp để các em hổng kiến thức trong thời gian dài.

Qua từng đợt kiểm tra, thao giảng, dự giờ, các trường THPT cần rà soát, đánh giá, phân tích nguyên nhân, những mặt làm được và chưa làm được, kịp thời tìm ra giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, thông qua từng lớp cụ thể, các tổ chức đoàn thể, các trường cần làm tốt công tác phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để kịp thời thông tin cho phụ huynh tình hình học tập, các chủ trương, kế hoạch của nhà trường… 

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Đ. PHI (thực hiện)

.
.
.