.

Những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam là thí dụ điển hình cho nhiều quốc gia noi theo

Cập nhật: 20:05, 19/10/2022 (GMT+7)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, Đại sứ Sayakane Sisouvong, Chủ tịch Câu lạc bộ nhà ngoại giao Lào, nguyên Đại sứ Lào tại Anh, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN cho rằng những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua đã trở thành thí dụ điển hình, là hình mẫu và là bài học cho nhiều quốc gia noi theo, trong đó có Lào.

a
Đại sứ Sayakane Sisouvong, Chủ tịch Câu lạc bộ nhà ngoại giao Lào, nguyên Đại sứ Lào tại Anh, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Phóng viên: Ông có nhận xét gì về những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây?

Đại sứ Sayakane Sisouvong: Trước hết, tôi cho rằng Việt Nam là một trong những thí dụ điển hình về phát triển kinh tế-xã hội. Vào thập kỷ 1990, chương trình Liên hợp quốc đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo cùng cực xuống còn dưới 50% trong vòng 25 năm. Vào năm 2003, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu này sớm 12 năm so với mốc mà Liên hợp quốc đề ra. Thông qua đó, Liên hợp quốc đã ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Thứ hai, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng đều trong những năm gần đây, và theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Với mặt hàng cà-phê, mỗi năm Việt Nam cũng xuất khẩu hàng triệu tấn, tạo ra nguồn thu lớn. Tương tự đối với các mặt hàng như dệt may, da giày...

Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ sự cần cù, chăm chỉ và quyết tâm của người Việt Nam, thể hiện trong cả công việc, cuộc sống cũng như học tập, nghiên cứu nhằm ngày càng nâng cao năng lực của bản thân.

Kể từ năm 1992, tôi đã quan tâm và dõi theo sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Nhất là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 và Lào gia nhập ASEAN năm 1997, tôi có nhiều dịp tới nhiều vùng đất của Việt Nam và tận mắt thấy sự phát triển về cơ sở hạ tầng, cũng như đời sống người dân được nâng lên.

Tôi rất ngưỡng mộ sự cần cù, chăm chỉ và quyết tâm của người Việt Nam, thể hiện trong cả công việc, cuộc sống cũng như học tập, nghiên cứu nhằm ngày càng nâng cao năng lực của bản thân.

    Đại sứ Sayakane Sisouvong

 

Tôi đã trao đổi với rất nhiều người bạn về chất lượng cuộc sống, cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và tất cả chúng tôi đều đồng tình rằng, chính những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã mang lại nhiều việc làm hơn, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Tôi cũng đã tìm hiểu từ các báo cáo nghiên cứu của WB về Việt Nam cũng như các báo cáo khác, tất cả đều ghi nhận những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội. Những thành tựu đó cũng thể hiện sự hiệu quả của những chính sách về phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đề ra.

Tôi cho rằng, những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua đã trở thành thí dụ điển hình, là hình mẫu và là bài học cho nhiều quốc gia noi theo, trong đó có Lào.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia và đóng góp cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế trong những năm gần đây?

Đại sứ Sayakane Sisouvong: Tôi nghĩ rằng, vai trò và vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế, điều này song hành cùng với những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Như tôi đã đề cập, những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam mang lại những khả năng và nguồn lực cần thiết. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những điểm mạnh và kinh nghiệm hoạt động trong các tổ chức khu vực cũng như quốc tế khác nhau, thí dụ như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, hay thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và nhiều tổ chức khác.

Tôi cho rằng, với tinh thần sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quốc tế, thời gian tới Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các khu vực trọng điểm cũng như trên trường quốc tế.

Phóng viên: Mới đây, Việt Nam lần thứ hai trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) nhiệm kỳ 2023-2025. Việc này có ý nghĩa như thế nào với các nước ASEAN nói chung và với Lào nói riêng? Ông có kỳ vọng gì với sự đóng góp của Việt Nam trong nhiệm kỳ mới?

Đại sứ Sayakane Sisouvong: Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với 47 quốc gia thành viên, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đề cao trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới.

Trước khi trúng cử lần thứ hai, Việt Nam đã được nhóm các nước ASEAN tin tưởng ủy thác và tán thành để thay mặt nhóm tranh cử cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Tại phiên họp thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây tại New York, Việt Nam đã nhận được 145/189 phiếu bầu để trở thành một trong 14 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong khi để trúng cử cần 97 phiếu. Điều này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ và sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam nói riêng và với ASEAN nói chung. Đây cũng là động lực để thúc đẩy hình ảnh và uy tín của ASEAN nói chung, đặc biệt là với Lào.

Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử thành viên nhiệm kỳ 2023-2025 của tổ chức uy tín này của Liên hợp quốc là kết quả rất xứng đáng, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong thời gian qua.

    Đại sứ Sayakane Sisouvong

 

Lào và Việt Nam có rất nhiều quan điểm tương đồng về nhân quyền, nhất là cả hai nước đã phải hứng chịu hậu quả từ cuộc chiến tranh Đông Dương kéo dài và tàn khốc. Hiện cả Lào, Việt Nam và Campuchia vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và khoảng một phần ba tổng diện tích đất vẫn bị ô nhiễm. Chính việc này đã tước đi quyền lợi chính đáng là được canh tác và phát triển của người dân Lào, Campuchia và Việt Nam nhằm nâng cao mức sống.

Do đó, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thấu hiểu của Việt Nam về vấn đề quan trọng này cũng như những thông điệp phù hợp mà Việt Nam gửi tới cộng đồng quốc tế thông qua vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Với kinh nghiệm của Việt Nam trước đó đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tôi cho rằng việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử thành viên nhiệm kỳ 2023-2025 của tổ chức uy tín này của Liên hợp quốc là kết quả rất xứng đáng, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong thời gian qua.

(Theo nhandan.vn)





 

.
.
.