.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DOANH NGHIỆP: Thay đổi để phát triển bền vững

Bài 2: Tận dụng "cơn lốc" chuyển đổi số

Cập nhật: 10:44, 14/10/2022 (GMT+7)

Bài 1: Doanh nghiệp trở lại guồng quay

Chuyển đổi số đang được Chính phủ cũng như các ngành, địa phương chuyển khai mạnh mẽ, đặc biệt là trong cộng đồng DN. Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang có những chia sẻ xoay quanh việc chuyển đổi số trong DN.

* Phóng viên (PV): Xin Tiến sĩ đánh giá về sự tiếp cận của các DN Tiền Giang trong việc chuyển đổi số hiện nay?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Trước hết, phải nhìn nhận rằng, DN nhận thức về chuyển đổi số để phát triển mạnh mẽ hơn chưa phải là tốt. Sự cạnh tranh toàn cầu hiện nay đòi hỏi bản thân các DN phải luôn đổi mới.

Nếu chậm chân trong chuyển đổi cung cách quản lý dựa trên nền tảng công nghệ thì năng lực cạnh tranh sẽ không đủ sức chống chọi trước những “cơn bão” công nghệ tác động rất mạnh vào thị trường. Đối với việc mở rộng thị trường, ngoài xúc tiến thương mại theo cách truyền thống thì những cách mới phải tiếp cận sớm như: Xúc tiến thương mại qua mạng, điện tử…

DN phải tham gia vào những sàn giao dịch thương mại lớn của quốc gia, thế giới. Khi tham gia vào đây, các DN sẽ có cơ hội tiêu thụ nhiều sản phẩm hơn. Phương thức tiêu thụ, mua hàng hiện đang thay đổi rất lớn, do đó bản thân các DN phải mạnh dạn thay đổi việc xúc tiến thương mại.

Công ty TNHH Tongwei Việt Nam áp dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Công ty TNHH Tongwei Việt Nam áp dụng chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Việc chuyển đổi số chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho DN. Chúng ta đang xây dựng xã hội số, để làm được điều này chúng ta phải có 3 yếu tố cơ bản là: Chính quyền số, công dân số và DN số. 3 yếu tố này phải thực hiện gần như tương đồng với nhau. Nếu phát triển lệch, để kinh tế số đi trước mà Chính quyền số chậm thì cũng sẽ không thực hiện được.

Đối với Tiền Giang, việc xây dựng Chính quyền số tương đối tốt. Tuy nhiên, người dân và cộng đồng DN còn thói quen trực tiếp thực hiện các giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, thông qua môi trường mạng còn ít. DN phải có cách nhìn mới, không thể nhìn chuyển đổi số như ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, kinh doanh, quản lý.

Chuyển đổi số là tác động vào tất cả các khâu, quá trình hoạt động của DN. Điều này khác với ứng dụng CNTT. DN khi ứng dụng CNTT sẽ đi vào khâu kế toán, tài chính, kho, vật tư, nhân lực…, nhưng khi chuyển đổi số chúng ta thấy được chuyển biến trong mọi khâu hoạt dộng của DN.

* PV: Đâu là rào cản trong chuyển đổi số ở DN hiện nay, thưa Tiến sĩ?

ÔNG HUANG TENG - TRỢ LÝ GIÁM ĐỐC TÀI VỤ, KIÊM IT CÔNG TY TNHH TONGWEI VIỆT NAM:

Hiện nay, Tongwei Việt Nam đang áp dụng công nghệ 4.0. Tongwei Việt Nam đã sử dụng hệ thống phần mềm Oracle EBS (ứng dụng của Mỹ) để triển khai phần mềm chuyên dụng. Phần mềm này có tác dụng bao gồm các mặt quản lý của công ty, từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình chế tạo ra sản phẩm và đến việc tiêu thụ bán hàng của công ty. Thông qua việc sử dụng phần mềm này đã giảm được những thao tác tính toán bằng tay của nhân viên và nâng cao được hiệu suất làm việc của nhân viên.

Bên cạnh đó, Tongwei Việt Nam sử dụng một phần mềm chuyên dụng FBC. Phần mềm này chủ yếu duy trì thông tin của nhân viên trên phần mềm, cũng như thông tin của nhà cung ứng, thông tin khách hàng… Trên những thông tin này, công ty có thể quản lý được toàn bộ thông tin và chiết xuất ra số liệu quản lý có liên quan.

ÔNG TRỊNH QUỐC KHÁNH, GIÁM ĐỐC VNPT - VINAPHONE TIỀN GIANG:

Việc chuyển đổi số của một DN phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo. Rào cản lớn nhất đó là sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo DN. Việc chuyển đổi số trong DN bên cạnh giảm chi phí, còn tạo môi trường quản trị DN hoàn toàn đổi mới phù hợp với xu hướng hiện nay.

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Rào cản về nhận thức vẫn là lớn nhất đối với việc chuyển đổi số trong DN hiện nay. Nhiều khi các cơ quan quản lý nhà nước lại nghĩ rằng đây là việc của các DN, nên họ phải chủ động trong việc này.

Tôi nghĩ rằng, suy nghĩ này cũng không phải là sai, nhưng chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển DN. Bởi xã hội số phải gắn chặt giữa Chính quyền số, kinh tế số và công dân số.

Trong đó, Chính quyền số phải đi tiên phong, tích cực trong xây dựng xã hội số. Cho nên các cơ quan nhà nước phải hỗ trợ cho các DN. Trong chuyển đổi số, Chính phủ đã có hướng dẫn các chính sách hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thông tư hướng dẫn Nghị định này của Chính phủ, UBND tỉnh cũng có hướng dẫn dựa trên tham mưu của các sở, ngành. Cơ hội để thực hiện chuyển đổi số là có.

Muốn vậy, bên cạnh sự chủ động của các DN, chính các đơn vị quản lý nhà nước nên tích cực giúp các DN tiếp cận nguồn lực thực hiện chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông cần giúp các DN về các giải pháp kỹ thuật, định hướng để thấy lộ trình, bước đi trong chuyển đổi số của DN.

* PV: Rõ ràng, đại dịch Covid-19 là thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN, nhưng cũng mở ra cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số. Theo Tiến sĩ, các DN ở tỉnh nên thực hiện chuyển đổi số như thế nào để phù hợp,
hiệu quả?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Để thực hiện chuyển đổi số, DN phải thực hiện đầy đủ các khâu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, áp dụng cho tất cả các thành viên từ giám đốc đến nhân viên thấp nhất. Tất cả phải tham gia vào quá trình này. Điều này có lẽ các DN ở tỉnh và cả nước chưa nhận thức sâu sắc về điều này.

Nhiều DN nghĩ rằng việc chuyển đổi số là của các cấp thực hiện thôi, còn lãnh đạo DN không cần thực hiện. Đây là hạn chế trong nhận thức khi thực hiện chuyển đổi số. Đa số DN ở tỉnh và cả nước đều là nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính để đủ tiền mua những chương trình lớn, thực hiện toàn bộ.

Do đó, các DN phải có cách đi phù hợp với thực trạng của DN nhỏ và vừa, với tiềm lực tài chính của mình. DN phải thực hiện một số chương trình miễn phí, qua mạng để tiết tiệm trong đầu tư. Hiệp hội DN sẽ tham gia vào quá trình tư vấn chuyển đổi số để các DN thấy rõ lộ trình thực hiện.

Đơn vị sẽ có kế hoạch tư vấn, hướng dẫn cho từng DN cụ thể. Bởi mỗi DN đều có những nét riêng, không thể có công thức chung về mặt chuyển đổi số để áp dụng cho tất cả các DN. Muốn thành công phải tìm những nét khác biệt để khắc phục. Hiệp hội DN tỉnh sẽ cùng các DN công nghệ thông tin lớn để hỗ trợ cộng đồng DN tham gia chuyển đổi số theo mong muốn và chỉ đạo của tỉnh và Chính phủ.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

M.THÀNH - V. THẢO

.
.
.