Thứ Tư, 05/10/2022, 08:22 (GMT+7)
.

Rạp hát Thầy Năm Tú - Top 100 các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam

Trong Top 100 các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố, có rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam là Rạp hát Thầy Năm Tú, hiện tọa lạc tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân vùng Nam bộ nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Nhân sự kiện này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Võ Văn Chiến về nguồn gốc, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của rạp hát này trong thời gian qua và sắp tới.

* PV: Xin đồng chí cho biết, nguồn gốc và những đợt trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, khai thác các giá trị của di tích này trong thời gian qua?

* Đồng chí Võ Văn Chiến: Năm 1917, ông Châu Văn Tú, quê Mỹ Tho đại phố (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), làm nghề thầy giáo (còn gọi là Thầy Năm Tú), vốn đam mê nghệ thuật và khá giả, đã mua lại ban nhạc của ông Tư Triều, rồi đầu tư tiền của và mời nghệ sĩ giỏi về diễn, thành lập gánh hát cải lương đầu tiên, lấy tên Gánh hát Thầy Năm Tú.

Về sau, do nhu cầu của khán giả và diễn viên nên Thầy Năm Tú đã đầu tư xây dựng một rạp hát (năm 1918), đặt tên Rạp hát Thầy Năm Tú, là rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Để giữ gìn, tôn tạo nơi được mệnh danh là “cái nôi cải lương”, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã đề xuất UBND tỉnh tu sửa lại vào tháng 3-2014, hoàn thành vào cuối năm đó, với kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng (sân khấu gỗ rộng 102 m2). Đến năm 2021, Sở VH-TT&DL đã tiến hành tu sửa nhỏ, với kinh phí hơn 500 triệu đồng, giao Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh quản lý và khai thác đến nay.

Từ năm 2017 đến nay, Sở VH-TT&DL định kỳ tổ chức Chương trình “Dạ khúc tri âm” vào ngày 17 hằng tháng (sau đó 2 tháng/lần) để phục vụ nhân dân, đã tổ chức được 19 lần, với sự tham gia của hầu hết các nghệ sĩ, ca sĩ tài danh: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSND Lệ Thủy; cố NSND Thanh Kim Huệ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Điền, NSƯT Kim Tiểu Long, NSƯT Trọng Phúc, Danh ca Minh Cảnh…, thu hút rất đông nhân dân tỉnh nhà đến xem.

Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã tham mưu và được UBND tỉnh ký duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử (viết tắt Đề án) giai đoạn 2015 - 2020,  đang thực hiện Đề án giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở của Đề án, hằng tuần, các Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử đều tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, tổ chức giao lưu các CLB trong và ngoài tỉnh tại Rạp hát Thầy Năm Tú.

Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn tại Rạp hát Thầy Năm Tú và cơ sở, nhất là từ đầu năm 2022 trở đi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã ổn định, hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử tại Rạp hát Thầy Năm Tú được tổ chức định kỳ hằng tuần với lượng khán giả ổn định.

Trong các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, Rạp hát Thầy Năm Tú còn là nơi tổ chức các đợt chiếu phim tài liệu phục vụ đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Ngoài ra, mỗi khi tiếp đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành bạn, rạp hát này cũng được chọn làm nơi giao lưu…

* PV: Theo đồng chí, hiện nay việc quản lý, khai thác Rạp hát Thầy Năm Tú còn những khó khăn, hạn chế gì?

* Đồng chí Võ Văn Chiến: Trong quá trình quản lý và khai thác Rạp hát Thầy Năm Tú vẫn còn một số khó khăn, như: Không có bãi đậu xe để tổ chức các chương trình có quy mô lớn. Chương trình “Dạ khúc tri âm” là sáng kiến được lãnh đạo tỉnh nhà ủng hộ, tuy nhiên phần lớn kinh phí mời nghệ sĩ nổi tiếng thường vận động xã hội hóa, rất khó có thể duy trì 1 tháng/lần như mong muốn ban đầu. Mặt khác, do rạp hát tọa lạc gần khu chợ, các hộ tiểu thương, bán hàng rong thường lấn chiếm mặt tiền rạp, gây mất mỹ quan…

Từ năm 2017, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh ký Quyết định ban hành quy định quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Sở trực tiếp quản lý 5 di tích, gồm: Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Di tích Đình Long Hưng, Di tích Khảo cổ Gò Thành và Rạp hát Tiền Giang (Rạp hát Thầy Năm Tú). Với trách nhiệm được giao, Sở sẽ tiếp tục quản lý, theo dõi để gìn giữ cơ sở vật chất 5 di tích trên.

* PV: Mới đây, Rạp hát Thầy Năm Tú vinh dự nằm trong Top 100 các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố. Qua sự kiện này, Sở VH-TT&DL có giải pháp gì để khai thác hiệu quả hơn Rạp hát Thầy Năm Tú trong thời gian tới?

* Đồng chí Võ Văn Chiến: Việc Rạp hát Thầy Năm Tú được vinh dự nằm trong Top 100 các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam đã cho thấy giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của di sản này. Đó không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Tiền Giang, mà cả vùng Nam bộ, bởi nó song hành cùng sự hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Nam bộ - một loại hình nghệ thuật có sức lan tỏa không chỉ trong nước mà còn quốc tế.     

Chương trình “Dạ khúc tri âm” được tổ chức định kỳ tại Rạp hát Thầy Năm Tú.
Chương trình “Dạ khúc tri âm” được tổ chức định kỳ tại Rạp hát Thầy Năm Tú.

Trước sự da dạng của nhiều loại hình giải trí công nghệ số, công chúng có nhiều sự lựa chọn hình thức giải trí, nên việc khai thác Rạp hát Thầy Năm Tú sao cho “xứng tầm” luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo Sở
VH-TT&DL và các cán bộ nghiệp vụ của tỉnh trong nhiều năm qua. Điều đáng mừng là, loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người mộ điệu. Và việc làm cho Rạp hát Thầy Năm Tú tiếp tục “sáng đèn” cũng là cách tri ân các thế hệ nghệ sĩ của tỉnh, nhất là những bậc tiền bối đã có công khai sáng nghệ thuật cải lương.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng chất lượng các chương trình biểu diễn để thu hút công chúng; tổ chức biểu diễn giao lưu với các đơn vị nghệ thuật ngoài tỉnh để tạo nét mới; tổ các sự kiện văn hóa của ngành, các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ; tiếp nhận các đơn vị nghệ thuật của cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành trung ương về biểu diễn.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bố trí kinh phí để bảo dưỡng, duy trì cơ sở vật chất của rạp hát và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh bổ sung Rạp hát Thầy Năm Tú vào các tour du lịch để góp phần giới thiệu về quê hương, con người Tiền Giang, nhất là bộ môn nghệ thuật cải lương.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

GIA TUỆ (thực hiện)

.
.
.