.
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20-11-1982 - 20-11-2022)

Vai trò quan trọng, trách nhiệm nặng nề của nhà giáo trong sự nghiệp "trồng người"

Cập nhật: 10:29, 16/11/2022 (GMT+7)

"Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, dù ở bất cứ thời đại nào thì vai trò của người thầy luôn được đề cao, coi trọng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trở thành điểm sáng về giáo dục của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022), Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có những chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong công cuộc đổi mới GD-ĐT hiện nay.

* Phóng viên (PV): Đội ngũ nhà giáo là một trong những nhân tố quan trọng của sự nghiệp giáo dục, vậy tiến sĩ đánh giá thế nào về chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh hiện nay?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo của tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình đổi mới GD-ĐT. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhà giáo tỉnh nhà đã có ý thức chính trị sâu sắc, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Rất nhiều giáo viên đã nỗ lực sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nhiều giáo viên đã không ngại vượt khó, bám trường, bám lớp để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Ngành GD-ĐT đang triển khai Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo các quy định hiện hành; đồng thời, từng bước nâng cao và chuẩn hóa về trình độ đào tạo, nâng chất toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Thường xuyên cập nhật phương pháp giảng dạy, kiến thức, kỹ năng mới cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ trình độ và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

* PV: Theo tiến sĩ, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay thì vai trò của người thầy được khẳng định ra sao?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Do yêu cầu của công cuộc đổi mới, chính vì vậy đòi hỏi người giáo viên phải nhanh chóng cập nhật về công nghệ dạy học, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp sự thay đổi về nhiều phương diện từ phương pháp, chương trình đến sách giáo khoa... Đây là vấn đề được xem là thách thức. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội để mỗi người thầy thay đổi, thích nghi, trau dồi chính mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học trong thời đại 4.0.

Toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang hiện có 19.139 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục; trong đó có 16.865 giáo viên và 2.274 nhân viên. Những năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của các ngành, các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên của toàn ngành đã được nâng cao. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc học mầm non 81,25%; tiểu học 70,72%, THCS 63,82% và THPT 99,99%.

Đứng trước bối cảnh của đổi mới giáo dục, đặc biệt trước mắt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc truyền thụ tri thức của người thầy trong xã hội hiện nay không còn là việc truyền dạy “một chiều” như trước, mà đòi hỏi người thầy phải chủ động, hỗ trợ, dẫn dắt, truyền dạy kỹ năng cho học sinh, nghĩa là hướng đến yêu cầu thực hành chứ không phải lý thuyết suông như trước đây.

Bên cạnh đó, người thầy không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Và vấn đề xuyên suốt đi theo mỗi cuộc đời của những ai đã chọn nghề giáo là người thầy cần phải gương mẫu ngay trong cả lời nói và hành động.

* PV: Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã có những chăm lo thế nào đến đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, thưa tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành. Cụ thể đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết; tặng quà cho các nhà giáo nghỉ hưu, chuyển công tác.

Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhiều cán bộ, nhà giáo vượt qua khó khăn do đại dịch. Bên cạnh những hỗ trợ về vật chất, ngành GD-ĐT cũng đã quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, nhà giáo, người lao động với nhiều hình thức, qua đó động viên đội ngũ nhà giáo phấn khởi, ổn định cuộc sống, nâng cao chất lượng công tác như thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, giao lưu văn nghệ… giữa các đơn vị với nhau.

* PV: Theo tiến sĩ, trước bối cảnh đổi mới, đặc biệt là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, người thầy cần làm gì để thích ứng?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Để đáp ứng những yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục hiện nay, người thầy luôn phải tự thân phấn đấu rất cao. Sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: “Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi”. Chính vì vậy, trong giai đoạn đổi mới giáo dục như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi thầy, cô giáo phải luôn tự thân cố gắng là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn, thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, thực hiện tốt các phong trào thi đua của ngành.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh nhà càng phải nhận thức đúng đắn vai trò, bổn phận và trách nhiệm to lớn của mình; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và xã hội. Có như vậy, mới xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục có đầy đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã căn dặn.

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022), tôi rất mong đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà không ngừng nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình hơn nữa. Đội ngũ cán bộ, giáo viên phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Mỗi thầy giáo, cô giáo phải năng động, sáng tạo, vượt lên khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

Tôi thân ái gửi lời chúc quý thầy, cô giáo và cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà cùng gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, đặc biệt là sẽ có nhiều tâm huyết, phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, cùng với toàn ngành đưa sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

* PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

.
.
.