.
PGS, TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam:

"Với ChatGPT, trí thông minh nhân tạo đã đi vào đời sống và đạt được tính đại chúng"

Cập nhật: 21:33, 23/02/2023 (GMT+7)

PGS, TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (ảnh bên) - chuyên gia có hơn 25 năm kinh nghiệm về giảng dạy, nghiên cứu, thực hành AI tại Việt Nam, Australia, Hàn Quốc, chia sẻ góc nhìn riêng của mình về ChatGPT đang “gây bão” trên toàn cầu và những vấn đề của ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI (Artifical Intelligence - Trí thông minh nhân tạo) ở Việt Nam.

Với góc nhìn của một chuyên gia AI, ông nhận định thế nào về ChatGPT đang gây sốt trên toàn cầu và Việt Nam?

ChatGPT - một sản phẩm của AI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (large language models - LLM), thuộc lĩnh vực AI tạo sinh (generative AI). AI tạo sinh là loại AI dùng để sinh ra nội dung mới sau khi đã huấn luyện trên những dữ liệu, nội dung đã có trong quá khứ. Đây là công cụ chatbot dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn của AI tạo sinh đầu tiên dành cho công chúng phổ thông như một sản phẩm hoàn thiện (dù đây mới là bản thử nghiệm beta). Khả năng về sáng tác, viết ngôn ngữ của các ứng dụng chatbot AI trước đây kể cả do Google hay Apple không thể so sánh được với ChatGPT.

Vì mô hình ngôn ngữ của các chatbot trước đây là ngôn ngữ nhỏ, kích thước nhỏ, còn ChatGPT lần đầu tiên có hệ thống tương tác, sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn. ChatGPT sẽ cho ra kết quả đủ để ít nhất 30 phút đầu người dùng phải bất ngờ với sự thông minh của nó.

Tất nhiên sau khoảng 3 ngày sử dụng các bạn sẽ thấy những điểm còn yếu kém, nhưng 30 phút đầu tiên luôn là 30 phút toàn diện nhất của ChatGPT. ChatGPT được xây dựng thân thiện hơn so với các công cụ tương tự. Đội ngũ của OpenAI đã biết cách tinh chỉnh LLM cho bài toán chatbot.

Hãng OpenAI tạo ra ChatGPT không sử dụng thuật toán, họ có một kho dữ liệu cực lớn sau đó huấn luyện AI trên đó. Cuối cùng, tri thức dữ liệu đưa vào AI và nó trả lời. ChatGPT hoạt động như thế nào, đưa ra câu trả lời của nó như thế nào đôi khi kể cả những người huấn luyện ra mô hình cho ChatGPT cũng không hiểu.

Tôi cho rằng AI tạo sinh và các sản phẩm dựa trên công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT chắc chắn là xu thế công nghệ AI trong tương lai gần. Nó có khả năng tận dụng lượng dữ liệu huấn luyện lớn mà không cần sự can thiệp nhiều của con người trong quá trình tự học.

Theo ông ChatGPT sẽ tác động, tạo ra sự thay đổi gì ở Việt Nam?

Bản chất AI tạo sinh hay mô hình AI sáng tạo sẽ cho phép sản sinh ra các nội dung mới. Như vậy ChatGPT sẽ tác động rất lớn tới các ngành luôn sản sinh ra nội dung mới như giáo dục, truyền thông, sau đó có thể là nghệ thuật và các ngành khác. Còn quá sớm để đưa ra những nhận định mang tính khái quát hay vĩ mô về ChatGPT, như ChatGPT có thể thay thế con người trong một số ngành nghề đặc thù, khiến nhiều nghề có thể biến mất.

Cần có thời gian cho những đánh giá nghiêm túc, hệ thống, bài bản hơn. Hơn thế nữa ChatGPT hiện mới là phiên bản thử nghiệm (beta) và mô hình ngôn ngữ cũng như hệ thống sẽ còn được cập nhật. Mặt khác ChatGPT hay các công nghệ AI tạo sinh không phải không có hạn chế. Vì thế chưa đủ cơ sở để kết luận như “AI thay thế con người” hay “AI sẽ thay thế nghề nghiệp”. Tôi nhận thấy, có một thực trạng là truyền thông về AI luôn bị thổi phồng quá mức. Còn quá sớm để nói ChatGPT có thể thay thế con người. Tôi nghĩ xu thế sắp tới vẫn là con người kết hợp với sự trợ giúp AI để làm việc.

Về ngắn hạn, truyền thông thường bơm thổi quá về AI, nhưng về dài hạn lại thường đánh giá không đủ sức mạnh của AI.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển AI và tương lai của ứng dụng AI ở Việt Nam?

Khoảng 6, 7 năm lại đây công nghệ AI dần đi vào thực tế và phát triển rất nhanh, khi bắt đầu có tính ứng dụng. Năm 2017 tôi đã nhận thấy công nghệ AI đã tới thời điểm chín muồi để bước ra thực tế tại Việt Nam. Và quan trọng nhất, nó đã trở thành một ngành công nghiệp. Trước đây AI chỉ gói gọn trong những cuộc bàn luận của những nhà nghiên cứu nhưng bây giờ tất cả mọi người, cả thế giới đều phải quan tâm đến nó. Gốc rễ của AI là phục vụ con người, có thể nói đây là một ngành khoa học nghiên cứu rất chuyên sâu về con người. Nên việc phát triển AI là một vấn đề rất cấp thiết.

Ở Việt Nam có một thực tế đáng buồn là từ trước đến giờ chỉ những lĩnh vực công nghệ, hay doanh nghiệp mới nghiên cứu về AI. Trong khi đó tôi cho rằng tất cả các cơ quan từ lập pháp, hành pháp, tới truyền thông…, kể cả chính trị cũng phải học về AI. AI không chỉ tác động lên con người, xã hội mà ảnh hưởng lên cả cách quản trị xã hội. Đó là thí dụ của Trung Quốc về sử dụng AI và thay đổi cả mô hình thiết chế xã hội, đó là câu chuyện của BigTech ở Hoa Kỳ cũng sử dụng AI để thu thập dữ liệu giám sát con người. Ảnh hưởng của AI rất lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó không phải ngẫu nhiên mà những bộ óc vĩ đại của thế giới dự đoán AI có thể tiến hóa đến mức tiêu diệt loài người, hay AI sẽ là công nghệ cuối cùng mà con người phát triển.

Từ những năm 2010, tôi cùng những người trong ngành đã xây dựng mạng lưới kết nối những người Việt Nam làm AI trong nước và nước ngoài. Chúng tôi đã tổ chức một sự kiện “Hội nghị AI nghiên cứu và ứng dụng” mang tính ứng dụng nhiều chứ không nặng tính hàn lâm. Thật bất ngờ, mọi người đến dự đông quá, hội trường không đủ chỗ. Chúng tôi nhận ra rằng câu chuyện AI không phải của thế giới mà còn là câu chuyện của Việt Nam nữa.

Từ sự kiện đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã tổ chức thường niên “Ngày Trí tuệ nhân tạo”. Và chúng tôi thấy rằng Việt Nam không thể chậm chân về AI so với thế giới được. Vì đây là vấn đề toàn cầu, càng phát triển thế giới càng phải dựa vào AI nên Việt Nam không thể bỏ lỡ được.

Mặt khác, với một công nghệ mới, ngành mới thì cơ hội sẽ chia đều. Nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội vẫn có “cửa” cạnh tranh, bằng chứng là nhiều công ty của Việt Nam đang cung cấp AI cho nhiều nước phát triển. Nhưng cách tiếp nhận của chúng ta như thế nào sẽ quyết định sự thành công và phát triển của AI tại Việt Nam.

Tuy nhiên, AI trước đến nay vẫn đang thiếu một điểm nhấn, thiếu một cái gì đó để mọi người phải “ồ” lên kinh ngạc. Đúng lúc đó ChatGPT ra đời và khiến mọi người phải “ồ” lên. ChatGPT là một bằng chứng sinh động cho thấy AI đã đi vào cuộc sống, và đạt được tính đại chúng, chứ không còn “quanh quẩn” trong phòng nghiên cứu nữa. AI bây giờ đang chuyển dần từ ngành khoa học sang ngành công nghệ ứng dụng và có những sản phẩm thị trường.

Tại Viện Trí tuệ nhân tạo, chúng tôi đã phát triển các sản phẩm, công nghệ AI ứng dụng vào nhiều ngành khách nhau như điện lực, dầu khí, môi trường,... Khi ứng dụng AI vào các khía cạnh của cuộc sống, chúng ta có thêm một vấn đề quan trọng nữa cần quan tâm đó là Đạo đức học AI (AI Ethics). Đó là phải làm sao để việc ứng dụng AI mang lại những lợi ích thiết thực cho con người, xã hội chứ không gây ra những ảnh hưởng xấu.

Trước đây đã có 2 lần AI có được kỳ vọng lớn (mùa xuân AI), rồi 2 lần đó đều thất vọng (mùa đông AI). Tôi cho rằng sẽ không có mùa đông AI thứ 3 (AI Winter - một thuật ngữ đề cập đến một khoảng thời gian bị thiếu hụt tài trợ và giảm thiểu kinh phí cho các hoạt động hướng đến việc phát triển máy móc có trí thông minh giống con người). Nguyên nhân của điều này là AI hiện nay đã thực sự được ứng dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội thí dụ như ChatGPT. Tất nhiên để ứng dụng AI, chúng ta không chỉ cần công nghệ mà còn nhiều yếu tố khác nữa như thể chế, chính sách, pháp luật, đạo đức, kinh doanh,...

Theo ông, làm thế nào để theo kịp sự phát triển chóng mặt của AI nói chung và ChatGPT nói riêng, để chúng ta không bị “bỏ lại phía sau”, giúp phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của ChatGPT và AI và tránh được tư duy “không quản được thì cấm?

Theo tôi, trước hết về ngành giáo dục, cần hiểu đúng về ChatGPT và AI sau đó cần sự tham gia của toàn bộ xã hội. Đây không phải là câu chuyện riêng của ngành giáo dục, cũng không phải của câu chuyện của AI. Câu chuyện này đòi hỏi sự chủ động tham gia của tất cả mọi người.

Tôi vẫn hay nói với các phụ huynh học sinh về việc dù có thích hay không thích thì con cái chúng ta vẫn sẽ phải sống với AI và chịu ảnh hưởng từ AI trong tương lai. Sẽ có 2 sự lựa chọn: các con học không phải để làm nghề AI mà để sống mà để làm việc, để làm chủ, để hợp tác với AI hay là trở thành “tầng lớp vô dụng mới” - cách nói của nhà sử học nổi tiếng Harari đề cập tới một lớp người không thích nghi được với môi trường mới trong một thế giới đầy biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ (VUCA).

Ngành giáo dục - một trong những ngành chịu ảnh hưởng của AI và ChatGPT phải chủ động “đón bão” - bão đến thì sẽ có những đổ vỡ. Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động để tránh những đổ vỡ. Ngành giáo dục phải chủ động kết hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu ra những sản phẩm ứng dụng AI có ích trong tình hình này. Bởi vì, với những công nghệ AI tạo sinh gần đây, hay như ChatGPT, sẽ thấy một điều rất đáng buồn là để nghĩ ra những ứng dụng kém chất lượng, hay gây hại dễ hơn là làm ra những ứng dụng có ích.

Ngành giáo dục nước ta đang phát triển chậm, những xu hướng mới như giáo dục mới STEM cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi, biến tướng thành nhiều câu chuyện khác nhau. Tôi được biết, hiện nay học sinh ở nhiều nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... bắt buộc phải học về AI từ cấp 1.

Ước mơ của tôi là tất cả các học sinh thuộc thế hệ sau này của Việt Nam đều được học AI. Trong bộ phim “Chú chuột đầu bếp” có thông điệp “ai cũng có thể nấu ăn”, tôi cũng muốn “Ai cũng được học AI và học được AI”. Phải làm sao để các em học sinh ở Việt Nam đều được học về AI. Việc này đòi hỏi sự giúp sức của toàn bộ xã hội, mỗi một người cũng cần thay đổi nhận thức và ngành giáo dục cũng phải chủ động chuyển mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo nhandan.vn ) 

 

.
.
.