Ngày thơ Việt Nam đã trở thành nét văn hóa thu hút công chúng
Trải qua 20 năm, Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng Giêng) không chỉ trở thành ngày hội nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thơ ca, được nhiều người chờ đợi, mà còn là nét văn hóa độc đáo. Sau 3 năm không tổ chức do dịch Covid-19, năm nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú. Trên tinh thần đó, Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang chia sẻ:
Từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày rằm tháng Giêng hằng năm được chọn là “Ngày thơ Việt Nam”, lần đầu tiên được tổ chức vào năm Quý Mùi (2003).
Đến nay, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội, một nét văn hóa độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu văn chương, hướng con người đến với những chân - thiện - mỹ để tự hoàn thiện tâm hồn, nhân cách, từ đó sống đẹp và sống tốt hơn.
Trong Ngày thơ Việt Nam những năm qua trên phạm vi cả nước, độc giả có dịp giao lưu với các tác giả thơ, là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca. Thơ được đọc, được trình diễn, được truyền tải bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ đó đưa thơ đến gần hơn với công chúng. Tất cả đã góp phần làm cho công chúng hiểu thơ, thích thơ và yêu cuộc sống hơn, tiếp nối truyền thống thơ ca từ ngàn xưa của dân tộc.
* Phóng viên (PV): Sau 3 năm không tổ chức Ngày thơ Việt Nam do dịch bệnh Covid-19, năm nay, trên cả nước nói chung và ở Tiền Giang nói riêng, Ngày Thơ Việt Nam có gì mới, thưa nhà thơ?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Ngày thơ Việt Nam chính thức trở lại sau 3 năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19. Hội Nhà văn Việt Nam chọn chủ đề “Nhịp điệu mới” cho Ngày thơ năm nay với ước vọng, khi đất nước chúng ta đã vượt qua đại dịch thế kỷ, cuộc sống bình thường mới trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới, hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp. Ngày thơ Việt Nam năm 2023 vì thế cũng có nhiều sự kiện và cách làm mới mẻ hơn trước, được tổ chức theo phong cách lễ hội, với nhiều hoạt động đặc sắc để hấp dẫn và thu hút ngay cả những người chưa hiểu về thơ.
Ở Tiền Giang, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chọn chủ đề “Nhịp điệu sông Tiền” cho chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục diễn ngâm thơ, trình diễn các ca khúc, bài vọng cổ phổ từ thơ vào đêm rằm tháng Giêng âm lịch. Ngoài ra, khán giả còn được giao lưu với các nhà thơ tiêu biểu của Tiền Giang trên sân khấu, được các nhà thơ ký tặng các tác phẩm mới xuất bản.
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày thơ còn có buổi tọa đàm về tập thơ “Mặt trời trong đêm” của Nguyễn Hữu Đức, tác giả đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn dành trọn đam mê cho thơ. Bên cạnh đó là không gian trưng bày các tác phẩm thư pháp thơ, tặng chữ thư pháp đầu năm cho người yêu thơ. Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Tiền Giang, là chi hội địa phương thứ hai được thành lập ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tặng chữ thư pháp cho người yêu thơ tại Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Tiền Giang vào năm 2019. |
* PV: Trong những năm qua, dòng chảy thơ ca của Tiền Giang đã bắt nhịp, hòa cùng dòng chảy của thơ ca khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung như thế nào?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Bám rễ trên vùng đất phù sa màu mỡ, bốn mùa cây trái, thơ Tiền Giang đang cùng thơ ca cả nước làm nên bức tranh văn chương đa diện bằng bản sắc độc đáo của vùng đất và con người Nam bộ. Thơ Tiền Giang đã và đang bắt nhịp hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau, và có sự phát triển vượt bậc về đội ngũ tác giả thơ và sự nở rộ những cá tính sáng tạo, những phong cách thơ.
Có thể nói, Tiền Giang là địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển phong trào thơ ca. Qua 6 lần tổ chức từ năm 2002 đến nay, Tiền Giang đã 3 lần có tác giả đoạt giải thưởng cao nhất ở Cuộc thi thơ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, phong trào thơ ca ở Tiền Giang nở rộ với rất nhiều Câu lạc bộ thơ từ cấp tỉnh, cấp huyện cho đến tận các phường, xã, ấp, khu phố… Trong số 7 tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Tiền Giang hiện nay, thì có đến 6 tác giả thuộc chuyên ngành thơ; hằng năm có hàng chục tập thơ mới được xuất bản. Những điều này cho thấy phong trào thơ ca ở Tiền Giang đã thu hút được đông đảo công chúng yêu thơ và lan tỏa sức sống bền lâu của thơ ca.
Ra mắt tập thơ đầu tay ở tuổi 93 “Mặt trời trong đêm” là tập thơ đầu tay của tác giả Nguyễn Hữu Đức (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang), vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2023. Tác giả của tập thơ năm nay đã bước sang tuổi 93, một cán bộ cách mạng lão thành và là chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Thủ Khoa Huân (trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) trong hơn 20 năm nay. Đây là tác phẩm được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức buổi giao lưu, ra mắt trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày thơ Việt Nam tại Tiền Giang năm nay. Nhà thơ Hữu Đức (sinh năm 1930) tên thật là Ngô Ngọc Tốt. Ông nguyên là Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan dân chính đảng (nay là Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang) giai đoạn từ năm 1986 - 1992. Từ khi về nghỉ hưu theo chế độ, ông có nhiều thời gian dành cho đam mê thơ ca. Mặc dù vậy, đến nay, Nhà thơ Hữu Đức mới xuất bản tập thơ đầu tay “Mặt trời trong đêm”, với 75 bài thơ được chắt lọc sau hơn 20 năm làm thơ. Xuất bản tập thơ đầu tay ở tuổi gần đất xa trời, Nhà thơ Hữu Đức là tấm gương cống hiến và sáng tạo không mệt mỏi, không ngừng nghỉ với thơ ca LÊ VĂN |
* PV: Có thể thấy, những tác giả thơ của Tiền Giang đã khẳng định được bút lực đều không còn trẻ. Điều đó cho thấy, đội ngũ những người sáng tác văn học nói chung và thơ ca nói riêng của tỉnh nhà đang có một khoảng trống thế hệ. Nhà thơ nghĩ sao về vấn đề này?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Nhiều năm qua, không riêng thơ mà các chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật ở Tiền Giang đều trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận. Mặc dù hằng năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vẫn thường xuyên mở các trại sáng tác, các khóa bồi dưỡng, hỗ trợ sáng tác và công bố tác phẩm…, tuy nhiên việc phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ vẫn còn khoảng trống chưa thể lấp đầy.
Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, dường như có quá ít khoảng lặng để dành cho văn chương. Không có bầu không khí thơ ca để hâm nóng nhiệt huyết, đam mê; không có sự quan tâm, cổ vũ của công chúng; không có sự đầu tư và khích lệ thỏa đáng khiến cho đời sống văn chương càng trở nên buồn tẻ, chưa tạo nên phong trào sôi nổi, lẽ dĩ nhiên sẽ khó tìm được những tác giả lớn, những tên tuổi đủ khả năng tỏa sáng trên văn đàn.
* PV: Việc tạo sân chơi cho đội ngũ sáng tác văn học nói chung và thơ ca nói riêng nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các cây bút trẻ trên địa bàn tỉnh dường như đang bỏ ngỏ?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Trong những năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh luôn xác định việc phát hiện và bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ, những tài năng văn chương trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Từ năm 1998, Câu lạc bộ Sáng tác văn trẻ được thành lập và hoạt động sôi nổi đã bổ sung nhiều cây bút tiềm năng, tâm huyết cho phong trào thơ ca của tỉnh. Thật đáng tiếc, thời gian sau này, câu lạc bộ chỉ hoạt động cầm chừng và đi đến tự giải tán do chưa có mô hình hoạt động phù hợp, chưa có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng để các tác giả tiến xa hơn trên con đường văn chương.
Cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang qua 3 lần tổ chức cũng đã hé lộ nhiều tài năng trẻ, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân cuộc thi này cũng không được tổ chức thường xuyên. Hội cũng đã tổ chức thành công 2 khóa bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ, nhưng đến khóa thứ ba không thể chiêu sinh đủ số lượng học viên để có thể tổ chức lớp.
Tới đây, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là không ngừng đổi mới phương thức hoạt động phù hợp, bắt nhịp với công nghệ hiện đại để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng, phát triển phong trào sâu rộng để “kích hoạt” niềm đam mê thơ ca nói riêng và đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung trong mỗi người.
* PV: Xin cảm ơn nhà thơ!
THIÊN LÊ (thực hiện)