.

"Có đạo đức thì mới có sức để gánh vác và đi xa hơn"

Cập nhật: 14:10, 20/05/2023 (GMT+7)

Trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, bởi con người có đạo đức thì mới “có sức để gánh vác và đi xa hơn”.

a
Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Văn Báu trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Ngày 19/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bên lề Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Văn Báu đã có những chia sẻ với phóng viên về sự cần thiết xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, vì sao tại thời điểm này Ban Tuyên giáo Trung ương lại tổ chức một hội thảo cấp quốc gia với nội dung là xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới?

Đồng chí Đoàn Văn Báu: Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm, một trong số đó là xây dựng văn hóa, tinh thần vừa là nền tảng, vừa là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.

Trong văn hóa, đạo đức có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt đối với Đảng thì “vừa là trí tuệ, vừa là văn minh, vừa là đạo đức”. Văn minh thì phải có đạo đức, đạo đức đối với Đảng càng phải đặt lên hàng đầu trong câu chuyện đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn.

Hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến có những thay đổi mà Đảng nhận định là biến đổi mau lẹ, khó lường, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh của dân tộc, sự đoàn kết, đồng lòng, cùng sự lãnh đạo tập trung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúng ta đã vượt qua và đạt được những mục tiêu hết sức quan trọng. Nhưng đồng thời, cũng là lúc chúng ta phải nhìn nhận những hạn chế của chúng ta.

Chúng ta đã có Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó nhấn mạnh vấn đề đạo đức cách mạng. Chúng ta phải đẩy mạnh việc này vì con người có đạo đức thì mới “có sức để gánh vác và đi xa hơn”.

Hội thảo này là sự kết nối 4 hệ giá trị trước đó mà chúng ta đã xác định, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021. Lần này, chúng ta kết nối một hệ giá trị nữa, được gọi là hệ giá trị cho chuẩn mực cán bộ, đảng viên để làm căn cứ rèn luyện, phấn đấu trong bối cảnh mới.

a
Quang cảnh Hội thảo.

Điều này không mới vì tất cả những chuẩn mực này đã được các nhà kinh điển cũng như Bác Hồ từng nói. Hơn nữa, Đảng ta trong mỗi giai đoạn cách mạng cũng đã phát triển, bổ sung. Chỉ có điều, chúng ta chưa có một hệ thông suốt từ đầu đến cuối. Do vậy, có bao nhiêu thành tố, phẩm chất thì hiện chúng ta tập hợp lại để bổ sung, phát triển, thống nhất.

Hội thảo không chỉ thuần túy là câu chuyện để bàn về lý luận, mà gắn chặt với thực tiễn, gắn với 4 hệ giá trị để chúng ta triển khai thực hiện. Có 2 khía cạnh tôi cho là rất quan trọng, thứ nhất phải vận dụng và phát triển sáng tạo đạo đức cách mạng đã được xây dựng, thứ hai là xác định, xây dựng chuẩn mực dựa trên 2 tiêu chí: các chuẩn mực mang tính đạo đức con người phải thực hiện, nhất là đạo đức cách mạng, đó là “trung với Tổ quốc, dân tộc, hết lòng hết sức vì Đảng, vì nhân dân”.

Cùng với những chuẩn mực đạo đức, chúng ta còn có những chuẩn mực ứng xử đạo đức. Về vấn đề này, Bác Hồ từng nói có 3 mối quan hệ quan trọng: đối với chính mình, đối với công việc và đối với người-người. Nếu chúng ta quan niệm như vậy, chúng ta sẽ có những thành tố được xây dựng dựa trên những khía cạnh đã đề cập.

Cùng với đó, chúng ta sẽ xây dựng những tiêu chí cụ thể để đánh giá các chuẩn mực ấy, để trên cơ sở thực hành nhưng phải có tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn, thế nào là yêu nước, yêu nước là yêu ở mức nào, thế nào là trung thực.. Chúng ta phải có những tiêu chí rất cụ thể để đưa vào hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Bên cạnh những tiêu chí chúng ta đã có, đang bàn, đang phát triển, phải tiếp tục kiểm nghiệm, tổng kết, bổ sung từ thực tiễn để có được sự thống nhất, thống nhất trong tư tưởng mới đồng thuận trong tổ chức thực hiện.

Phóng viên: Thưa đồng chí, qua các tham luận tại Hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cần phải gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Đồng chí Đoàn Văn Báu: Bác Hồ là người thầy sáng lập ra Đảng, đã để lại cho chúng ta một kho tàng lý luận, nhưng khi có lý luận về đạo đức, Bác đồng thời cũng là người nêu gương sáng về thực hành đạo đức. Cả dân tộc khi nhớ đến Bác là nhớ đến những thực hành đạo đức cách mạng của Người. Người không phải đi dạy người ta làm đạo đức, mà thông qua hành vi đạo đức của Người để làm gương cho người khác noi theo. Đấy là cái rất quan trọng.

Từ trước đến nay, nếu không có đạo đức thì chúng ta không thể đi xa được. Người có đạo đức là những người có thể gánh trọng trách, biết hy sinh quên mình, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.

a
Đồng chí Đoàn Văn Báu nhấn mạnh, nếu không có đạo đức thì chúng ta không thể đi xa được.
Bác Hồ là người thầy sáng lập ra Đảng, đã để lại cho chúng ta một kho tàng lý luận, nhưng khi có lý luận về đạo đức, Bác đồng thời cũng là người nêu gương sáng về thực hành đạo đức. Cả dân tộc khi nhớ đến Bác là nhớ đến những thực hành đạo đức cách mạng của Người. Người không phải đi dạy người ta làm đạo đức, mà thông qua hành vi đạo đức của Người để làm gương cho người khác noi theo. Đấy là cái rất quan trọng.

    Đồng chí Đoàn Văn Báu

 

Học tập và làm theo Bác, chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng: học, học suốt đời. Trong nhận thức trước hết phải chuẩn chỉ, nhưng đồng hành với đó là chúng ta phải làm theo. Làm theo không phải là bắt chước mà hãy từ tâm nguyện, việc làm của chúng ta, làm vì trách nhiệm, hết mình hết sức để lan tỏa. Làm theo những cái tốt đẹp, đó là biết trân trọng, lắng nghe, và không có sự vô cảm với nhân dân, tất cả vì nhân dân, trở thành công bộc của nhân dân. Phải chăm lo đến đời sống, cái ăn, cái ngủ, sự học hành của nhân dân. Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nhấn mạnh thêm yếu tố “hạnh phúc”, đó là hạnh phúc cho nhân dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng hạnh phúc”.

Điểm thứ ba trong học tập và làm theo Bác rất quan trọng, đó là sự nêu gương. Người từng nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nếu người lãnh đạo cao nhất nêu gương thì cả phong trào sẽ cùng chuyển động. Có cán bộ tốt thì chúng ta có phong trào tốt. Nếu cán bộ, người đứng đầu nêu gương thì cả cơ quan, đơn vị sẽ đồng hành, đoàn kết, thống nhất.

Thời gian qua, rất nhiều tấm gương đã hy sinh quên mình trong bối cảnh rất mới. Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động muôn chiều đến nền kinh tế của chúng ta, nhưng với tinh thần, bản lĩnh vững vàng, với sự hy sinh quên mình, chúng ta đã đứng vững và phát triển. Đây là những điểm chúng ta cần thống nhất để tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ, thành tựu ngày hôm nay có thể trở thành khuyết điểm ngày mai. Hôm nay đã tốt thì mai phải tốt hơn, không được chủ quan, tự mãn với những gì chúng ta đã có, mà cần tiếp tục nhận thức khó khăn để trên nền chúng ta đang có, nỗ lực phấn đấu để vượt cao hơn cái hôm qua. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là những người cộng sản.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.