Nâng cao ý thức người lao động về chính sách BHXH, BHYT
Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức hàng trăm hội nghị, cuộc đối thoại, tuyên truyền, tư vấn cho người sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT. Nhân “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang Huỳnh Anh Tuấn.
* Phóng viên (PV): Thời gian qua, với vai trò là cơ quan phối hợp với BHXH tỉnh, Sở LĐTB&XH đã có những hoạt động gì nhằm nâng cao ý thức người lao động trong việc tham gia BHXH, BHYT, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Anh Tuấn: Nhằm nâng cao ý thức của người lao động, cũng như giúp người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, về quyền, nghĩa vụ và lợi ích khi tham gia BHXH, góp phần gia tăng số lượng người lao động tham gia BHXH, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, Sở LĐTB&XH chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, BHXH tỉnh… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách BHXH đến người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp (DN).
Nhiều hình thức được tổ chức như: Hội nghị tập huấn cho tuyên truyền viên pháp luật lao động tại các DN (8 hội nghị với 1.528 lượt người của 787 lượt DN tham dự); 1 hội nghị đối thoại với người lao động và người sử dụng lao động (279 người của 150 DN tham dự); tổ chức được 2 lần hội thi tìm hiểu pháp luật, với 495 người tham gia); phát sóng trực tiếp Chương trình “Pháp luật với đời sống” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (1 lượt); phát thanh qua hệ thống đài phát thanh cấp xã, huyện (184 lượt).
Đồng thời, cấp phát 245.000 tờ rơi, 500 đĩa phát thanh hỏi - đáp, cẩm nang, sách chỉ mục… đến 500 DN để tuyên truyền trong giờ nghỉ giữa ca, giữa buổi hoặc giờ nghỉ giải lao tại nơi làm việc và trên xe đưa đón người lao động; tổ chức 114 buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại 172 lượt DN với 16.113 lượt người tham dự…
Cùng với đó, tổ chức 3 hội nghị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, BHXH đến các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện với khoảng 150 đại biểu tham dự. Qua đó, giúp cán bộ làm công tác về lao động, BHXH củng cố kiến thức pháp luật và nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật; nâng cao năng lực và phát huy vai trò của cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, BHXH.
* PV: Theo đồng chí, hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động đối tượng người lao động tham gia BHXH, BHYT còn có những khó khăn, hạn chế gì?
* Đồng chí Huỳnh Anh Tuấn: Qua thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách BHXH đến người lao động và người sử dụng lao động, Sở LĐTB&XH nhận thấy một số DN thiếu cộng tác trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, BHXH nên chưa bố trí đầy đủ người lao động trong DN tham dự các buổi tuyên truyền mà chỉ cử các tổ trưởng, Công đoàn và một số ít công nhân, lao động tham dự.
DN chưa chủ động phối hợp hoặc không tạo điều kiện để Công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động. Việc tiếp cận DN để tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về lao động, BHXH còn gặp nhiều khó khăn do DN không hợp tác, nhất là đối với các DN có quy mô vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, một số người lao động do chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia BHXH, chỉ lo đến vấn đề có việc làm, có thu nhập nên chưa quan tâm đến quy định pháp luật về lao động, BHXH. Đồng thời, người lao động cũng chưa quan tâm, tìm hiểu về các chế độ BHXH, về lợi ích khi tham gia BHXH nên không tham dự các buổi tư vấn, tuyên truyền pháp luật, nếu có tham dự thì cũng về sớm. Đặc biệt, người lao động cũng không tìm hiểu các nội dung tuyên truyền BHXH qua tờ rơi đã được cấp phát dẫn đến việc tuyên truyền chưa thật sự có hiệu quả.
* PV: Bộ LĐTB&XH vừa có công văn chỉ đạo BHXH phối hợp Sở LĐTB&XH các địa phương triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, trọng tâm là “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”, vậy ngành LĐTB&XH sẽ có những hoạt động gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?
* Đồng chí Huỳnh Anh Tuấn: Góp phần triển khai có hiệu quả “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”, với trách nhiệm của ngành, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường và tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, BHXH và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan đến người lao động, người sử dụng lao động. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người lao động, người sử dụng lao động tại các DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập, đặc biệt là các DN trong nước.
Cụ thể, các hoạt động sẽ được triển khai thực hiện như: Tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật lao động là lãnh đạo DN, người phụ trách nhân sự, BHXH, Công đoàn tại các DN; hội nghị đối thoại về các chính sách pháp luật, BHXH; thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật trực tiếp cho người lao động tại các DN, khu nhà trọ công nhân tự quản; phát thanh qua hệ thống đài phát thanh cấp xã; cấp phát tờ rơi, gửi đĩa phát thanh hỏi - đáp đến DN.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, BHXH định kỳ trong năm theo kế hoạch tại 30 đến 40 DN. Qua đó, nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm về BHXH. Đồng thời, hướng dẫn các DN thực hiện đúng quy định pháp luật về BHXH, nhất là việc tham gia BHXH đầy đủ số lao động đang làm việc, nộp tiền đóng BHXH kịp thời, đúng thời hạn và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về BHXH để đề xuất tháo gỡ.
Phối hợp các ngành liên quan giải quyết những vướng mắc phát sinh về các chế độ, chính sách BHXH đối với người lao động trong DN, giải quyết đơn thư người lao động kịp thời. Tiếp tục rà soát những nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH.
Ngoài ra, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, BHXH cho người lao động, người sử dụng lao động tại các DN trên địa bàn phụ trách. Tổ chức kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động, BHXH tại các đơn vị trên địa bàn phụ trách, nhất là các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động hoặc đơn vị có người lao động phản ánh hay khiếu nại, khiếu kiện về lao động, tiền lương, BHXH, hay đơn vị có xảy ra ngừng việc tập thể.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀI THU (thực hiện)